Tháo gỡ điểm nghẽn pháp luật thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
EmailPrintAa
16:58 22/10/2022

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, sáng ngày 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận tại Tổ số 5 cùng các tỉnh: Sơn La, Đắk Nông, Bình Thuận. Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận tổ.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh chủ trì điều hành phiên thảo luận tổ

Thẳng thắn đánh giá, đề xuất giải pháp cụ thể thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Thảo luận tại tổ, các đại biểu đánh giá năm 2022 tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, gây ra nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành, ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã dành được kết quả khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông - Dương Khắc Mai: Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, nhưng đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là người nông dân. Triển khai các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn quá chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, cần làm rõ trách nhiệm. Cần quan tâm chế độ chính sách tiền lương đảm bảo cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đảm bảo cao hơn mức độ lạm phát trong giai đoạn vừa qua, xem xét thời điểm tăng lương từ 01/01/2023. Cần quan tâm phân bổ ngân sách đảm bảo hoạt động của các Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố

Các đại biểu khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế chúng ta đã tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Kinh tế tăng trưởng khá; lạm phát được kiểm soát; số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Trần Đình Gia: Qua khó khăn của đại dịch, Việt Nam đã làm tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tận dụng thu hút dòng đầu tư nước ngoài. Pháp luật chồng chéo, chậm sửa đổi, hướng dẫn nên quá trình thực thi tạo tâm lý lo lắng, bất an cho cán bộ làm cản trở quá trình phát triển. Giải ngân vốn đầu tư công vướng nhất là giá nguyên, nhiên vật liệu. Chương trình giáo dục đổi mới nhưng các điều kiện đảm bảo kèm theo chưa chuẩn bị tốt nên hiệu quả chưa cao, nhất là các môn tích hợp. Tại các phiên thảo luận, phiên chất vấn, các kỳ họp, Quốc hội khóa XIV và XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị dừng khai thác Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, tập trung xử lý các hệ luỵ có liên quan nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết

Các đại biểu ghi nhận, hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ được thúc đẩy; ngành giáo dục khắc phục khó khăn, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời chuyển đổi kế hoạch học tập, giảng dạy phù hợp với thực tiễn; Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã có tác động rất lớn, tạo sự chuyển biến tích cực, các giá trị văn hoá được phát huy.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, ĐBQH tỉnh Sơn La - Đinh Công Sỹ: Cần rà soát tổng thế, khắc phục việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ; có chiến lược phát triển đội ngũ giáo viên dài hạn. Tại một số địa phương, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học chưa đầy đủ, đồng bộ. Chất lượng một số sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn có mặt hạn chế . Tiếp tục quan tâm đời sống của giáo viên, nhất là vùng sâu, vùng xa

Đồng thời, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và hoạt động tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại tăng cường, vị thế, uy tín trên trường quốc tế được nâng cao

Bên cạnh đó, các đại biểu làm rõ những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, cụ thể như: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai song kết quả còn khiêm tốn; chi NSNN, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm; việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mời, giảm nghèo bền vững, dân tộc và miền núi chưa đảm bảo kế hoạch đề ra; triển khai các dự án trọng điểm quốc gia còn vướng công tác giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu, giá nguyên nhiên liệu; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục chịu tác động sau đại dịch và biến động kinh tế thế giới;…

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng thư ký Quốc hội, ĐBQH tỉnh Đắk Nông - Nguyễn Trường Giang: Cơ chế, chính sách đặc thù đã tạo điều kiện cho Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả, cần xem xét tiếp tục kéo dài nhưng sớm có tổng kết, đánh giá, đối với chính sách tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức cần điều chỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Khóa XII; Cồ phần hoá doanh nghiệp cần quy định điều kiện cụ thể để tiếp tục tạo nguồn lực cho Thành phố

Các đại biểu chỉ ra Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Quy hoạch tỉnh chậm phê duyệt, triển khai; chuyển dịch cơ cấu lao động chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển văn hoá chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu thực tiễn; chất lượng, giá thành sách giáo khoa; tình trạng lạm thu đầu năm học; nhiều vụ đuối nước, tai nạn gây tử vong trẻ em; bạo lực học đường; tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế…

Từ đó, các đại biểu cũng đã phân tích bối cảnh và dự báo tình hình năm 2023 để đề xuất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Kịp thời cải cách tiền lương, tăng mức lương cơ sở

Thảo luận tình hình thực hiện, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình thu, chi ngân sách, cân đối và bội chi ngân sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; Việc cho phép từ năm 2022 thực hiện điều tiết ngân sách trung ương hưởng 100% đối với số thu từ nhà cung cấp nước ngoài; Việc cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước để bố trí vốn cho các dự án được chuyển đổi từ nguồn vốn vay về cho vay lại, vốn bảo lãnh của Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN; xác định tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho từng địa phương; điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu. Cũng đặc biệt quan tâm và đề xuất cần kịp thời thực hiện cải cách tiền lương, tăng mức lương cơ sở.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ: Cần có giải pháp tháo gỡ “khơi thông” dòng vốn cho thị trường tài chính, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững. Cần có các giải pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại . Tạo lập Việt Nam thành thị trường mới nổi, điểm đến của các nhà đầu tư

Cần tiếp tiếp tục kéo dài cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển

Phát biểu tại tổ, các đại biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng người dân Thành phố trong thực hiện Nghị quyết số 54. Với 05 năm triển khai, trong đó có 02 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch, kết quả đạt được là đáng trân trọng, góp phần đưa Thành phố phát triển nhanh, bền vững. Chính sách đặc thù về quản lý đất đai đã góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách được chủ động, linh hoạt, bổ sung thêm nguồn lực trong thực hiện các kế hoạch phát triển; việc phân cấp được tăng cường; chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện; tạo lập cơ chế thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ĐBQH tỉnh Sơn La - Quàng Văn Hương: Cần quan tâm phát triển kinh tế vành đai biên giới quốc phòng; cần có giải pháp nâng cao trình độ dân trí, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho các hộ dân tộc thiểu số và miền núi nghèo; tiếp tục bổ sung thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, làm tốt bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS và miền núi; bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu nhận thấy còn một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 54; đặc biệt là một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách chậm triển khai; có chính sách sau 05 năm vẫn chưa được thực hiện.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Phạm Thị Hồng Yến: Chuyển đổi quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, hướng mạnh vào đổi mới sáng tạo, hướng mạnh vào việc ứng dụng khoa học và công nghệ 4.0, thực hiện quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số hay quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện phát triển kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu; Cần tập trung nâng cao năng lực chống chịu và tính tự chủ cũng như khả năng thích ứng của nền kinh tế; Xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội

Qua phân tích, các đại biểu thống nhất với sự cần thiết cho phép Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023 nhằm góp phần xây dựng Thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Tổ trưởng Tổ thảo luận sô 5 phát biểu

Phát biểu thảo luận tại tổ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng - Tổ trưởng Tổ thảo luận 5 đánh giá năm 2022 mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn sau dịch bệnh, thế giới bất ổn, ảnh hưởng lớn của thiên tai nhưng Chính phủ đã hết sức linh hoạt, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm nên kinh tế đã nhanh chóng được phục hồi, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được những kết quả tốt, niềm tin của Nhân dân được nâng cao.

Tuy nhiên, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng cần nhìn thẳng vào những khó khăn, những bất cập để đưa ra giải pháp khắc phục như: Đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn; hệ thống pháp luật còn chồng chéo, chậm tháo gỡ, hướng dẫn nên các địa phương rất lúng túng khi triển khai thực hiện; phát triển văn hóa chưa có các giải pháp cụ thể, ngân sách đầu tư còn hạn chế; bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, giáo dục đạo đức, lối sống chưa hiệu quả; tính định hướng chuẩn mực trong văn hoá giải trí chưa được chú trọng; chương trình giáo dục còn bất cập; việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được khắc phục triệt để; tiến độ giải ngân đầu tư công chậm; đảm bảo an ninh năng lượng bộc lộ những lỗ hổng.

Thống nhất với báo cáo và các giải pháp các đại biểu đã nêu, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về pháp luật, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo vì lợi ích chung; cùng với tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức thì phải chú ý tăng phụ cấp cho cán bộ thôn, tổ dân phố vì hiện nay phụ cấp bồi dưỡng theo quy định của Nghị định 34 là quá thấp; có chính sách chống già hóa dân số; đưa ra khung khổ pháp lý để quản lý, định hướng thông tin, nhất là thông tin trên các mạng xã hội; cần có giải pháp chiến lược dài hạn về phòng, chống thiên tai; cần xây dựng cơ chế riêng cho hoạt động từ thiện do các cá nhân, tổ chức không chuyên thực hiện; tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng lao động Việt Nam.

Tại phiên thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cũng báo cáo Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê đã tạm dừng 11 năm ảnh hưởng hết sức nặng nề đến đời sống của nhân dân tại khu vực mỏ, gây khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh, cử tri, Nhân dân đề nghị Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét sớm quyết định dừng dự án.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc