Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XII – dấu ấn và cảm nhận
EmailPrintAa
20:56 27/12/2015

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh khóa XII có nhiệm kỳ hoạt động 04 năm (từ năm 2007 đến năm 2011), ngắn hơn 01 năm so với các nhiệm kỳ trước đó. Song với những nỗ lực, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình, các vị Đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.

Quốc hội Việt Nam khóa XII được tổ chức bầu cử vào ngày 20 tháng 5 năm 2007, có 493 vị Đại biểu Quốc hội trúng cử, trong đó có 07 vị Đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh. Đoàn có 02 vị Đại biểu công tác tại Trung ương, gồm: Đại biểu Nguyễn Sinh Hùng, thời điểm đó là Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến, thời điểm bầu cử là Thứ trưởng Bộ Y tế, đến tháng 8/2011 được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế và 05 vị Đại biểu công tác địa phương. Tuy vậy, tại kỳ họp thứ nhất (tháng 7/2007), đồng chí Trần Đình Đàn, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy được bầu vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp và được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ở địa phương lúc này chỉ còn 04 vị Đại biểu, gồm: Đại tá Nguyễn Thanh Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh bầu làm Trưởng Đoàn (đến năm 2008 Đại tá Nguyễn Thanh Tân được phong lên quân hàm Thiếu tướng) và đồng chí Trần Tiến Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh được bầu làm Phó Trưởng Đoàn chuyên trách; 02 vị còn lại là Đại biểu Nguyễn Nhật, thời điểm bầu cử là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, đến tháng 7/2010 là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Đại biểu Nguyễn Thị Vân, thời điểm bầu cử là cán bộ Phòng Quản lý di sản văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh.


Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Chủ tịch Quốc hội khóa XII và các vị Đại biểu trong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thăm nhà máy Zircon Hà Tĩnh

 

Nhiệm kỳ tuy ngắn nhưng nhìn lại thì Quốc hội khóa XII đã để lại nhiều dấu ấn đậm đà. Đầu tiên là việc các vị Đại biểu Quốc hội bấm nút đồng ý rút thời gian hoạt động của Quốc hội khóa XII từ 5 năm xuống còn 4 năm để mở ra một vấn đề mới cho sau này đó là tổ chức chung một kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp để tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của cho Nhân dân, đất nước.

 

Tiếp đó là vấn đề quyết định sáp nhập tỉnh Hà Tây để mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, một vấn đề hết sức to lớn và trọng đại. Việc sáp nhập, mở rộng Hà Nội quan trọng không chỉ cho hiện tại mà cho cả tương lai của thủ đô và của đất nước. Chính vì vậy, trách nhiệm hết sức nặng nề được đặt lên vai các vị Đại biểu Quốc hội khóa XII, trong đó có Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh. Trong các buổi thảo luận ở tổ, cũng như trên các phiên thảo luận tại hội trường, các ý kiến Đại biểu luôn làm hội trường “nóng” lên từng ngày. Hầu hết các ý kiến đều đóng góp hết sức thận trọng, sâu sắc để bổ sung, hoàn thiện phương án trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ trong phiên thảo luận tại hội trường buổi sáng ngày 19/05/2008 đã đăng đàm, phát biểu với tư cách là một Đại biểu của Đoàn Hà Tĩnh.

 

Trong bài phát biểu của mình, Đại biểu Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh đến tầm nhìn của thủ đô Hà Nội là “…một thủ đô đa chức năng, trọng yếu là chính trị, hành chính gắn liền với nó là văn hóa giáo dục, khoa học và kinh tế, đối ngoại, nơi diễn ra các sự kiện lớn” và “Tầm nhìn này cũng đã được xác định từ Hiến pháp năm 1945... đến Hiến pháp năm 1992 sửa đổi cũng đã khẳng định lại một lần nữa như vậy”. Do vậy, để xây dựng “một thủ đô tương lai theo ý định thì thực tiễn hiện nay không đáp ứng được cả về kết cấu hạ tầng, cả về giao thông, thủy lợi, nông nghiệp cũng như xây dựng và quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội đều không thể đáp ứng được. Cho nên từ thực tiễn đặt ra là phải mở rộng…”. Bài phát biểu của Đại biểu Nguyễn Sinh Hùng đã được nhiều vị Đại biểu tán thành rất cao, xem như là một căn cứ lý luận chắc chắn để từ đó gợi mở các ý kiến tâm huyết khác tham gia, giúp Quốc hội khóa XII biểu quyết thành công thông qua chủ trương sáp nhập tỉnh Hà Tây để mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội.

