Công tác tham vấn ý kiến nhân dân cần được luật hoá
EmailPrintAa
14:12 08/11/2011

Tham vấn ý kiến nhân dân nhất là đối với tỉnh vùng cao, nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số có ý nghĩa như thế nào? Hoạt động này đang đặt ra những thuận lợi và thách thức gì? Để hoạt động tham vấn thực chất và đi vào chiều sâu cần những yếu tố gì? Đó là những trăn trở của những người thực hiện Dự án Nâng cao năng lực của các cơ quan dân cử ở Việt Nam (giai đoạn III) và các địa phương miền núi, nơi có nhiều bà con dân tộc thiểu số sinh sống qua 3 năm thực hiện thí điểm.

Tham vấn giúp chính sách đến được với đồng bào dân tộc thiểu số

Trong các năm 2008- 2011, Dự án “Nâng cao năng lực của các cơ quan dân cử ở Việt Nam” (giai đoạn III) đã hỗ trợ HĐND của hơn 20 tỉnh/thành tiến hành tham vấn ý kiến nhân dân và đổi mới giữ mối liên hệ với cử tri. Qua ba năm thí điểm, các cơ quan dân cử và đại biểu đã nhận thức được ý nghĩa, những lợi ích do tham vấn và liên hệ cử tri mang lại cho các bên trong quá trình ban hành và thực hiện chính sách. Đặc biệt, tại các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi việc tiến hành tham vấn công chúng và liên hệ cử tri có đặc thù riêng.

 

Nước ta là một quốc gia nhiều dân tộc. Các dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn rộng lớn, chủ yếu ở khu vực miền núi, biên giới. Đây là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, nhưng cũng là vùng còn nhiều khó khăn, thậm chí đặc biệt khó khăn về phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu... Làm thế nào chính sách của chúng ta phản ánh được đời sống của đồng bào dân tộc. Đó là vấn đề không dễ.

 

Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm tới vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều chủ trương, chính sách, nhiều chương trình, dự án đã được ban hành, thực thi, đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc phát triển KT- XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường kết cấu hạ tầng, giảm mạnh tỷ lệ đói nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng miền núi, dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn như kinh tế chậm phát triển; kết cấu hạ tầng ở nhiều vùng còn yếu kém; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước; chất lượng, hiệu quả giáo dục còn thấp; việc đào tạo nghề chưa được quan tâm đúng mức; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào còn thấp; hệ thống chính trị cơ sở ở nhiều nơi còn yếu kém, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế… Vì thế, tham vấn ý kiến nhân dân nhất là đối với tỉnh vùng cao, nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng và hoạch định chính sách, thông qua đó tạo điều kiện để ý kiến của nhân dân đến được với nhà nước, người dân được bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình và chính quyền nhà nước có trách nhiệm xem xét, tiếp thu những ý kiến chính đáng đó trước khi quyết định ban hành một chính sách mới hoặc cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ một chính sách đã ban hành nếu không còn phù hợp. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước, bảo đảm hiệu quả thực thi hệ thống chính sách phát triển KT- XH tại vùng dân tộc và miền núi có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa là vấn đề cấp thiết trước mắt, là động lực thúc đẩy phát triển, vừa có tính chiến lược lâu dài đối với sự phát triển, ổn định của khu vực có vị trí và ý nghĩa đặc biệt này.

 

Muôn vàn khó khăn

Tham vấn và liên hệ cử tri tại các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết, ở các địa phương này, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng KT- XH chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự phát triển. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ lệ thấp, thu ngân sách toàn tỉnh hầu hết đều thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp. Đặc điểm này đã ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tham vấn và liên hệ cử tri. Rõ nhất là do tình hình phát triển kinh tế còn thấp, kinh phí hoạt động của HĐND rất hạn chế so với các tỉnh có điều kiện thuận lợi hơn. Chẳng hạn, báo cáo của HĐND một số tỉnh cho biết, qua thực tế triển khai các Hội nghị tham vấn ý kiến nhân dân, đối tượng tham gia còn hạn chế do điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất hạn hẹp.

 

Bên cạnh đó, đó là việc cân nhắc các mối quan tâm của các nhóm dân tộc thiểu số đặt ra thách thức cho các nhà quản lý và đại biểu dân cử. Các cộng đồng thiểu số thường phải đối mặt với các thách thức phát triển chẳng hạn như trình độ giáo dục thấp và việc thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội và đôi khi các thách thức đó bị làm trầm trọng thêm bởi các vấn đề ngôn ngữ hoặc văn hóa. Việc thiếu năng lực cũng có thể cản trở các nhóm thiểu số trong việc trình bày quan điểm của họ về các vấn đề phức tạp như quản lý đất đai, đánh giá tác động môi trường và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Đây đều là những vấn đề quan trọng đối với các cộng đồng thiểu số. Mặt khác, các địa phương miền núi và có nhiều bà con dân tộc thiểu số sinh sống có những đặc điểm riêng về KT- XH, văn hóa, địa lý, dân cư. Những đặc điểm đó dẫn đến những khó khăn đặc thù trong việc tiến hành tham vấn và liên hệ cử tri ở các địa phương nói trên theo từng nhóm nội dung  KT- XH; văn hóa, dân cư; địa lý.

