Quốc hội thảo luận Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
EmailPrintAa
16:15 24/10/2020

Sáng 24.10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Phó trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh; cùng dự có lãnh đạo sở Tài nguyên Môi trường, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh

Tại Kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ tại phiên họp: Về chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường: Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các chính sách cơ bản về bảo vệ môi trường đã được thể hiện tại Điều 5 của Dự thảo Luật.

Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường: Dự thảo Luật đã có quy định các hoạt động đầu tư kinh doanh về bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ như tại Điều 142 nhằm khuyến khích dự án đầu tư thuộc ngành nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm thân thiện môi trường…; quy định về cơ sở, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường (Điều 146) và mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường (Điều 147). Để chủ động kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, Dự thảo Luật đã bổ sung 02 nội dung chính sách về sàng lọc dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường; lồng ghép và thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án như tại khoản 10 và khoản 11 Điều 5.

Bộ trưởng  Bộ  Tài nguyên va Môi trường Trần Hoàng Hà trả lời, làm rõ một số vấn đề  ĐBQH quan tâm

Về bảo vệ môi trường nước, đất, không khí: Để thực hiện các biện pháp ứng phó với tình trạng ô nhiễm tại các đô thị lớn, Dự thảo Luật đã có quy định để bảo đảm tính đồng bộ, liên kết giữa kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, chất lượng môi trường không khí với quy hoạch bảo vệ môi trường; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm; tổ chức thực hiện biện pháp khi chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng như tại các Điều 9, 13 và 14.

Về phân bổ hạn ngạch xả nước thải vào môi trường nước mặt, nội dung này là phù hợp với mục tiêu sử dụng nước đã được Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định tại Điều 53, 54 và 55. Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm soát các nguồn nước thải vào lưu vực sông, đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục quy định nội dung này trong Luật Bảo vệ môi trường.

Về quy hoạch bảo vệ môi trường: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường như tại Điều 23, Điều 25 để thống nhất với Luật Quy hoạch và bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường. Đồng thời xin tiếp thu không quy định nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường trong Luật này mà thực hiện theo Luật Quy hoạch.

Về lộ trình di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường; định hướng đầu tư phát triển trong các vùng này; quy định lộ trình di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh không phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường tại Điều 25 để bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương và yêu cầu bảo vệ môi trường trong từng thời kỳ phát triển...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Ngoài những vấn đề nêu trên, Dự thảo Luật đã nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung cụ thể tại các điều, khoản mà các đại biểu Quốc hội quan tâm như về giải thích từ ngữ; những hành vi bị nghiêm cấm; quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường; về tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật; về văn phong, bố cục, kỹ thuật văn bản… cũng đã được rà soát, chỉnh lý, bổ sung.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc