Hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp hình sự và dân sự
EmailPrintAa
13:47 23/06/2025

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 23/6, Quốc hội thảo luận tại tổ 02 dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. Các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh và các tỉnh Hải Dương, Ninh Thuận đóng góp nhiều ý kiến xây dựng các dự án luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham gia thảo luận tổ sáng 23/6

Đẩy mạnh chuyển đổi số thực hiện tương trợ tư pháp dân sự

Đánh giá kết quả và những hạn chế, vướng mắc thực thi, các đại biểu thống nhất cần thiết ban hành Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và Luật Tương trợ tư pháp về hình sự nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế; bảo đảm tương thích và đồng bộ pháp luật trong nước, các cam kết quốc tế; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Chánh án TAND tỉnh đề nghị quy định rõ về chi phí thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp; quy định chặt chẽ về việc thu thập chứng cứ và lấy lời khai trực tuyến

Thảo luận tại tổ về Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, các đại biểu đề nghị rà soát các quy định liên quan để đảm bảo đồng bộ, khả thi; làm rõ thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp; hợp pháp hóa lãnh sự hồ sơ tương trợ tư pháp về dân sự; triệu tập và bảo vệ người làm chứng, người giám định. Đề nghị bổ sung quy định để cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ tránh trường hợp hồ sơ phải gửi trả nhiều lần.

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Trần Đình Gia thảo luận

Các ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh nhấn mạnh việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong tương trợ tư pháp về dân sự là vấn đề hệ trọng, liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia. Do đó, cần quy định rõ cơ quan chủ trì và phối hợp xem xét, áp dụng pháp luật nước ngoài; hoàn thiện quy định về ứng dụng thông tin tương trợ tư pháp bảo đảm thiết thực, kết nối liên thông.

Tăng cường phối hợp, bảo đảm chặt chẽ trong tương trợ tư pháp hình sự

Đối với dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh cho rằng cần mở rộng đối tượng chuyển giao gồm cả người đang bị tạm giam để hỗ trợ điều tra, tăng cường sự hỗ trợ giữa các quốc gia trong giải quyết vụ án hình sự.

Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Hoàng Trung Dũng điều hành buổi thảo luận tổ

Rà roát, cân nhắc kỹ các nội dung như chi phí, điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển giao, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hình phạt tử hình để đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các đại biểu đề nghị quy định rõ các chi phí, cơ quan có trách nhiệm chi trả chi phí; thủ tục đề nghị nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự. Rà soát các nhiệm vụ cụ thể của Cơ quan trung ương trong tương trợ tư pháp bảo đảm phù hợp với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ “đầu mối”./.

Đình Trọng - Tiến Nam

    Ý kiến bạn đọc