Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh chủ trì buổi thảo luận Tổ về Dự án Luật quản lý nợ công( sửa đổi) và Luật tố cáo( sửa đổi)
EmailPrintAa
10:23 31/05/2017

Chiều nay 30/ 5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV, dưới sự chủ trì điều hành của Trưởng Đoàn ĐBQH Đặng Quốc Khánh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cùng Đoàn An Giang, Nam Định đã sôi nổi thảo luận đóng góp nhiều ý kiến thiết thực đối với dự án Luật quản lý nợ công( sửa đổi) và dự án Luật tố cáo( sửa đổi).

Thảo luận về dự án luật quản lý nợ công, Đại biểu Trần Đình Gia và đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ và 9 đại biểu trong Tổ đã tham gia ý kiến. Trước hết, các đại biểu đánh giá cao, qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Luật, đã góp phần quan trọng trong huy động vốn cho bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN); tạo điều kiện cho địa phương huy động vốn vay phát triển kinh tế - xã hội; công tác quản lý nợ công từng bước được hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch, tiếp cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Qua đó góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước...

Đại biểu Đặng Quốc Khánh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tỉnh chủ trì phiên thảo luận tổ

 

Luật Quản lý nợ công cũng tạo điều kiện để tăng cường công tác quản lý nợ chặt chẽ, đảm bảo trả nợ Chính phủ đầy đủ, đúng hạn. Đến cuối năm 2016, các chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép: nợ công ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu NSNN.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trên hai mặt chủ yếu:

 

Thứ nhất, về mặt pháp luật đã bộc lộ một số bất cập: còn có quan điểm khác nhau về phạm vi nợ công, cần có thống nhất như việc có tính các khoản nợ phát sinh từ điều hành ngân sách, nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vào nợ công hay không; yêu cầu đặt ra đối với việc có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, phù hợp cho việc lập, thực hiện, giám sát thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch về nợ công để tương thích với các Luật mới ban hành như Luật NSNN, Luật Đầu tư công và tiệm cận với thông lệ tốt của quốc tế;

 

Thứ hai, công tác quản lý nợ công cũng đã bộc lộ một số bất cập chủ yếu như: nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ (ngoài sự gia tăng nợ trong nước), đáng chú ý là đã có sự gia tăng đáng kể dư nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài (năm 2015 tăng 6,5 lần so với năm 2001), trong đó tập trung vào 3 chủ nợ lớn, đó là: Nhật Bản (tăng 6,8 lần), Ngân hàng Thế giới (tăng 11,5 lần) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (tăng 20,3 lần); việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, trên thực tế đã có một số dự án vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư hoặc Quỹ Tích lũy phải ứng trả thay; còn thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối trả nợ.

 

Theo đại biểu Bùi thị Quỳnh Thơ thì nguyên nhân chủ yếu là do cơ cấu nền kinh tế, mô hình tăng trưởng dựa vào vốn là chính; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, áp lực vốn đầu tư lớn trong khi tích lũy nội địa nền kinh tế còn mỏng; quy mô thị trường vốn trong nước còn nhỏ; tác động bất lợi của kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý “bao cấp” từ Nhà nước, nhất là vốn ODA và trái phiếu Chính phủ; năng lực của một số chủ dự án còn hạn chế; vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư; chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách  nhiệm vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng nợ công; việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quyết toán và báo cáo thực hiện đối với vấn đề nợ công chưa được chú trọng đúng mức.

Từ những phân tích trên, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật này là cần thiết.

 

Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) gồm 10 Chương, 67 Điều so với 7 Chương, 49 Điều của Luật Quản lý nợ công năm 2009. Về bố cục, Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) bổ sung 3 chương mới, 18 Điều so với Luật hiện hành và sửa đổi 44 trong tổng số 49 Điều của Luật hiện hành.

 

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ và đại biểu Trần Đình Gia đề nghị: Cần quy định cụ thể về phạm vi nợ công, làm rõ các khoản nợ không thuộc nợ công, v.v xác định, bổ sung các nguyên tắc quản lý nợ công theo hướng “kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô” (Khoản 2 Điều 5); thống nhất  với việc bổ sung thêm nguyên tắc: “không chuyển khoản nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước” (tại khoản 5, Điều 5). Cần quy định bổ sung chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công nhằm đảm bảo gắn kết giữa các kế hoạch tài chính, đầu tư công theo quy định của Luật NSNN và Luật Đầu tư công đồng thời giảm thiểu yêu cầu hướng dẫn chi tiết.

