Tăng cường công tác tuyên truyền đến nhân dân về chương trình, SGK mới để tạo sự đồng thuận cao của xã hội
EmailPrintAa
11:28 10/02/2023

Chiều 9/2/2023, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông tại huyện Kỳ Anh. Tham dự có Trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh
Đoàn làm việc với UBND huyện Kỳ Anh

Báo cáo của UBND huyện Kỳ Anh cho biết, việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp. Quá trình triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo hướng dẫn chuyên môn của Sở GD&ĐT.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Võ Tá Cương: Đề nghị sớm cho huyện tuyển dụng số giáo viên còn thiếu theo chỉ tiêu biên chế được giao để đảm bảo công tác giảng dạy, nhất là ở các trường THCS

Năm học 2022-2023, huyện Kỳ Anh có 12 trường THCS và 4 trường tiểu học & THCS với 233 lớp, 7.937 học sinh; 17 trường tiểu học với 432 lớp, 14.036 học sinh. Các trường đều đảm bảo 1 phòng học/lớp; các phòng học đều có kết nối internet và được trang bị máy chiếu hoặc màn hình ti vi để hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học…

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được HĐND huyện phê duyệt 193,9 tỷ đồng từ các nguồn đầu tư trung hạn. Ngoài ra, các trường còn nhận được nguồn tài trợ xã hội hóa để đầu tư các thiết bị dạy học như: 10.000 đầu sách tham khảo, 131 ti vi thông minh, 310 wedcam phục vụ dạy học tại lớp học, 605 máy tính bảng phục vụ học trực tuyến...Từ đó, việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông ở huyện Kỳ Anh được triển khai thực hiện đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp. Quá trình triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo hướng dẫn chuyên môn của Sở GD&ĐT.

Trưởng Ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga: đề nghị huyện Kỳ Anh tăng cường công tác tuyên truyền đến nhân dân về chương trình, SGK mới để tạo sự đồng thuận cao của xã hội

Học sinh được chuẩn bị đủ các điều kiện về SGK, vở viết, đồ dùng học tập nên đã từng bước phát huy năng lực học tập cá nhân, nhiều học sinh tự tin, mạnh dạn chia sẻ, hợp tác với bạn bè, thầy cô trong quá trình học tập và sinh hoạt. Kết quả học tập của học sinh học chương trình SGK mới cơ bản đáp ứng mục tiêu chương trình lớp học; học sinh không chỉ ghi nhớ mà còn hiểu và vận dụng vào thực tiễn do quá trình học tập được tham gia tìm hiểu, thực hành và khám phá, vận dụng. Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo cơ bản đã nắm được những yêu cầu của chương trình, SGK mới, vận dụng vào thực tế tổ chức dạy học khá hiệu quả, dần khắc phục lối dạy học, kiểm tra đánh giá áp đặt một chiều, tích cực thay đổi cách dạy theo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp nhu cầu sử dụng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của chương trình, sách gáo khoa mới.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Hồ Huy Thành: Mặc dù còn khó khăn nhưng huyện luôn dành nguồn lực đáng kể cho ngành GD&ĐT, đầu tư cơ sở vật chất ở các trường học

Tuy nhiên, ở huyện Kỳ Anh vẫn còn một số khó khăn như: tỉ lệ giáo viên/lớp còn thấp, chưa đảm bảo về số lượng và cơ cấu để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, nhất là đội ngũ giáo viên dạy văn hóa cấp tiểu học, giáo viên tin học cấp tiểu học và THCS.nMột số trường còn thiếu các phòng chức năng; diện tích một số phòng xây dựng trước không đảm bảo theo quy định tại Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT…

Tại buổi làm việc, huyện Kỳ Anh đã có một số kiến nghị đến Quốc hội và bộ, ngành liên quan một số vấn đề như: giao biên chế tỷ lệ giáo viên tiểu học đạt 1,6 giáo viên/lớp để đảm bảo cho dạy học 2 buổi/ngày khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cần có giải pháp chỉ đạo giảm giá thành SGK chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, đề nghị Đoàn ĐBQH có ý kiến đề xuất với HĐND tỉnh phân bổ nguồn ngân sách hỗ trợ kinh phí cho các nhà trường mua sắm trang thiết bị dạy học; có chính sách hỗ trợ SGK cho các đối tượng nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương tuyển dụng số giáo viên còn thiếu theo chỉ tiêu biên chế được giao của năm học 2022-2023 (thiếu 74 giáo viên, trong đó bậc mầm non 9, bậc tiểu học 31 và THCS 34)...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đánh giá cao kết quả của huyện Kỳ Anh trong thực hiện đổi mới chương trình SGK, giáo dục phổ thông. Đồng thời đề nghị huyện cần có sự lãnh chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, đưa nhiệm vụ triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, có sự kiểm tra giám sát thường xuyên của các cấp và cơ quan chuyên môn liên quan. Tăng cường công tác tuyên truyền đến nhân dân về chương trình-SGK mới để tạo sự đồng thuận cao của xã hội. Quan tâm chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ CBQL đủ năng lực lãnh đạo và thực hiện đổi mới quản lý, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ năng lực đổi mới tổ chức dạy học…Đối với các ý kiến, kiến nghị của huyện, đề nghị huyện bổ sung, hoàn thiện báo cáo làm cơ sở để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp báo cáo Quốc hội.

Trước đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có các cuộc giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội tại Trường THPT Nguyễn Huệ, Trường THCS Giang Đồng, Trường Tiểu học Kỳ Khang 2

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc