Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề và lấy ý kiến vào dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi
EmailPrintAa
18:06 06/05/2014

Để chuẩn bị nội dung tham gia kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 6/5/2014, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề và lấy ý kiến vào dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Tham dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Võ Kim Cự- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Tiến Dũng- TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH và các đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các ngành trong khối Nội chính.

Tại cuộc tiếp xúc, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của ngành trong thời gian gần đây; qua đó đã kiến nghị với Đoàn ĐBQH và các cấp về một số nội dung như: liên ngành tư pháp Trung ương cần tăng cường hướng dẫn những vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định của Bộ Luật hình sự, dân sự, Luật thi hành án, khiếu nại tố cáo; sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính độc lập tương đối trong việc thực hiện quyền năng của cán bộ có chức danh pháp lý trong các hoạt động tố tụng; có chính sách tổng thể đổi mới, nâng cao chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ tư pháp; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, nguồn kinh phí hoạt động cho ngành Kiểm sát.

Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề và lấy ý kiến góp ý vào Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ( sửa đổi)

Đối với dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi, qua thảo luận, các ý kiến tham gia đều thống nhất đánh giá: qua 12 năm thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND, pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002, Viện kiểm sát nhân dân đã khẳng định vai trò là một thiết chế hữu hiệu trong việc bảo vệ Hiến pháp và Pháp luật, đấu tranh với tội phạm, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Mặc dù vậy, thực tiễn thi hành Luật và các Pháp lệnh còn cho thấy một số vấn đề vướng mắc, bất cập như: cơ chế bảo đảm cho VKSND thực hiện quyền hạn, trách nhiệm chưa đầy đủ và hiệu quả; chế độ pháp lý của Kiểm sát viên chưa thực sự phù hợp với trách nhiệm, quyền hạn; chế độ chính sách bảo đảm hoạt động của VKSND chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng… vì thế việc sửa đổi Luật tổ chức VKSND là cầu thiết và đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra hiện nay.

Đồng chí Võ Kim Cự- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị

Đa số thành phần tham dự đồng tình cao với dự thảo Luật sửa đổi, đồng thời nêu ra một số ý kiến như: tại ý 3 khoản 1 Điều 9 về giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cần đưa ra những cơ chế cụ thể việc giám sát của HĐND nếu trong Luật tổ chức Viện kiểm sát ban hành tại khoản 4 Điều 41 ( Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân- PV) đồng ý với phương án 1 thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực; tại khoản 3 Điều 18 với khoản 1 Điều 19 dự thảo Luật ý trùng nhau nên gộp 2 khoản này làm một; tại Điều 41 một số đại biểu đồng tình với phương án hệ thống VKSND gồm có: VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương, VKSND khu vực, các VKS quân sự nhưng cũng có nhiều đại biểu chưa đồng ý với Điều này mà cho rằng không nên thêm VKSND cấp cao và giữ các VKSND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; thêm cụm từ “ ưu tiên” sau Nhà nước trước cụm từ bảo đảm tại khoản 1 Điều 98. Điều này được viết lại như sau: Nhà nước ưu tiên bảo đảm kinh phí hoạt động cho ngành KSND từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật; gộp 2 khoản của Điều 100 về chế độ phụ cấp, Điều này được viết lại như sau: chế độ phụ cấp đặc thù và các chế độ phụ cấp khác của VKSND do Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quyết định theo quy định của pháp luật…

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao những thành tích đạt được của cán bộ công chức, viên chức, nhân viên của ngành trong thời gian qua. Đồng thời, đồng chí đã nêu lên một số nhiệm vụ trọng tâm mà ngành KSND cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới để góp phần cùng cán bộ, nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự đã được Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra.


    Ý kiến bạn đọc