Ủy ban Thường vụ Quốc hội: chất vấn Chánh án TAND Tối cao và Bộ trưởng Bộ GD – ĐT
EmailPrintAa
20:44 22/03/2013

 

Ngày 22-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp trực tuyến chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án TAND Tối cao và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên chất vấn. Điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Trần Tiến Dũng chủ trì, tham dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thiều Đình Duy và đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan. 

 

Buổi sáng, có 23 đại biểu đã chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình về những nội dung liên quan đến 2 nhóm vấn đề: vấn đề án oan, án sai, tình trạng án treo nhiều, nhất là án về tham nhũng, tiêu cực ; giải pháp khắc phục yếu kém về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân ở Tòa án các địa phương làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử và công tác chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của TAND Tối cáo đối với TAND các cấp, các  biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tiêu cực trong hoạt động xét xử. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã chất vấn: Chánh án TAND Tối cao có cam kết và chỉ đạo thực hiện tốt 9 tiêu chí hoạt động ngành Tòa án theo Nghị quyết 37 của Quốc hội hay không?

Đồng chí Trần Tiến Dũng - TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì đầu cầu Hà tĩnh

 

Trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình thẳng thắn thừa nhận nhận một số hạn chế, thiếu sót trong công tác xét xử nói riêng và hoạt động của toàn ngành nói chung. Đồng thời, ông Trương Hoà Bình cũng đã phân tích, làm rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan và các giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới. Chánh án TAND Tối cao thẳng thắn nhận tránh nhiệm và cam kết sẽ có kế hoạch, giải pháp chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt các tiêu chí theo tinh thần Nghị quyết 37 của Quốc hội.

Buổi chiều, 36 vị ĐBQH đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GD – ĐT tập trung vào các nội dung: Giải pháp của Bộ để thực hiện chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo”; Chương trình hành động cụ thể để khắc phc tình trạng “dạy thêm, học thêm” và “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục; giải pháp khắc phục tình hình sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm việc trái chuyên ngành đào tạo; chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu của đơn vị tuyển dụng;  tình trạng mở các trường đại học tràn lanb; tình hình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ vừa học, vừa làm  ….Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn Bộ trưởng Bộ GD – ĐT: Bộ trưởng có quyết sách gì để thúc đẩy chất lượng giáo dục, liệu đến lúc nào thì chúng ta có được một nền giáo dục đào tạo chất lượng toàn diện, đáp ứng kỳ vọng của cử tri cả nước.

 

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn ghi nhận những tồn tại, yếu kém của ngành giáo dục mà các đại biểu đã nêu, trả lời những nội dung chất vấn thuộc thẩm quyền của Bộ, phân tích nguyên nhân và các giải pháp sẽ chỉ đạo toàn ngành tập trung thực hiện trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận đã nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng và hứa sẽ làm tốt hơn vai trò của mình.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao chất lượng phiên chất vấn, trả lời chất vấn; nội dung chất vấn của các đại biểu đã kịp thời chuyển tải tâm tư nguyện vọng của cử tri, thể hiện vai trò trách nhiệm của người đại biểu dân cử. Các câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD – ĐT và Chánh án TAND Tối cao đã làm sáng tỏ một số nội dung mà cử tri quan tâm. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ ra những điểm chưa thoả đáng và yêu cầu Chánh án TAND Tối cao, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT cần tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của ngành Tòa án và công tác giáo dục – đào tạo. Sau phiên chất vấn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận để cử tri cả nước theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện của các Bộ, ngành và tổ chức làm việc để nghe các đơn vị liên quan báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện. 


    Ý kiến bạn đọc