Phiên tòa trực tuyến là yêu cầu cấp thiết, thích ứng với thực tiễn và phù hợp với xu thế quốc tế
EmailPrintAa
11:38 24/10/2021

Sáng 24/10/2021, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Trần Đình Gia, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Trần Đình Gia, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Cùng dự có Đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu IV; Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Pháp chế HĐND tỉnh và lãnh đạo Công an tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Thanh tra tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Thảo luận các báo cáo trên lĩnh vực tư pháp, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất. Đồng thời nêu thêm một số kiến nghị như: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện hiệu quả các giải pháp đã nêu trong các báo cáo của Chính phủ; tiếp tục có giải pháp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; xử lý nghiêm, theo quy định pháp luật các vụ án tham nhũng trên các lĩnh vực; tăng cường quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các Tòa án, nhất là hạ tầng phục vụ công tác tổ chức phiên tòa trực tuyến; tăng biên chế ngành Tòa án để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao…

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh phát biểu thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến .

Thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và thẩm tra của Ủy ban Tư pháp; Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho rằng: Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mặc dù Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, linh hoạt, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo nhưng nhiều vụ án vẫn không thể tiến hành xét xử theo kế hoạch, phải tạm dừng xét xử do người tham gia tố tụng không thể đến được Tòa án để tham gia xét xử do dịch bệnh. Kết quả năm 2021 chỉ tiêu đạt xx 81,2%, thấp hơn cùng kỳ các năm trước.

Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, theo Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là yêu cầu cấp thiết.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng: Về căn cứ pháp lý, dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến phù hợp với Nghị quyết 48, nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, Hiến pháp 2013, Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Về thực tiễn, dịch COVID-19, dự báo còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu; dự báo tội phạm và các tranh chấp dân sự có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp; việc nhiều, người ít, nếu không có những giải pháp phù hợp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thời hạn tố tụng, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự, tăng chi phí cho xã hội…

Về nguyên tắc, dự thảo Nghị quyết đảm bảo hợp hiến hợp pháp, đúng trình tự thủ tục luật định, đảm bảo thông tin an toàn, bí mật, dân chủ bình đẳng, công khai… Đối với yêu cầu về phạm vi và điều kiện: Xử trực tuyến các vụ án hình sự, dân sự, hành chính đơn giản, chứng cứ, quan hệ pháp luật rõ ràng, các đương sự có địa chỉ rõ ràng, các bị cáo đang bị tạm giam tại cơ sở giam giữ; có đơn đề nghị tòa án xử trực tuyến của người tham gia tố tụng và trại giam; có văn bản đồng ý Viện kiểm sát nhân dân.

Đối với các điều kiện khác, theo Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu, trước đó Tòa án Tối cao đã có quy chế phối hợp với Văn phòng Chính phủ về dịch vụ công trực tuyến và quy chế với bộ Thông tin truyền thông về chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử. Công tác chuẩn bị đã được Tòa án tối cao đã chuẩn bị rất thận trọng, khoa học, công phu; tổ chức họp với các ngành hữu quan; lấy ý kiến của các tòa án.

Trong buổi sáng nay, theo thống kê có 30 ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu. Ngay sau phiên thảo luận trực tuyến, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc