Bàn về hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND huyện
EmailPrintAa
18:33 23/07/2013

Trong hoạt động giám sát của đại biểu HĐND thì chất vấn là một hình thức giám sát rất quan trọng, thể hiện đầy đủ quyền năng của người đại biểu dân cử được pháp luật quy định. Bản chất của hoạt động chất vấn chính là làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức bị chất vấn về những vấn đề mà đại biểu quan tâm thuộc lĩnh vực, thẩm quyền mà tổ chức hoặc cá nhân đó phụ trách

HĐND huyện Can Lộc khóa XVIII, nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã rất quan tâm đến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đó là việc Thường trực HĐND huyện đề nghị đại biểu HĐND, các tổ đại biểu HĐND thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát…. gửi sớm các ý kiến chất vấn để tổng hợp và ban hành công văn yêu cầu lãnh đạo UBND huyện, các ngành liên quan chuẩn bị nội dung trả lời tại kỳ họp; đồng thời tại phiên chất vấn, Thường trực HĐND yêu cầu lãnh đạo UBND và các phòng, ban đưa ra phương án, kế hoạch thực hiện.

          Tại kỳ họp thứ 2, cuối tháng 12 năm 2012, đã có 7 nội dung với 15 ý kiến chất vấn liên quan yêu cầu được trả lời tại kỳ họp. Các ý kiến chất vấn đều tập trung vào các vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương mà cử tri rất quan tâm. Đó là vấn đề tồn tại, yếu kém trong giải phóng mặt bằng một số dự án; vấn đề thực hiện các chính sách đầu tư cho nông nghiệp; về tình trạng nợ đọng thuế của một số doanh nghiệp; các điểm nóng về khai thác vật liệu xây dựng; về tình hình an ninh trật tự;….

          Các nội dung trả lời chất vấn đã được UBND huyện và các ngành liên quan chủ động trong việc chuẩn bị nên trả lời đúng trọng tâm, trúng với yêu cầu chất vấn. Cuối phần giải trình và trả lời, UBND đưa ra cam kết khắc phục tồn tại đã đáp ứng được mong đợi của người dân, giải quyết được những vướng mắc, bức xúc của cử tri. Những cam kết này được bổ sung vào dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2012 và được HĐND huyện biểu quyết thông qua tại kỳ họp.

          Để phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp ngày càng hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, xin được nêu một số suy nghĩ sau đây:

          Thứ nhất, mỗi đại biểu HĐND cần phải giành nhiều thời gian cho việc thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu, làm tốt việc tiếp xúc cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, kịp thời phát hiện những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm. Đặc biệt là các đại biểu thuộc các ban HĐND phải tích cực tham gia các đợt giám sát, thẩm tra. Đây là điều kiện để nắm bắt thông tin một cách đầy đủ, làm cơ sở cho việc chất vấn đúng trọng tâm và có chất lượng.

          Thứ hai, trước khi chất vấn, các đại biểu HĐND cần nghiên cứu kỹ về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và nghị quyết của HĐND về nội dung định chất vấn; tổng hợp đầy đủ thông tin về những bất cập, yếu kém của cá nhân, tổ chức có chức năng, thẩm quyền giải quyết để chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, đúng trọng tâm. Và điều quan trọng là người chất vấn phải có bản lĩnh vững vàng để truy hỏi, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn.

          Thứ ba, mỗi kỳ họp phải bố trí thời gian cho hoạt động chất vấn phấn đấu ở mức một buổi làm việc. Quá trình tiến hành phiên chất vấn, chủ tọa kỳ họp phải điều hành một cách nghiêm túc, khách quan; tạo không khí thực sự dân chủ, bình đẳng, thoải mái; khéo léo nhưng kiên quyết; biết gợi mở những vấn đề cần chất vấn và trả lời chất vấn. Những vấn đề mà đại biểu đã thống nhất thì chủ tọa phải kết luận và xin biểu quyết của HĐND để chuyển sang vấn đề khác. Những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, chủ tọa có thể xin ý kiến cho thảo luận tiếp; đưa ra thảo luận tại phiên họp khác, hoặc giao cho Thường trực HĐND tiếp tục trực tiếp làm việc với các tổ chức, cá nhân bị chất vấn và báo cáo kết quả bằng văn bản cho các đại biểu HĐND. Và sau kỳ họp không quá 30 ngày, Thường trực HĐND cần có văn bản đôn đốc UBND giải quyết các vấn đề đã hứa tại kỳ họp.

          Thứ tư, cần tổ chức truyền hình, truyền thanh trực tiếp phiên chất vấn. Vì hình thức này có tác dụng hơn các hình thức giám sát khác ở chỗ là phát huy được sức mạnh của công luận cùng tham gia và được nhân dân đồng tình ủng hộ.  

          Trên đây là một số suy nghĩ về hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND cùng trao đổi để Hội nghị tham khảo, mong được các đại biểu có ý kiến thêm để hoạt động chất vấn ngày càng đưa lại hiệu quả hơn./.

 

Ý kiến đề xuất: Hiện nay, toàn Đảng và hệ thống chính trị đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 – NQ/TW, Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó quy định về định kỳ lấy phiếu tín nhiệm, nên đề nghị: Mỗi năm một lần, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND./.


    Ý kiến bạn đọc