Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
EmailPrintAa
14:38 17/11/2020

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 17/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với tỷ lệ 91,91% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Toàn cảnh Phiên biểu quyết

Việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường lần này nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có bố cục gồm 16 Chương 171 Điều quy định những nội dung chính gồm: Những quy định chung; Bảo vệ các thành phần môi trường; Chiến lược BVMT quốc gia, quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược (7 điều); Bảo vệ môi trường trong hoạt động; Quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác;  Ứng phó với BĐKH; Quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường; Quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường và báo cáo môi trường; Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại môi trường; Công cụ kinh tế và nguồn lực BVMT; Hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về BVMT; Trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT;…

Các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh tham gia biểu quyết

Luật được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu người dân được sống trong môi trường trong lành. Một trong những điểm nổi bật đó nguyên tắc “Người hưởng lợi từ giá trị môi trường phải trả chi phí”, “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” để hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, xử lý, khắc phục, cải tạo và phục hồi môi trường. Luật cũng có nhiều cơ chế để cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, các chính sách về tín dụng xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022; riêng Khoản 3 Điều 29 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021./.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc