Đại biểu phải tâm huyết và trách nhiệm
EmailPrintAa
12:32 18/10/2011

Hoạt động của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, để ban HĐND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, bên cạnh việc tạo cơ sở pháp lý, tăng số lượng đại biểu chuyên trách và nâng cao trình độ, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động… thì đại biểu phải tâm huyết và trách nhiệm. Đây là động lực chính nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND.

Nhờ chủ động khắc phục khó khăn, tích cực đổi mới phương thức, hoạt động của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh, nhất là việc thực hiện chức năng giám sát đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nội dung giám sát được lựa chọn phù hợp với yêu cầu thực tế, hầu hết đều là những vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực văn hóa - xã hội của địa phương. Ngoài giám sát tại các cơ quan quản lý, Đoàn giám sát thường xuyên làm việc tại đơn vị trực tiếp thực hiện và chú trọng khảo sát tại cơ sở để nắm thông tin thực tế. Đặc biệt, để có cơ sở xem xét sâu, đánh giá chính xác vấn đề, nhất là những nội dung thời sự, đông đảo cử tri quan tâm, Ban còn tổ chức điều tra xã hội học, tham vấn ý kiến nhân dân... thu thập thông tin đa chiều liên quan đến nội dung giám sát. Khi không có điều kiện giám sát tổng thể, Ban chọn một số cơ quan, đơn vị đại diện để có căn cứ đánh giá toàn diện, chính xác vấn đề. Quá trình giám sát, thành viên Ban và các đại biểu mời, tổ chuyên viên tích cực đóng góp ý kiến, giúp Ban đánh giá sâu hơn, từ đó đưa ra được những kiến nghị chính xác, kịp thời, được các đơn vị chịu giám sát tiếp thu, thực hiện. Đa số các cuộc giám sát của Ban đều có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí nhằm phổ biến pháp luật, nhất là có thêm dư luận xã hội tích cực để tăng sức mạnh cho các kiến nghị của Ban.

Điểm đáng ghi nhận là hầu hết kiến nghị sau các đợt giám sát của Ban đều được UBND tỉnh và các cấp, ngành liên quan tập trung chỉ đạo giải quyết; một số nội dung chưa được giải quyết thoả đáng được tiếp tục đôn đốc, hoặc đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND để yêu cầu phải giải quyết triệt để. Nhiều kiến nghị được chuyển thành nội dung nghị quyết của HĐND và được UBND tỉnh nghiêm túc thực hiện. Ví dụ, trên cơ sở đề xuất của Ban sau đợt giám sát chuyên đề về chất lượng đội ngũ cán bộ y tế và chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Trong nghị quyết này đã đưa ra hàng loạt các chính sách đặc thù như: chính sách hỗ trợ bác sỹ về xã (500.000đ/người/tháng); hỗ trợ bác sỹ công tác tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa (300.000đ/người/tháng); hỗ trợ phụ cấp đặc thù cho cán bộ (bác sỹ, dược sỹ đại học) làm công tác quản lý ngành y tế (20% lương)… góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở địa phương. Thực hiện kiến nghị của Ban từ đợt giám sát công tác xây dựng thiết chế văn hóa-thông tin-thể thao và phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở, UBND tỉnh đã trích từ 800 triệu - 1 tỷ đồng ngân sách hàng năm trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh... Với những kết quả đạt được, các đợt giám sát, nhất là giám sát chuyên đề của Ban đã góp phần quan trọng tạo chuyển biến tích cực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND, giải quyết những vấn đề bức xúc trên lĩnh vực văn hóa-xã hội ở địa phương.

Hoạt động thẩm tra cũng được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn. Để có cơ sở đánh giá chất lượng, tính khả thi của các đề án, dự thảo nghị quyết, Ban phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tham gia cùng các sở, ngành ngay từ khi khởi thảo; tích cực nghiên cứu các văn bản, thu thập thông tin liên quan qua nhiều kênh khác nhau, nhất là qua tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến các đối tượng liên quan để có cơ sở đánh giá, xem xét sự phù hợp và tính khả thi của các đề án, dự thảo nghị quyết. Quá trình thẩm tra, Ban luôn phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành liên quan, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, chuyên viên có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực đó. Ngoài thẩm tra các báo cáo chung về tình hình văn hóa, xã hội, Ban đặc biệt đi sâu xem xét, đánh giá chất lượng, tính khả thi các Đề án, dự thảo nghị quyết, như: Đề án Đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực lao động kỹ thuật giai đoạn 2009–2011; Đề án Chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập, dân lập, tư thục; Đề án đề nghị phê duyệt Mức hỗ trợ sinh hoạt phí cho giáo viên mầm non ngoài biên chế và hỗ trợ kinh phí cho nhân viên làm công tác kế toán, y tế tại trường mầm non ngoài công lập... Trong báo cáo thẩm tra, Ban luôn thể hiện rõ những nội dung đồng tình, không đồng tình, đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp sửa đổi, bổ sung, tạo cơ sở cho đại biểu thảo luận để quyết định chính xác tại kỳ họp.

Tuy đã có nhiều việc được giải quyết qua các đợt giám sát của Ban nhưng vẫn còn một số kiến nghị sau giám sát và chất vấn chưa được các cơ quan có trách nhiệm trả lời thoả đáng và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Nguyên nhân do thành viên Ban đa số hoạt động kiêm nhiệm, không dành nhiều thời gian theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Mặt khác, chưa có chế tài cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan đối với việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND... Vì vậy, để các ban HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, cần tăng đại biểu hoạt động chuyên trách, quy định cụ thể thời gian hoạt động của các thành viên kiêm nhiệm và làm rõ mối quan hệ, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong quá trình hoạt động; xây dựng Luật Giám sát của HĐND với những chế tài cụ thể, hợp lý liên quan đến trách nhiệm giải quyết kiến nghị sau giám sát... Đặc biệt, đại biểu phải tâm huyết và trách nhiệm, đây là động lực chính nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương


    Ý kiến bạn đọc