Cần ưu tiên ngân sách Nhà nước cho giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
EmailPrintAa
16:52 27/07/2021

Chiều 27/7, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các kế hoạch giai đoạn 2021-2025, gồm: Tài chính 5 năm quốc gia; vay, trả nợ công 5 năm; đầu tư công trung hạn. Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ - thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham gia thảo luận sâu về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách. Các báo cáo đã thể hiện rõ vấn đề cải cách thể chế gắn với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính, việc triển khai các chính sách pháp luật ngày càng được đẩy mạnh, hiện đại và đa dạng. Đồng thời các báo cáo đã đề ra các mục tiêu chủ yếu và định hướng cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, giải pháp thực hiện, kế hoạch tài chính 5 năm tới; dự báo, phân tích rõ bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế; đặc biệt chỉ rõ tình hình khó khăn, thách thức do dịch bệnh và điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện cho cả giai đoạn.

Nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tách các mục tiêu trong từng giai đoạn, không nên xây dựng một kịch bản chung mà cần xây dựng 2 kịch bản đảm bảo các chỉ tiêu đề ra có khả năng thực thi cao. Đối với kịch bản thứ nhất, đại dịch có thể kết thúc vào năm 2022 thì 2 năm đầu 2021-2022 các chỉ số tài chính cần sự điều chỉnh ở mức thấp hơn và có khả năng thực hiện; 3 năm sau từ 2023-2025 là giai đoạn phục hồi, bứt phá, tăng tốc cần tính toán lại các chỉ số ở mức cao, phù hợp với khát vọng tăng trưởng của Chính phủ cũng như nguồn lực được tích lũy của cả nền kinh tế và của người dân. Kịch bản thứ hai, Chính phủ cần phải xây dựng phương án dự phòng phù hợp với bối cảnh đại dịch khó kiểm soát trong cả giai đoạn.

Xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp thực hiện “ưu tiên cho giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, khoản chi cho giáo dục đào tạo là chi đầu tư, các chính sách cho lĩnh vực này cần mở rộng thêm các chính sách nuôi dưỡng, đào tạo nhân tài, chế tạo sản phẩm theo đặt hàng của Nhà nước, chính sách đổi mới sáng tạo… Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị các khoản chi ngân sách nhà nước cần tập trung vào chất lượng và sản phẩm đầu ra và đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ vấn đề phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực này, không để tình trạng không đạt mục tiêu đề ra về chi cho lĩnh vực giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.

Cho rằng còn nhiều bất cập trong cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công, cơ chế tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 16/2015/NĐ-CP, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị Quốc hội sửa đổi chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo hướng tách thành 2 hệ thống kế toán: Kế toán các cơ quan hành chính và kế toán các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, chế độ kế toán các đơn vị sự nghiệp được xây dựng theo hướng hạch toán tài chính doanh nghiệp, đồng thời bổ sung các nghiệp vụ về tự chủ tài chính và đặt hàng của nhà nước./.

Quang Đức - Hữu Quý

    Ý kiến bạn đọc