Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)
EmailPrintAa
17:26 23/10/2020

Chiều 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến nhằm thảo luận về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Phó Trưởng Đoàn phụ trách ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh; cùng dự có đại diện lãnh đạo: Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, Sở Lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Tĩnh.

Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 46. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 gồm 8 chương, 76 điều.

Tham gia phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn đồng tình với việc tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ quốc hội về việc nhà nước quản lý và có quy định từng bước bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động không có hợp đồng.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Về đối tượng áp dụng (tại Điều 2, dự thảo Luật), đề nghị chọn phương án 1 gồm 5 khoản, trong đó tại khoản 4 quy định đơn vị sự nghiệp Trung tâm dịch vụ việc làm cấp tỉnh thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế phù hợp với quy định trong Luật Thỏa thuận quốc tế cũng như thực tiễn tại các địa phương.

Tại Điều 5 , dự thảo Luật, đề nghị Ban soạn thảo trình bày rõ hơn và tại khoản 1, Điều 5, nhất trí với phương án 1 (đảm bảo phù hợp với điểm a, khoản 1, Điều 37 của Luật Việc làm 2013), còn khoản 2, khoản 3 Điều 5 đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật.

Tại khoản 3, Điều 43 , đồng ý với phương án 1, Chính phủ quy định nhiệm vụ của Trung tâm dịch vụ việc làm và quy định rõ điều kiện không thu tiền của người lao động, nhằm thực thi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, bảo đảm hiệu quả, không phát sinh bộ máy và biên chế. Đồng thời, đồng tình với việc bổ sung thêm Điều 74, Chính phủ quy định cụ thể chức năng của Trung tâm dịch vụ việc làm, ngoài 7 chức năng đã được quy định, bổ sung thêm 1 chức năng.

Phó Trưởng Đoàn phụ trách ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu thảo luật về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Về quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước (Điều 67, 68, 69 dự thảo Luật), theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn đây vừa là yêu cầu của thực tiễn, vừa phối hợp thực hiện quy định của tổ chức lao động quốc tế ILO, có tác dụng xử lý những rủi ro, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời giúp cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt cơ chế dự phòng và khắc phục rủi ro.

Qua thực tiễn việc xử lý những rủi ro là hết sức cần thiết, đề nghị Chính phủ quy định nâng định mức thụ hưởng một số rủi ro để phù hợp, đồng thời cần có sự công khai minh bạch, định kỳ giám sát việc quản lý, sử dụng, mức đóng góp vào Quỹ của doanh nghiệp, của người lao động, mức chi đối với các nhiệm vụ để không tồn dư quỹ lớn.

Buổi sáng (23/10), các đại biểu đã nghe Quốc hội trình bày Tờ trình, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Lê Trang

    Ý kiến bạn đọc