 

Công tác xây dựng pháp luật cũng là một vấn đề được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện khá tốt, tham gia tích cực vào 80/83 dự án luật được Quốc hội  khóa XII thông qua hoặc cho ý kiến lần đầu. Thuận lợi nhất của Đoàn thời điểm đó, đồng chí Trưởng Đoàn là thủ trưởng một đơn vị trong khối Nội chính; đồng chí PhóTrưởng Đoàn chuyên trách là cử nhân Luật tốt nghiệp loại xuất sắc tại Liên Xô và có một thời gian dài làm việc trong cơ quan có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp (Viện KSND tỉnh). Từ cương vị, bề dày công tác và trách nhiệm của mình, các đồng chí lãnh đạo Đoàn đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ để đóng góp ý kiến vào hầu hết các dự án luật tại các phiên thảo luận Hội trường và thảo luận ở tổ. Riêng Đại biểu Trần Tiến Dũng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách còn giúp cho các vị Đại biểu trẻ trong Đoàn những kinh nghiệm quý trong công tác xây dựng pháp luật, để từ đó góp phần hình thành nên những bài phát biểu đóng góp vào các dự án luật hết sức sâu sắc.

 

Tiêu biểu như bài phát biểu của Đại biểu Nguyễn Thị Vân vào dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng, chống ma túy tại kỳ họp thứ 3. Trong bài phát biểu này, Đại biểu Nguyễn Thị Vân đã lần đầu tiên đưa ra một quan điểm rất mới đó là: “đối với người nghiện ma tuý loại trừ những đối tượng phạm tội liên quan đến ma tuý như buôn bán, sản xuất, tàng trữ, sử dụng, những người mắc nghiện ma tuý theo tôi là những người mắc bệnh… cần được chữa bệnh và Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ người nghiện chữa bệnh, điều đó thể hiện quan điểm nhân văn, nhân đạo hết sức tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa”. Quan điểm này và bài phát biểu sâu sắc của Đại biểu Nguyễn Thị Vân cùng nhiều ý kiến tương tự khác đã được ghi nhận thể hiện thành các chính sách của Nhà nước về cai nghiện ma túy được quy định tại Điều 25 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy.

 

Hoạt động giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XII cũng để lại những dấu ấn nổi bật. Trong 04 năm, Đoàn đã tổ chức thực hiện được 40 cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, giám sát theo yêu cầu của các cơ quan thuộc Quốc hội và giám sát theo chương trình kế hoạch của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XII. Đây là một kết quả không phải Đoàn Đại biểu Quốc hội địa phương nào cũng làm được bởi trong điều kiện chung mỗi Đoàn thường chỉ có 1 đồng chí Phó Trưởng Đoàn làm việc chuyên trách và còn phải đảm đương rất nhiều vai trò, công việc khác.

 

Cùng với tham gia quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, tham gia công tác lập pháp, tích cực tổ chức nhiều hoạt động giám sát thì những hoạt động bên lề mỗi kỳ họp Quốc hội cũng được Đoàn Đại biểu Quốc hội phát huy, làm cầu nối để các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và các sở ngành địa phương ra làm việc với Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương một cách thuận lợi.

 

Một đặc thù khác của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh khóa XII là 4 năm hoạt động nhưng có 2 cơ quan giúp việc khác nhau. Đầu nhiệm kỳ Đoàn có bộ máy giúp việc riêng là Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (thành lập từ 15/1/2005). Văn phòng phục vụ Đoàn ĐBQH khóa XII được gần một năm, sau đó thực hiện Nghị quyết 545 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội được sáp nhập lại với Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh thành Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh. Tuy có sự thay đổi về bộ máy giúp việc nhưng công tác tham mưu, phục vụ vẫn được thực hiện hết sức chu đáo, chất lượng, góp phần tích cực vào những thành công của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh khóa XII, nhiệm kỳ 2007 - 2011.

 


    Ý kiến bạn đọc