Tăng chi ngân sách cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ
EmailPrintAa
15:41 13/06/2020

Cần tăng chi ngân sách nhà nước (NSNN) trên lĩnh vực giáo dục đào tạo (GDĐT)và khoa học công nghệ (KHCN), đồng thời chuyển hướng chính sách đào tạo nghề một cách hiệu quả - Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 13/) về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Trước tiên, đại biểu đánh giá Quyết toán NSNN năm 2018 cho thấy một bức tranh rất đẹp, cùng với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% cao nhất 10 năm trở lại đây, thì tỷ lệ bội chi NSNN năm 2018 là 2,8% thấp hơn rất nhiều so với mức 3,7% dự toán đề ra và mức 3,5% của năm 2017; mức chi đầu tư giảm 8.387 tỷ đồng, chi thường xuyên giảm 42.665 tỷ đồng, chi dự phòng NSNN giảm 32.097 tỷ đồng, đây là năm thứ 3 liên tiếp chi thường xuyên giảm và tỷ lệ giảm ngày càng tăng (năm 2017 giảm 2,3%, năm 2018 giảm 4,4%), điều này thể hiện sự điều hành quyết liệt của Chính phủ trong việc cắt giảm đầu tư công và tiết kiệm chi. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng việc tiết giảm chi xét về mặt nào đó lại ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của một số lĩnh vực quan trọng, nhất là chi cho hoạt động GDĐT, đào tạo nghề và KHCN.

Cho rằng chi NSNN liên tục nhiều năm không đảm bảo chỉ tiêu dành cho GDĐT (20%) và KHCN (2%), đại biểu đưa ra số liệu cụ thể: chi GDĐT và dạy nghề năm 2018 bằng 14,2% tổng chi NSNN, năm 2019 giảm xuống còn 14,03%, quyết toán chi GDĐT, dạy nghề chỉ đạt 96,2% dự toán; chi KHCN năm 2018 bằng 0,76% tổng chi NSNN, năm 2019 giảm xuống còn 0,74%, chi sự nghiệp KHCN chỉ đạt 91,1% dự toán.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu

Đại biểu cũng đặt ra vấn đề, hiện nay việc phân bổ kinh phí cho GDĐT tính theo dân số là chưa sát đúng vì nhiều địa phương tuy dân số ít nhưng lượng học sinh lớn sẽ gây thiếu hụt. Đồng thời, việc khống chế định mức biên chế dẫn đến số lượng giáo viên trường thừa, trường thiếu, trong khi các họat động chuyên môn giảng dạy và học tập không đổi, nên các trường đã thiếu biên chế giáo viên thì kinh phí phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập (18%) cũng sẽ không đủ, kết quả không những phải bù kinh phí hoạt động thường xuyên mà địa phương còn phải bù cả chi phí giảng dạy cho các trường thiếu giáo viên.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, theo quy định của Luật NSNN năm 2015 và các quy định áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, thì các khoản chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập chỉ đảm bảo 18% vào năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, còn những năm càng về sau thì tỷ lệ này sẽ càng giảm, do các khoản chi hoạt động chuyên môn thì ổn định cả giai đoạn trong khi mức lương cơ sở lại tăng hàng năm.

Từ đó, đại biểu đề nghị cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp khắc phục một cách tổng thể để tăng phân bổ NSNN cho lĩnh vực GDĐT và KHCN phù hợp với chiến lược phát triển các nhiệm vụ này trong từng thời kỳ. Năm 2020 là năm kết thúc giai đoạn ổn định ngân sách 2017-2020, đại biểu đề xuất sớm đánh giá, sửa đồi Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg, trong đó bên cạnh tiêu chí dân số là cơ sở xác định định mức chi thì cần bổ sung các tiêu chí khác như số học sinh đi học từng địa phương; đồng thời tăng mức từ 18% lên 25% tỷ lệ chi cho công tác giảng dạy, học tập và chuyên môn khác để đảm bảo chi đúng và chi đủ.

Đối với công tác dạy nghề, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng ghi nhận những năm qua, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt với rất nhiều các chính sách hỗ trợ cho hoạt động này nên rất nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã được phân luồng theo học tại các trường nghề thay vì dồn vào các trường đại học. Tuy nhiên, qua khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, cho thấy cơ cấu ngành đào tạo chưa thật sự phù hợp với thị trường lao động; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, hạn chế rất lớn tại các cơ sở đào tạo nghề hiện nay là cơ sở vật chất, hệ thống máy móc, thiết bị quá cũ và lạc hậu, không đáp ứng được việc đào tạo học viên thành thục kỹ năng nghề cũng như tiếp cận những ứng dụng của tiến bộ KHCN.

Để chính sách đào tạo nghề thực sự có hiệu quả và đi vào cuộc sống, đại biểu đề nghị Bộ Lao động Thương binh – Xã hội cần rà soát, loại bỏ những ngành đào tạo không cần thiết, đặc biệt là một số ngành trong danh mục đào tạo nghề sơ cấp; tập trung vào chính sách cho đào tạo trung cấp và cao đẳng. Đồng thời, cần có sự quan tâm ưu tiên đầu tư kinh phí cho hoạt động này, trong đó có cơ sở vật chất, máy móc thiết bị dạy học và có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy nghề./.

Phạm Nghĩa - Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc