Nhiều dự luật quan trọng được Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10
EmailPrintAa
08:34 21/09/2020

Theo dự kiến nội dung chương trình, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật gồm Luật Cư trú (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Luật Thỏa thuận quốc tế. Đồng thời sẽ cho ý kiến 6 dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Hiện nay, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đang tích cực phối hợp với một số cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan riển khai lấy ý kiến các dự án luật trên. Ý kiến góp ý về các dự án Luật sẽ được Đoàn kịp thời tổng hợp báo cáo UBTVQH và gửi các ĐBQH trong Đoàn làm tư liệu tham gia thảo luận tại kỳ họp.

Các dự án luật đang được công khai lấy ý kiến góp ý tại trang điện tử http://duthaoonline.quochoi.vn . Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng một số nội dung chính của các dự thảo luật để cử tri theo dõi và nghiên cứu góp ý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc Phiên họp thứ 48 UBTVQH xem xét chương trình Kỳ họp thứ 10, cho ý kiến 05 Dự án Luật, 03 Dự thảo Nghị quyết và nhiều nội dung quan trọng trình Quốc hội.

06 dự án Luật Quốc hội dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10:

Thứ nhất, Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 07 chương, 37 điều nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; đồng thời, nhằm ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, dự thảo luật lần này có 02 chính sách mới: bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; đơn giản hoá các trình tự, thủ tục đăng ký cư trú để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thứ hai, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm 2 điều nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm hành chính, tiếp tục thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo hướng bổ sung, nâng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực; sửa đổi tên, bổ sung, bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt; nâng thẩm quyền xử phạt của một số chức danh; sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục xử phạt và việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện hành vi vi phạm hành chính... và một số quy định chung của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam

Thứ ba, Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 179 điều nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Trong đó, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động, trong đó đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác; quy định các chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án; đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính và giảm thời gian thực hiện.

Thứ tư, Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam gồm 06 chương, 35 điều, nhằm thay thế cho Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng để kịp thời thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở KVBG vững chắc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới. Phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm BGQG; bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân và các mục tiêu chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh ở KVBG; phòng, chống có hiệu quả tội phạm, giữ vững ổn định an ninh, trật tự ở KVBG.  Theo đó quy định một số nội dung cụ thể như nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng; lực lượng Bộ đội Biên phòng; bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng

Thứ năm, Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 8 chương, 76 điều , nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập sau 13 năm thi hành, điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm vệc của công dân. Dự thảo sửa đổi tập trung về các nội dung sau: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; quyền và nghĩa vụ của người lao động; về bảo lãnh cho người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài; về chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp........

Thứ sáu, Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế bao gồm 7 chương, 53 điều, nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc hơn để thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về hội nhập quốc tế, đáp ứng những nhu cầu về pháp luật và thực tiễn đặt ra, tạo cơ sở cho việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và quy định tại Điều 12 Hiến pháp về hội nhập quốc tế, điều chỉnh quy định về ký kết thỏa thuận quốc tế phù hợp với các văn bản mới được ban hành, đáp ứng nhu cầu ký kết văn bản hợp tác quốc tế ở các cấp chưa được quy định trong Pháp lệnh và khắc phục những điểm chưa thống nhất về kỹ thuật trong Pháp lệnh 2007 gây khó khăn cho việc giải thích và thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn

Các dự án Luật sẽ được Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV x em xét, cho ý kiến:

Một là , Dự thảo Luật s ửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn gồm 3 điều , nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau hơn 7 năm áp dụng trên thực tế cũng như các vấn đề mới phát sinh mà luật chưa điều chỉnh. Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức Công đoàn, tạo cơ sở cho sự đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động cho tổ chức Công đoàn trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Hai là , Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( HIV/AIDS) gồm 3 điều nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống HIV/AIDS. Khắc phục được các tồn tại, bất hợp lý sau 13 năm thực hiện Luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm bảo đảm quyền của người nhiễm HIV, phòng ngừa và giảm tỷ lệ nhiễm HIV, khuyến khích, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, mọi người dân, các tổ chức xã hội dân sự và người nhiễm HIV vào công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế về thực hiện mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Ba là, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương, 69 điều nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy. Mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. Ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

Bốn là, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 6 chương, 102 điều, nhằm cụ thể hóa quy định Hiến pháp, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ (GTĐB) và bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do đi lại của công dân. Đồng thời, khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật GTĐB hiện hành và bổ sung điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn về quản lý GTĐB; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sự thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GTĐB. Trong đó tập trung sửa đổi các quy định tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ trong đô thị; về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông; giữ phương tiện giao thông tham gia giao thông đường bộ; về nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, …

Năm là, Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 8 chương, 72 điều nhằm tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; giảm ùn tắc giao thông gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng văn hóa giao thông văn minh tiệm cận dần đến văn minh giao thông của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Dự thảo quy định các vấn đề về: Quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Sáu là, D thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 06 chương, 36 điều, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về kiện toàn, sắp xếp bộ máy tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Trong đó, Dự thảo Luật xác định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn; có chức năng triển khai các yêu cầu công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan Công an có thẩm quyền. Các lực lượng nói trên là lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở./.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc