Bảo đảm tính minh bạch trong công tác quy hoạch Quy hoạch sử dụng đất quốc gia
EmailPrintAa
21:56 30/10/2021

Chiều 30/10/2021, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025)
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh

Cùng tham dự có đại diện sở Tài nguyên – Môi trường ; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cùng dự.

Theo đó, hiện nay, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 đã hết thời hiệu thực hiện. Vì vậy, các địa phương đang tập trung cho việc lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2021 - 2025).

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; phân bổ nguồn lực đất đai đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân.

Các đại biểu Quốc hội tham dự thảo luận trực tuyến

Việc xây dựng Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia là cần thiết. Quy hoạch và Kế hoạch đã bám sát các quan điểm của Đảng, chủ trương của Quốc hội đối với công tác quản lý tài nguyên đất đai, đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất đối với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về giải pháp tổ chức thực hiện Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất, báo cáo đã đưa ra 6 giải pháp, trong đó, giải pháp về nguồn lực được Chính phủ đưa ra, đó là ưu tiên đầu tư công cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt trong 5 năm đầu kỳ để dẫn dắt đầu tư tư nhân; tạo quỹ đất phụ cận của các công trình để đấu giá quyền sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai.

Đối với nhóm giải pháp về nguồn lực,  một số đại biểu cho rằng, cần phải cụ thể hơn, như: việc huy động, tổng hợp các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương và địa phương; thực hiện cơ chế công tư kết hợp giữa nhiều hình thức huy động nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp, đón các làn sóng chuyển dịch đầu tư thời kỳ hậu Covid-19. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tài chính, tín dụng; cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách chính quyền, minh bạch, linh hoạt và chủ động hơn…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà

Theo đại biểu  các tỉnh, thành phố. báo cáo thẩm tra đã chỉ rõ, việc thực hiện chỉ tiêu đất bãi thải, xử lý chất thải giai đoạn 2010 - 2020 đạt rất thấp (chỉ 37,29%). Qua theo dõi, giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất để làm khu xử lý chất thải rắn rất khó khăn, đặc biệt là tại các tỉnh có diện tích nhỏ; trong khi thực tiễn, một số khu vực diện tích đất bãi thải lớn đã gây nhiều hệ lụy cho môi trường.

Bên cạnh đó, việc tăng chỉ tiêu này hiện không rõ là do tăng diện tích đất cho bãi thải hay diện tích đất cho xử lý chất thải. Trong khi đó, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải. Do vậy, các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến môi trường cần phải bám sát định hướng này.

Đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo đổi mới, hoàn chỉnh hệ thống chính sách pháp luật đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH; đảm bảo quy định của Luật Đất đai phải đồng bộ với quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản…

Đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần rà soát chỉ tiêu này theo hướng giảm diện tích đất bãi thải, bố trí quy hoạch đất cho xử lý chất thải (chất thải rắn, nước thải), quy hoạch các điểm trung chuyển rác thải tại các đô thị, khu vực nông thôn một cách hợp lý. Ngoài ra, Quốc hội cần tăng cường giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải để làm rõ hơn nội dung này.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thống nhất Quốc hội thông qua quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Phiên thảo luận trực tuyến đã ghi nhận 27 ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Kết thức phần thảo luận vào chiều 30/10, thay mặt đoàn Chủ tọa kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Trong đợt 1, mặc dù họp trực tuyến nhưng kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành và đảm bảo chất lượng các nội dung, chương trình đề ra.

Các phiên thảo luận tổ, thảo luận trực tuyến đã diễn ra sôi nổi; các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có ý nghĩa quan trọng đối với lộ trình phát triển của đất nước. Kỳ họp cũng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước và được cử tri đánh giá cao.

Như vậy, sau 11 ngày làm việc, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đã hoàn thành các nội dung, chương trình đợt 1 (họp trực tuyến từ ngày 20/10 đến ngày 30/10 để nghe các tờ trình, báo cáo, thảo luận tổ và thảo luận trực tuyến).

Đợt 2, các đại biểu sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 8/11 đến 13/11 để thảo luận tại hội trường, tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn, thông qua một số Luật và Nghị quyết; đồng thời tiến hành phiên bế mạc.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc