Xem xét, ban hành Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội
EmailPrintAa
11:19 26/10/2021

Sáng 26/10/2021, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Cảnh sát cơ động và nghe Bộ Công an giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Trần Đình Gia, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ; đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu IV; đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; lãnh đạo Công an tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Thảo luận Dự án Luật Cảnh sát cơ động, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động, đồng thời cho rằng: Pháp lệnh Cảnh sát cơ động có hiệu lực từ năm 2014  là cơ sở pháp lý quan trọng để Cảnh sát cơ động phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang xử lý kịp thời, có hiệu quả các hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn; trấn áp các đối tượng phạm tội nguy hiểm, đấu tranh triệt phá các chuyên án, các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, hội nghị, sự kiện chính trị quan trọng… góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: Việc xây dựng và ban hành Luật Cảnh sát cơ động trong thời điểm hiện nay là cần thiết bởi: Xây dựng Luật Cảnh sát cơ động nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; thống nhất với quy định của các luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động. Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Với tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phức tạp trong tình hình mới đặt ra yêu cầu phải xây dựng các quy định ở tầm luật để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động. Khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động về nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền điều động và công tác phối hợp của Cảnh sát cơ động với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng để hoàn thiện Dự án Luật Cảnh sát cơ động, trong đó thảo luận nhiều về nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động, chính sách, trang bị phương tiện kỹ thuật đối với lực lượng Cảnh sát cơ động, những yêu cầu trong tuyển dụng chiến sỹ Cảnh sát cơ động; quy định cụ thể trong xử lý việc chống lại lực lượng Cảnh sát cơ động trong các vụ việc; rà soát các Luật khác tránh chồng chéo…

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội (Ảnh chụp màn hình).

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 05 chương, 31 điều cụ thể như sau: Chương I. Quy định chung, gồm: 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động, gồm: 11 điều (từ Điều 9 đến Điều 19); Chương III. Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động, gồm: 06 điều (từ Điều 20 đến Điều 25); Chương IV. Quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động, gồm: 05 điều (từ Điều 26 đến Điều 30); Chương V. Điều khoản thi hành gồm 01 điều (Điều 31).

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc