Cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số tỉnh, thành phố tạo động lực phát triển
EmailPrintAa
13:52 27/10/2021

Tiếp tục ngày làm việc thứ 8, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, sáng 27/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế

Tại điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì, điều hành cùng dự có Đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu IV; Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Tham gia thảo luận trực tuyến tại kỳ họp, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cơ bản đồng tình với sự cần thiết và chủ trương thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và cơ bản nhất trí với tờ trình Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của UBTCNS.

Đại biểu cho rằng đối với chính sách dư nợ vay theo quy định hiện hành của Luật NSNN, mức dư nợ vay của NSĐP không được vượt quá 20%, nhưng trong thực tế các địa phương chưa sử dụng hết định mức hiện tại. Ví dụ: tại tỉnh Thanh Hoá, tính theo dự toán năm 2021, mức dư nợ vay tối đa là 2.636 tỷ đồng, nhưng dư nợ vay đến cuối năm 2021 của Thanh Hóa dự kiến (là 718 tỷ đồng) chỉ bằng 27,2% mức dư nợ cho phép, nếu tính theo mức 60% nếu dự thảo được thông qua thì dư nợ được phép vay sẽ là 7.909 tỷ đồng, cao gấp 11 lần so với mức sử dụng hiện tại. Tương tự, tỉnh Nghệ An hiện vẫn chưa sử dụng hết mức trần quy định hiện hành như trong dự thảo báo cáo thẩm tra nêu. Bên cạnh đó, số liệu tại Báo cáo số 491/BC-CP ngày 9/10/2020 của Chính phủ về báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 (ngày 24/11/2017) của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và Báo cáo thẩm tra số 2241/BC-UBTCNS14 ngày 22/10/2020 của Ủy ban TCNS, dư nợ vay đến cuối năm 2018 của Thành phố Hồ Chí Minh bằng 26,5% mức dư nợ cho phép (cũng lưu ý rằng: đây là năm tốc độ GDP TPHCM và cả nước ở mức cao); đến cuối năm 2020 cũng chỉ đạt 34,9% mức dư nợ cho phép. Tổng kết đối với Hà Nội và thực tế các địa phương có cơ chế đặc thù cho thấy, mức dư nợ vay thực hiện đều luôn ở mức rất thấp so với mức được Quốc hội cho phép.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh phát biểu

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị cần làm rõ cơ sở xây dựng hạn mức dư nợ vay, phương án sử dụng vốn vay, dự kiến hiệu quả kinh tế, nguồn trả nợ vay (các khoản nợ vay theo luật ngân sách hiện hành được quy định rõ trong Luật Quản lý nợ công 2017 và Điều 11,12 Nghị định 93/2018/NĐ-CP quy định về quản lý nợ của Chính quyền địa phương, tuy nhiên dư nợ vay ở đây lại vượt mức quy định hiện hành vì vậy cần làm rõ thêm nguồn trả nợ vay). và điều quan trọng là cần tính toán thêm dựa trên mức độ cần thiết, phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương đang nhận trợ cấp của Trung ương.

Về cơ chế quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng, Đại biểu thống nhất với đề xuất của Dự thảo Nghị quyết đối với thành phố Hải Phòng và tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá và giao HĐND cấp tỉnh sẽ quyết định chuyển đổi mục đích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ. Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ yêu Quốc hội cần làm rõ các loại đất trên đã tính toán trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia của địa phương chưa khi mà trong năm nay Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia dự kiến được phê duyệt. Ngoài ra, đối với Nghị quyết cũng cần có quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường của các cấp chính quyền địa phương.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phân tích thêm, đối với các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là 3/6 tỉnh nằm trong khu vực khu Kinh tế Bắc Trung bộ, ngoài Thừa Thiên Huế có chính sách bảo vệ di sản còn lại các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách được đề xuất cơ bản tương đồng nhau. Mặc dù mỗi địa phương có những đặc điểm, thế mạnh đặc thù so với các địa phương khác, song chưa có những cơ chế, chính sách mới tương thích với đặc thù của một tỉnh hội tụ 3 vùng địa lý, chưa thể hiện được vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của Miền Trung như Tờ trình đã nêu.

Đại biểu dự họp tại điểm cầu Hội trường Ba Đình

Để phát huy vai trò của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII với nhiệm vụ trọng tâm là: “phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh” và thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh về giải pháp liên kết vùng, phát triển vùng kinh tế, trong bối cảnh các địa phương trong cả nước đều cần bổ sung nguồn kinh phí để phát triển kinh tế địa phương, để tránh tình trạng rải rác các địa phương trong cả nước lần lượt xin cơ chế đặc thù, dẫn đến các quy định pháp luật về ngân sách, phân bổ ngân sách không còn phát huy tính hiệu lực

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề xuất chính sách đặc thù trên, cần sớm có sự tổng soát và điều chỉnh hệ thống pháp luật về ngân sách nhà nước, chính sách cần phù hợp với đặc trưng của từng vùng, mang tính tổng thể, có phân loại thành các nhóm cho các địa phương, các quy định cần phải được thể chế hoá trong hệ thống pháp luật, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật đã được ban hành.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc