Bảo đảm năng lực quyết định của HĐND cấp xã
EmailPrintAa
10:01 15/10/2012

Trở ngại lớn nhất trong việc thực hiện chức năng quyết định của HĐND cấp xã hiện nay là không có ban HĐND. Quyết định của HĐND cấp xã hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò của cá nhân đại biểu HĐND, trong khi chất lượng đại biểu nhìn chung còn nhiều hạn chế…

 

Chất lượng các quyết sách chưa cao

Năng lực quyết định của HĐND cấp xã được thể hiện trước hết thông qua chất lượng các nghị quyết được ban hành. Đó phải là những nghị quyết có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc, thúc đẩy phát triển KT - XH tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế công tác triển khai xây dựng dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND cấp xã chưa được UBND cùng cấp chú trọng đúng mức, chưa thấy hết trách nhiệm trong công tác chuẩn bị dự thảo nghị quyết. Dự thảo nghị quyết được soạn thảo chủ yếu dựa vào nội dung văn bản liên quan của cơ quan nhà nước cấp trên và Đảng ủy cùng cấp, một số ít dự thảo có xem xét đến tình hình thực tế tại địa phương. Công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các đối tượng chịu tác động của nghị quyết và các cơ quan liên quan hầu như chưa được thực hiện. Điều này không những không huy động được sự đóng góp trí tuệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan mà còn làm cho việc đánh giá thực trạng thiếu chính xác, khách quan, dẫn đến nội dung một số nghị quyết xa rời thực tiễn, thiếu tính khả thi.

Trước khi các dự thảo nghị quyết được đưa ra trình tại kỳ họp, hầu hết các địa phương đều tổ chức họp thống nhất nội dung nghị quyết với sự tham gia của lãnh đạo Đảng ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ cùng cấp và các bộ phận liên quan. Đây là bước quan trọng, đóng vai trò chi phối, quyết định nội dung dự thảo nghị quyết; tạo ra sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị cơ sở, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với HĐND. Do vậy, khi nghị quyết trình tại kỳ họp, nhiều đại biểu HĐND lại quan niệm đã có sự thống nhất của lãnh đạo xã nên không đóng góp vào dự thảo, làm giảm vai trò quyết định của người đại biểu nhân dân. Tại một số nơi, cũng với quan niệm này nên khi đại biểu HĐND có ý kiến nằm ngoài hoặc khác với nội dung dự thảo thì Chủ tọa kỳ họp cũng không tiếp thu, hoặc tiếp thu rất hạn chế.

Tại nhiều địa phương, nhất là khu vực miền núi, nhiều dự thảo nghị quyết trình HĐND cấp xã được xây dựng rất sơ sài, quy trình không bảo đảm, các số liệu, thông tin chưa được nghiên cứu, xử lý. Thời gian gửi báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết (tài liệu kỳ họp) đến đại biểu HĐND cũng thường xuyên chậm trễ, nhiều kỳ họp tài liệu được gửi cho đại biểu ngay tại phiên khai mạc. Do vậy, đại biểu có rất ít thời gian nghiên cứu trước tài liệu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thảo luận, quyết định tại kỳ họp.

Một vấn đề tác động không nhỏ đến công tác xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND cấp xã là trình độ cán bộ tham mưu còn nhiều hạn chế, nhất là ở khu vực miền núi; chưa được đào tạo, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ xây dựng báo cáo, dự thảo nghị quyết nên làm việc theo kinh nghiệm là chủ yếu. Nhiều báo cáo, đề án xây dựng thiếu logic, chưa xem xét đầy đủ các căn cứ, yếu tố chi phối, còn phụ thuộc vào chỉ tiêu cấp trên giao, ít căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương. Về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản, đa số các nghị quyết đều chưa bảo đảm theo quy định chung.

Hầu hết đại biểu chưa thực sự quan tâm nghiên cứu, đọc trước các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, không dành đủ thời gian nghiên cứu, liên hệ giữa các nội dung cần quyết định với những thông tin mình có được qua các hoạt động thực tiễn; không đề xuất hay đưa ra những nội dung, phương án mới. Bên cạnh đó, đại biểu HĐND cấp xã thiếu một kênh thông tin quan trọng, mang tính phản biện cao, đó là các báo cáo thẩm tra, do HĐND cấp xã không tổ chức các ban HĐND. Điều này làm hạn chế khả năng phân tích, tìm hiểu các nội dung trình kỳ họp của đại biểu HĐND.

Tại kỳ họp, hầu hết đại biểu đều không tích cực phát biểu ý kiến, nếu có phát biểu thường chỉ rơi vào một số đại biểu nhất định (đại biểu ở khối Đảng, đoàn thể, không tham gia chính quyền). Các kỳ họp HĐND cấp xã không chia tổ thảo luận (do số lượng đại biểu ít) và thời gian dành cho thảo luận cũng rất hạn chế. Trong khi đó, Chủ tọa kỳ họp chưa quan tâm chuẩn bị nội dung gợi ý thảo luận. Nhiều kỳ họp không có ý kiến phát biểu của đại biểu HĐND.

Nghị quyết của HĐND cấp xã chủ yếu được trình bày theo dạng thức: “Thống nhất theo báo cáo (hoặc đề án, tờ trình) của UBND xã”, nội dung chính của nghị quyết được viện dẫn theo văn bản trình của UBND cùng cấp. Do đó, việc tham gia ý kiến của đại biểu trước khi thông qua nghị quyết khó được tiếp thu, chỉnh sửa.

Nhìn chung, các nghị quyết được HĐND cấp xã thông qua thường ít có điều chỉnh so với dự thảo; số lượng ý kiến tham gia góp ý rất khiêm tốn; việc tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến của đại biểu HĐND cũng hạn chế. Nội dung đa số nghị quyết còn đơn giản, chất lượng chưa cao, còn phụ thuộc vào chính sách, quy định của cơ quan nhà nước cấp trên.

Nâng cao năng lực quyết định của đại biểu

Bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND xã, nhất là chất lượng các quyết sách cần bắt đầu từ việc cải thiện chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND. Trong lựa chọn ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã cần quan tâm đến các tiêu chí về trình độ chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm hoạt động dân cử, kết hợp hài hòa giữa yếu tố cơ cấu với trình độ, năng lực thực tế... Ở những địa phương có khó khăn về nhân sự có thể châm chước, song không nên vượt quá giới hạn tối thiểu của các tiêu chí về năng lực được quy định và so với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, đại biểu HĐND cần được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác. Nếu không, đại biểu rất khó đưa ra được các quyết định sát đúng thực tế. Do vậy, việc bưng bít thông tin, chỉ cung cấp những thông tin có lợi hay việc đại biểu không có khả năng xử lý các thông tin được cung cấp... đều khiến cho việc đưa ra quyết định thiếu khách quan và có hại cho lợi ích chung.

Trở ngại lớn nhất trong việc thực hiện chức năng quyết định của HĐND cấp xã hiện nay là không có ban HĐND. Quyết định của HĐND cấp xã hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò của cá nhân đại biểu HĐND, trong khi chất lượng đại biểu nhìn chung còn nhiều hạn chế. Do vậy, cần chú trọng đến yếu tố hợp lòng dân của nghị quyết. Phải xây dựng các quyết sách đúng đắn, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, những bức xúc của xã hội. Nghị quyết của HĐND không chỉ tuân theo quy định của pháp luật mà còn phải linh hoạt, phát huy được lợi thế của địa phương... Bên cạnh đó, Thường trực HĐND phải tham gia cùng với cơ quan soạn thảo văn bản; có như vậy các quyết nghị của HĐND mới thực sự phát huy tác dụng trong thực tiễn.

Chú trọng lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan

Nghị quyết của HĐND về nguyên tắc phải là kết quả của trí tuệ và tâm huyết của một tập thể được nhân dân bầu ra và đại diện cho nhân dân địa phương. Tuy nhiên, trí tuệ cho dù là của một tập thể cũng luôn có giới hạn vì những lý do khác nhau. Việc coi trọng lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân ở địa phương đóng góp cho xây dựng và thực thi nghị quyết của HĐND thực chất là đề cao trí tuệ tập thể; phát huy vai trò quan trọng của phản biện xã hội, là cách thức người dân tham gia quản lý nhà nước đối với một quyết định quan trọng của địa phương.

HĐND và UBND cần xác định rõ những nghị quyết hoặc những vấn đề, nội dung của nghị quyết cần có sự đóng góp ý kiến của các tổ chức, cá nhân để tránh việc trưng cầu ý kiến tràn lan, kém hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy, với những nghị quyết chuyên đề hoặc những vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau; những vấn đề phức tạp, nhạy cảm về phương diện chính trị - xã hội... thì nên lấy ý kiến góp ý. 

Tùy theo tính chất, đặc thù của nội dung nghị quyết mà cơ quan thẩm quyền có thể quyết định phạm vi (rộng - hẹp), hình thức (văn bản - phi văn bản), phương pháp (trực tiếp - gián tiếp) của việc lấy ý kiến đóng góp.

Việc xử lý các thông tin và công bố tổng hợp kết quả từ những ý kiến đóng góp phải trung thực. Cần có chế tài xử lý thỏa đáng đối với những hành vi cố ý cung cấp thông tin không trung thực, bưng bít thông tin hoặc làm sai lệch kết quả tổng hợp ý kiến đóng góp của cá nhân, tổ chức.

Đôn đốc triển  khai và giám sát việc thực hiện

Cần thay đổi tư duy trong tổ chức thực hiện nghị quyết: nếu đủ điều kiện thì tổ chức thực hiện ngay khi có hiệu lực, không cần thiết UBND phải ra văn bản triển khai theo kiểu sao chép lại nghị quyết. HĐND cũng cần tránh lối mòn: nghị quyết nào cũng giao cho UBND cùng cấp ra văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện, thực chất chính là kéo dài thời gian có hiệu lực thi hành, chậm đưa nghị quyết vào cuộc sống, dẫn đến tình trạng nghị quyết của HĐND chờ quyết định của UBND mới thực hiện được... Bản thân nghị quyết của HĐND đã có giá trị pháp lý vì được ban hành đúng quy trình, thủ tục, không trái với các quy định của văn bản cấp trên thì đã có hiệu lực thi hành.

Trách nhiệm đôn đốc triển khai thực hiện nghị quyết trước tiên thuộc về Thường trực HĐND. Thực tế, quan hệ giữa Thường trực HĐND với UBND cùng cấp thường có tính chất “anh em trong nhà”, “hữu hảo”, nên việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường cũng qua loa, nhắc nhở, thông cảm... là chính, ít khi thực hiện đúng nguyên tắc. Mặt khác, do UBND cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền nên thường chậm trễ trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND cùng cấp. Việc khắc phục vấn đề này cần có thời gian và sự thay đổi căn bản trong nhận thức, trong các quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương nói chung. Tuy nhiên, việc đề cao trách nhiệm của Thường trực HĐND là hết sức quan trọng, nhất là đối với những vấn đề bức xúc, cấp bách của địa phương trong thời gian giữa 2 kỳ họp HĐND.

Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND còn là trách nhiệm của các đại biểu HĐND. Đây vốn là một điểm yếu của đại biểu HĐND cấp xã, chủ yếu do ỷ lại vào sự đôn đốc, nhắc nhở và giám sát của Thường trực HĐND. Do đó, cần coi năng lực đôn đốc, kiểm tra, giám sát như một tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã.

Ngoài ra, hiệu quả tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND còn phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia, phối hợp và giám sát thực hiện của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư ở địa phương. Trong số đó, MTTQ và các tổ chức thành viên luôn đóng vai trò nòng cốt. Sẽ rất bất lợi trong việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND nếu vai trò của các tổ chức này không được phát huy đúng mức.

 

    Ý kiến bạn đọc