Cần xem người sử dụng trái phép chất ma tuý là đối tượng cần xử lý
EmailPrintAa
18:30 02/11/2020

Chiều ngày 02/11, Quốc hội tổ chức thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn đã tham gia góp ý sâu vào một số nội dung dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn “ t rong Phòng, chống ma túy, công tác “phòng” phải là chính yếu”

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn nhận định thời gian qua số người nghiện tăng nhanh, xuất hiện nhiều chất ma túy mới, các vụ án về ma tuý với khối lượng lớn, Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển ma tuý của thế giới; do đó việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy một cách toàn diện là cấp thiết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với các quy định mới của các Bộ luật, Luật liên quan; tiếp tục hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của công tác phòng, chống ma túy.

Trước tiên, trong Phòng, chống ma túy, đại biểu cho rằng công tác “phòng” phải là chính yếu, cần đầu tư quy định chi tiết thoả đáng hơn nữa; trong đó cần tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu những hành vi vi phạm trên lĩnh vực này.

Về quan điểm sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy lần này, đại biểu đề nghị cần phải xem xét thấu đáo quan điểm có xem người nghiện là “bệnh nhân đáng thương” hay “đối tượng cần xử lý”? Việc lựa chọn phương án nào cũng sẽ ảnh hưởng toàn bộ khung pháp luật để xử lý người nghiện – một vấn đề nhức nhối hiện nay.

Đồng tình là phải có quan điểm nhân đạo, hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện, nhưng chúng ta căn cứ vào tình hình thực tiễn, mức độ tiến bộ của xã hội, điều kiện phát triển kinh tế, ý thức tự giác của người dân để đưa ra hướng giải quyết. Ở Việt Nam, trước 1/1/2010, việc sử dụng ma túy trái phép bị coi là tội phạm với mức phạt đến 5 năm tù. Qua đó đã góp phần kiềm soát, ngăn chắn, giảm thiểu việc tăng số người nghiện. Từ khi chúng ta xem người nghiện là “bệnh nhân” thì số lượng người nghiện và hình thức nghiện cũng gia tăng nhanh chóng. Để phù hợp thông lệ quốc tế, chúng ta đã loại bỏ không còn coi đây là tội phạm hình sự. Tuy vậy, quy trình đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc phải trải qua nhiều giai đoạn, rất rườm rà và khó thực hiện trong thực tế; người nghiện đang dường như đang tự do ở ngoài xã hội và không ít người trong số đó đã và đang gây hại nghiêm trọng cho cộng đồng. Hệ lụy là tình trạng con nghiện tràn ngập từ đô thị tới nông thôn đe dọa cuộc sống bình yên của người dân.

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ và nên bám sát quan điểm xem người sử dụng trái phép chất ma tuý phải là đối tượng vi phạm pháp luật cần những biện pháp xử lý cương quyết, có khi phải mang tính cưỡng chế để bảo vệ cuộc sống yên bình của cộng đồng. Chính hành động cương quyết này mới thực sự là nhân đạo để cứu vớt những người những người lầm lỡ chẳng may dính vào cái chết trắng. Nội dung này cũng cần lưu ý thống nhất quan điểm đồng bộ với Luật xử lý vi phạm hành chính đang chuẩn bị xem xét thông qua.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Về cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, đại biểu Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH thống nhất gồm Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan. Quy định như vậy nhằm thống nhất với Luật An ninh quốc gia, xác định rõ trách nhiệm và điều kiện nhà nước đảm bảo để các cơ quan, tổ chức hoàn thành nhiệm vụ. Tuy vậy Đại biểu đề nghị, cần quy định cụ thể ngay trong luật về thẩm quyền, phạm vi, lĩnh vực, địa bàn, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong phòng, chống tội phạm về ma túy với phương châm là giao cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp phải đảm bảo hiệu quả tối đa công tác phòng, chống tội phạm về ma túy phù hợp với phạm vi, lĩnh vực, địa bàn.

Về những hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo mới chỉ cấm “ hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy, sản xuất trái phép chất ma túy, sử dụng chất ma túy, quảng cáo, tiếp thị chất ma túy ” khi thực hiện “ trên không gian mạng” là chưa đầy đủ. Đại biểu cho rằng còn rất nhiều hình thức khác như tờ rơi, tờ gấp, tin nhắn, truyền thanh, truyền hình... vì vậy cần xem xét bổ sung đầy đủ hơn.

Về cơ sở cai nghiện , đại biểu cho rằng cơ sở vật chất ở một số cơ sở cai nghiện còn thiếu, xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng, dẫn đến khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt, không đáp ứng yêu cầu quản lý nên vừa qua cũng đã xẩy ra một số vụ trốn cơ sở cai nghiện tập thể. Công tác xã hội hóa cai nghiện còn nhiều khó khăn, hiện nay các cơ sở cai nghiện do các tổ chức, cá nhân thành lập chưa được quan tâm và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, trong khi đây là lĩnh vực lợi nhuận không cao nên không thu hút được các nhà đầu tư./.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc