Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
EmailPrintAa
10:58 22/10/2020

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, nhiệm kỳ 2016-2021, sáng 22/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).

Phó trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh; cùng dự có lãnh đạo Công an tỉnh, Chi Cục quản lý thị trường, Ban Pháp chế HĐND tỉnh

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; đại biểu Trần Đình Gia, Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh đã có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật.

Theo đó , về lập biên bản vi phạm hành chính tại khoản 1 Điều 58 , đại biểu đề nghị tăng thời gian từ 03 ngày lên 05 ngày, do sau khi nhận được kết quả, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức vi phạm, có những đối tượng ở xa không cư trú ở địa bàn nơi xảy ra vi phạm cần có thêm thời gian cho việc gửi văn bản, thời gian đi lại của các đối tượng vi phạm.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Về chuyển quyết định xử phạt để tổ chức thi hành, tại khoản 3 Điều 71 việc chuyển toàn bộ bản gốc hồ sơ và các giấy tờ liên quan cho cơ quan tiếp nhận quyết định xử phạt để thi hành là phù hợp. Tuy nhiên, cần phải bổ sung quy định “chuyển lại hồ sơ gốc sau khi cơ quan tiếp nhận đã thi hành xong để cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt lưu trữ” theo quy định tại Điều 57.

Đối với việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính (sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 86), (khoản 42 Điều 1 dự thảo luật) . Đại biểu thống nhất với việc bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”. Tuy nhiên, dự thảo giới hạn chỉ áp dụng trong 02 lĩnh vực là xây dựng và bảo vệ môi trường; đề nghị soát xét để tránh xảy ra trường hợp trong thực tiễn có hành vi vi phạm trong lĩnh vực khác cần áp dụng biện pháp cưỡng chế này.

Về tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy pháp, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính (khoản 5, Điều 125), đại biểu đề nghị bổ sung thêm người được giao nhiệm vụ bảo quản phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu bổ sung thêm 01 khoản quy định về tạm giữ động vật, sản phẩm động vật.

Đại biểu Trần Đình Gia đóng góp ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bỏ điểm d khoản 2 Điều 60 vì việc xác định dựa trên giá trị hàng thật là chưa phù hợp; tại khoản 3 Điều 60, quy định thời gian tạm giữ tang vật để xác định giá trị là không quá 24 giờ và nếu cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không được quá 24 giờ (tổng cộng tối đa là 48 giờ, đề nghị quy định thời gian dài hơn để việc xác định giá được thuận tiện; sửa đổi khoản 2 Điều 65 theo hướng có quy định hướng dẫn cụ thể để áp dụng trong thực tiễn; tại khoản 1 Điều 81 quy định khi tiến hành tịch thu tang vật, phương tiện xử lý vi phạm hành chính phải lập biên bản theo biểu mẫu và phải có chữ ký của người có thẩm quyền tịch thu, đề nghị nghiên cứu, xem xét sửa đổi phù hợp thực tiễn; khoản 1 Điều 85 quy định thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả chưa rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu khác nhau, đề nghị xem xét quy định cụ thể…

Chiều nay, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật.

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc