Thảo luận tại Hội trường về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
EmailPrintAa
16:38 07/06/2017

Sáng nay, 7/6/2017, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụngvà dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn, thay mặt Đoàn đã tham gia phát biểu.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn, vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng là phần rủi ro trong hoạt động tín dụng và trong quá trình phát triển kinh tế, là khoản nợ không có khả năng thu hồi hoặc được đánh giá là không có khả năng thu hồi, toàn bộ nợ gốc, lãi cho đến kỳ hạn thanh toán. Vấn đề nợ xấu hiện nay không chỉ là của hệ thống ngân hàng mà là vấn đề của cả nền kinh tế và giải quyết nợ xấu cần sự vào cuộc của cả hệ thống khách hàng, hệ thống ngân hàng và hệ thống chính trị.

Đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng đây là thời điểm hết sức cần thiết để chúng ta có nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết sẽ có những quy định cụ thể về các biện pháp xử lý nợ xấu, cơ sở pháp lý để xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng, nâng cao được vai trò, năng lực của công ty VAMC quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng, xử lý được nợ xấu, khơi thông được nguồn vốn sẽ làm an toàn và lành mạnh cho hệ thống ngân hàng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đại biểu đồng tình như dự thảo nghị quyết, cần quy định rõ các khoản nợ xấu phát sinh đến hết thời hạn của nghị quyết. Khi đã cơ bản xử lý được nợ xấu thì cần nghiên cứu đưa vào các quy định của pháp luật để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thành nề nếp thường xuyên. Nợ xấu của tổ chức tín dụng theo tiêu chí từ nhóm 3, 4, 5 đề nghị nên xem xét tập trung vào xử lý nợ xấu nhóm 4, 5 và xử lý trong nhóm này để tránh sự lợi dụng.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại Hội trường
 

 

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, ngoài nguyên tắc như trong tờ trình, đại biểu bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, tránh chuyển chéo nguồn trong xử lý nợ xấu. Vì nó liên quan đến hệ thống tín dụng nhân dân, cho nên phải nêu rõ nguyên tắc này. Đồng thời với xử lý nợ xấu, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm, cụ thể trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu để công khai, minh bạch và được cử tri, Nhân dân đồng tình cao trong quá trình xử lý này.

Đại biểu cũng nhất trí cao với dự thảo nghị quyết về mua bán nợ xấu tại Điều 5, 6, nhưng phải công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật để khi đấu thầu mua bán nợ xấu thì giá có thể thấp hơn hoặc cao hơn theo giá ghi sổ của khoản nợ, để người mua bán nợ đồng thuận cao và dám mua, bán nợ để xử lý nợ xấu được tốt hơn.

Về nguồn thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng tại Điều 7 và áp dụng thủ tục rút gọn trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo tại Điều 8. Đại biểu cho rằng: Đây là căn cứ pháp lý để gỡ nút thắt trong quá trình giải quyết nợ xấu, nhất là các tổ chức VAMC vừa qua xử lý gặp nhiều vướng mắc ở những vấn đề này. Các tổ chức tín dụng vừa qua xử lý nợ xấu cũng hết sức khó khăn khi xử lý tài sản bảo đảm này. Đại biểu thống nhất cao bổ sung quy định để áp dụng quyền thu giữ tài sản của các tổ chức tín dụng và tổ chức VAMC với điều kiện và nguyên tắc là tài sản không có tranh chấp, khi đã có sự thỏa thuận, việc xử lý này các tổ chức mua, bán nợ cũng như các tổ chức tín dụng còn có tranh chấp, sự thỏa thuận chưa cao giữa các bên về thu giữ tài sản bảo đảm thì đề nghị Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp; cử tri ngành ngân hàng cho rằng khi xử lý được vụ việc trong tranh chấp này, nếu không cho rút gọn thì tỷ lệ thu được nợ xấu giảm 25 - 30%, việc áp dụng giải quyết  thủ tục rút gọn là hình thức tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu. Ở đây không chỉ là trách nhiệm của tổ chức tín dụng mà của các cơ quan liên quan, cơ quan pháp luật phải vào ạnh mẽ và hướng dẫn cụ thể vào cuộc một cách đồng bộ.

Để gỡ nút thắt về pháp luật của giải quyết, mua bán khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, theo đại biểu thì đây là vướng mắc trong quá trình thực thi. Khi thế chấp đất, tài sản trên đất, cần quy định thẩm quyền cho phép  thì mới có thể xử lý nhanh gọn và bảo đảm yêu cầu. Cần phải rà soát lại các luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ để sau khi nghị quyết Quốc hội ra đời, sẽ tạo điều kiện trong quá trình xử lý nợ xấu và cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi các luật cho phù hợp nhằm tạo điều kiện để khẳng định môi trường trong lành cho tổ chức tín dụng hoạt động tốt. 


    Ý kiến bạn đọc