 

Đối với chỉ tiêu an toàn nợ công: bao gồm các chỉ tiêu nợ công so với GDP; nợ Chính phủ so với GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu Ngân sách Nhà nước, là những chỉ tiêu quan trọng. Vì vậy, các đại biểu tán thành với dự thảo Luật quy định Quốc hội quyết định các chỉ tiêu an toàn nợ công.

Đối với chiến lược nợ công: trên cơ sở chỉ tiêu an toàn nợ công được Quốc hội quyết định, cần có chiến lược để cụ thể hóa các định hướng, giải pháp thực hiện.

Tham gia thảo luận về dự án Luật tố cáo( sửa đổi) đã có 7 ý kiến trong Tổ phát biểu, đại biểu Nguyễn Văn Sơn và đại biểu Trần Đình Gia cho rằng:

 

Luật tố cáo đã được Quốc hội thông qua vào ngày 11 tháng 11 năm 2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012. qua hơn 4 năm triển khai thực hiện cho thấy Luật tố cáo đã bộc lộ những hạn chế, bất cập dẫn đến tình trạng làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, trật tự, kỷ cương pháp luật vì vậy cần phải sửa đổi, bổ sung Luật tố cáo nhằm khắc phục tình trạng trên. Mặt khác, đại biểu Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Sửa đổi Luật tố cáo lần này nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo của công dân là quyền con người, đã được ghi nhận tại Khoản 1, Điều 30 Hiến pháp năm 2013. Đại biểu đồng tình việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về tố cáo và mở rộng hình thức gửi đơn tố cáo nếu cho phép tố cáo bằng các hình thức email, fax… người tố cáo không trực tiếp, không xác nhận thì không có giá trị pháp lý.

 

Đối với tố cáo nặc danh, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị không nên xem xét giải quyết, tránh tình trạng lợi dụng việc tố cáo xúc phạm danh dự uy tín tổ chức, cá nhân bị tố cáo gây rối loạn trong xã hội. Mặt khác, thực tiễn giải quyết tố cáo trong những năm qua cho thấy đơn tố cáo sai chiếm tỷ lệ lớn (qua tổng kết  4 năm thi hành Luật Tố cáo thì có đến 59,3 % tố cáo sai, trên 28% tố cáo vừa đúng, vừa sai. Do vậy chỉ nên xem tố cáo nặc danh là kênh thông tin tham khảo nhưng nếu có căn cứ, có nội dung rõ tràng thì cần quy định cơ chế giải quyết loại tố cáo này. Nhiều cá nhân lợi dụng tố cáo nặc danh  để tố cáo sai sự thật. Người bị tố cáo có danh sẽ bị mất uy tín, ảnh hưởng đến danh dự , công việc của họ, trong khi đó người tố các không chính danh nên không xử lý được theo quy định của phát luật.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn boăn khoăn: Trong Dự thảo Luật quy định trách nhiệm bảo vệ người tố cáo của cơ quan hữu quan còn chung chung, vì vậy cần có quy định cụ thể các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người tố cáo và cũng quy định rõ trách nhiệm và có chế tài xử lý nghiêm đối với người cố tình tố cáo sai sự thật.  

 

Kết luận về nội dung này, đại biểu Đặng Quốc Khánh chủ trì buổi thảo luận đề nghị: để tránh trường hợp tố cáo đã được giải quyết nhưng người tố cáo vẫn cố tình lợi dụng việc tố cáo  đến nhiều người, nhiều cơ quan nhà nước gây mất ANTT, an toàn xã hội  thì cần bổ sung quy định về việc giải quyết tố cáo sau cùng và chấm dứt việc giải quyết tố cáo.

 

Cuối buổi thảo luận, đại biểu Đặng Quốc Khánh đã đánh giá cao các đại biểu trong tổ đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm để đóng góp nhiều ý kiến sát thực đối với 2 dự án Luật nói trên đồng thời kết luận một số nội dung và đề nghị Thư ký các Đoàn tổng hợp  đầy đủ báo cáo cho Quốc hội.


    Ý kiến bạn đọc