 

Đó là chưa kể, nhiều tỉnh thuộc vùng miền núi, địa hình chia cắt mạnh, hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, phạm vi tổ chức tham vấn rộng, nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn đặc biệt là các thôn, bản thuộc các xã vùng sâu, vùng xa. Chẳng hạn ở Sơn La, để tiếp xúc cử tri tại phần lớn các xã thuộc các huyện trong vùng ngập lòng hồ thuỷ điện Sơn La, đại biểu HĐND phải đi bằng thuyền, đi bộ hàng giờ. Hoặc ở Yên Bái, có lúc hầu như các Tổ công tác đã phải đi bộ 4 – 5 km mới đến được địa điểm tham vấn. Tại nhiều địa điểm tham vấn ý kiến nhân dân hoặc liên hệ cử tri, đa phần các hộ gia đình là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, không thành thạo tiếng Việt, do vậy gặp rất nhiều khó khăn trong việc truyền tải những thông tin cần thiết đến với hộ dân. Mặt khác, khả năng của họ trong nhận định, đánh giá các ảnh hưởng của chủ trương, chính sách mà tỉnh đã ban hành đối với đời sống thường nhật của bản thân còn hạn chế, đặc biệt là những lĩnh vực mang tính kỹ thuật cao như quy hoạch điện lực, giá các loại đất...

 

Khuôn khổ pháp lý cần linh hoạt và theo hướng mở

Miền núi và vùng dân tộc thiểu số là những địa bàn luôn chịu thiệt thòi so với các địa phương khác, còn có khoảng cách trong phát triển của vùng miền núi và các dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung của quốc gia. Trong bối cảnh đó, tham vấn nhân dân và liên hệ cử tri của HĐND là những kênh rất hữu hiệu thu hút sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định, ban hành chính sách, làm cho người dân cảm thấy được dự phần, và những chính sách của chính quyền trở nên sát với cuộc sống người dân, đáp ứng đòi hỏi của người dân. Theo Phó chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La Bùi Minh Sơn, tham vấn ý kiến nhân dân thực sự là hết sức cần thiết. Muốn xây dựng luật hoặc một chính sách nào đó, thì những hoạt động tham vấn như tổ chức lấy ý kiến nhân dân, công luận để khi ban hành các văn bản bảo đảm tính toàn diện và tổ chức thực hiện sẽ khả thi cao hơn... Tuy nhiên, để hoạt động tham vấn đạt hiệu quả, Phó chủ tịch Bùi Minh Sơn đề nghị UBTVQH xem xét, quy định về công tác tham vấn ý kiến nhân dân được áp dụng trong toàn quốc, dần được luật hoá. Trước hết là triển khai ở các cơ quan dân cử, các cơ quan tổ chức có liên quan đến việc hoạch định đường lối, chính sách xây dựng pháp luật và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó cũng cần hoàn chỉnh về mặt lý luận, khoa học về công tác tham vấn. Coi công tác tham vấn là một khâu bắt buộc trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Xây dựng quy chế trong hoạt động tham vấn, xác định trách nhiệm và mối quan hệ công tác giữa cơ quan dân cử từ trung ương đến địa phương, mối quan hệ giữa cơ quan dân cử với cơ quan điều hành và MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tất cả các bước của hoạt động tham vấn.

 

Có thể nói, việc ban hành văn bản về thực hiện tham vấn nhằm duy trì tính bền vững của hoạt động tham vấn. Đã đến lúc cần cụ thể hóa các quy định liên quan hiện hành ở cấp quốc gia về tham vấn và liên hệ cử tri. Tuy nhiên, việc thể chế hóa trên phạm vi toàn quốc về quy trình, các hình thức tham vấn ý kiến nhân dân và giữ mối liên hệ với cử tri cần theo hướng mở để HĐND các địa phương có điều kiện quy định cụ thể theo điều kiện từng địa phương mình. Việc thể chế hoá tại mỗi địa phương cũng cần phù hợp với đặc điểm và tình hình KT- XH đặc thù của từng địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Có như vậy, hoạt động tham vấn mới đi vào thực chất và phát huy hiệu quả.


    Ý kiến bạn đọc