Kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII và một số hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh
EmailPrintAa
13:58 12/07/2014

Sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp, cơ bản hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước (kỳ họp bắt đầu từ ngày 20/5 đến 24/6/2014). Cụ thể như:

* Về công tác Lập pháp: Là kỳ họp đầu tiên triển khai Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với tinh thần khẩn trương triển khai Hiến pháp, hoàn thiện thể chế, nền hành chính quốc gia, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, phục vụ nhân dân, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật nhằm rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản về tổ chức bộ máy nhà nước, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết; Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 16 dự án luật khác để làm cơ sở cho việc xem xét thông qua tại kỳ họp sau.

 


Đồng chí Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH 

tỉnh phát biểu tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII

 

Quốc hội đã dành thời gian thảo luận, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội khẳng định chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là đúng đắn, bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

* Về giám sát tối cao:

Xem xét các báo cáo và giám sát chuyên đề

Cùng với việc xem xét một số báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012”. Qua giám sát, Quốc hội tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của chính sách, đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém, vướng mắc trong quá trình thực hiện; phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề ra nhiều giải pháp trong thời gian tới. Quốc hội thống nhất nhận định, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm đã đạt và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn còn cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng; việc lồng ghép chính sách và cân đối nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý và điều phối thực hiện chính sách giảm nghèo còn hạn chế.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu tiếp tục duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong cả nước ít nhất 1,5%/năm, đối với các huyện nghèo giảm 4%/năm, giảm tỷ lệ hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới; tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cơ hội tiếp cận chính sách, tạo sự đồng thuận, chủ động tham gia của người nghèo với sự hỗ trợ của Nhà nước, xã hội; chú trọng giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các địa phương và nhân dân trong triển khai, quản lý và giám sát việc thực hiện chương trình giảm nghèo, đảm bảo đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở đề nghị của các đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015. Theo đó, cùng với những nội dung giám sát tối cao theo thông lệ, trong năm 2015, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” tại kỳ họp thứ 9 và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014” tại kỳ họp thứ 10. Quốc hội giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội; hướng dẫn các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát,...

Về chất vấn và trả lời chất vấn

Tại kỳ họp này, có 189 văn bản chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Quốc hội đã lựa chọn các thành viên Chính phủ và các nhóm vấn đề chất vấn trên cơ sở những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận quan tâm và đảm bảo sự hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay. Với thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Tổng Thanh tra Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội; các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.

* Về xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng:

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Quốc hội đã xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.

Về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông

Quốc hội đã bổ sung vào chương trình nội dung nghe Báo cáo của Chính phủ và thảo luận về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam. Quốc hội đã thể hiện ý chí toàn dân, thảo luận kỹ, sâu sắc vấn đề nghiêm trọng này. Quốc hội đã ra Thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam trước đồng bào ta và dư luận quốc tế 4 điểm sau đây:

Thứ nhất, Quốc hội khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.

Thứ hai, Quốc hội cùng với toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự lo ngại và kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Quốc hội cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam.

Thứ ba, Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Thứ tư, Diễn biến tình hình trên biển Đông còn phức tạp và khó lường. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cùng đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.

Một số hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp


Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với đại sứ quán Nhật bản tại Hà Nội

 

Tại kỳ họp, các vị ĐBQH trong Đoàn Hà Tĩnh đã tham gia đầy đủ các phiên họp của kỳ họp và các hoạt động khác của Đoàn và của các cơ quan của Quốc hội tổ chức. Tập trung nghiên cứu tài liệu để tích cực tham gia phát biểu tại 28 buổi thảo luận ở Hội trường và 11 buổi thảo luận tại Tổ và thảo luận tại Đoàn về các nội dung của kỳ họp. Tại các buổi thảo luận đã có 50 lượt ý kiến phát biểu đóng góp ý kiến vào các nội dung theo chương trình kỳ họp. Ngoài ra, có một số ý kiến đóng góp và câu hỏi chất vấn bằng văn bản được gửi đến một số Bộ trưởng, Trưởng ngành và thành viên Chính phủ.

Ngoài chương trình của kỳ họp, Đoàn đã tranh thủ thời gian, cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Sở, Ban, Ngành liên quan đã  làm việc với lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, Ngành, Tập đoàn, cơ quan ở Hà Nội, gồm: Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Hàn Quốc, Văn phòng đại diện Kinh tế - Văn hoá Đài Bắc - Đài Loan, Văn phòng Đại diện cao cấp Tập đoàn MIS UBISIH, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du Lịch, Bộ Tư lênh Biên phòng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ Công Thương, Bộ LĐTB&XH, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Phát triển, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng hải VN, Tập đoàn Fomosa Đài Loan...

Thông qua các cuộc làm việc với các cơ quan, đơn vị tại kỳ họp Đoàn đã báo cáo, phản ánh, kiến nghị kịp thời, trực tiếp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan về những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, cần xử lý giải quyết ở các địa phương, đơn vị của tỉnh. Qua đó, tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn giúp đỡ cụ thể của Chính phủ, các Bộ, Ngành, Tập đoàn... nhằm đẩy nhanh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh.


    Ý kiến bạn đọc