Đổi mới chế độ cung cấp và xử lý thông tin cho đại biểu HĐND
EmailPrintAa
08:33 10/07/2013

Để có nguồn thông tin phong phú, đa dạng phục vụ thiết thực hoạt động giám sát của HĐND đòi hỏi phải có hình thức, cơ chế linh hoạt duy trì mối quan hệ thường xuyên giữa đại biểu với cử tri, các cơ quan, tổ chức hữu quan và các phương tiện thông tin đại chúng… Đặc biệt phải đổi mới căn bản chế độ cung cấp và xử lý thông tin cho đại biểu HĐND

Công tác thông tin, tuyên truyền giữ vai trò quan trọng quyết định chất lượng và hiệu quả giám sát của HĐND. Chính vì vậy, HĐND tỉnh Thái Bình luôn chú trọng và thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu của quá trình giám sát. Cụ thể, quá trình xây dựng kế hoạch giám sát, Thường trực HĐND thu thập thông tin về những lĩnh vực, nội dung cần giám sát bằng nhiều hình thức khác nhau, như: yêu cầu các ban HĐND đề xuất những vấn đề, nội dung quan trọng, bức xúc thuộc lĩnh vực phụ trách; chỉ đạo Văn phòng giúp việc tổng hợp báo cáo những vấn đề bức xúc cử tri nhiều địa phương quan tâm, những nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; những tồn tại đã được phát hiện cần khắc phục qua công tác giám sát của MTTQ và các đoàn thể... Trên cơ sở đó, Thường trực, các ban HĐND chọn lọc và trình HĐND quyết định chương trình giám sát năm sau của HĐND tại kỳ họp cuối năm. Căn cứ vào chương trình giám sát đã được HĐND thông qua, Thường trực, các ban HĐND xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể từng tháng, quý để bảo đảm yêu cầu đề ra. Quá trình này, thông tin đóng vai trò định hướng cho hoạt động giám sát của HĐND.

Để thực hiện tốt việc thu thập và xử lý thông tin trước khi tiến hành giám sát, căn cứ vào kế hoạch giám sát hàng tháng, quý, Thường trực, các ban HĐND ban hành kế hoạch giám sát với đề cương được xây dựng chi tiết gửi tới các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát chuẩn bị báo cáo, giao cho Văn phòng giúp việc đôn đốc các đối tượng chịu sự giám sát gửi báo cáo theo đề cương và thời gian yêu cầu. Đồng thời, Thường trực HĐND chỉ đạo Văn phòng cung cấp cho các thành viên đoàn giám sát các văn bản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đối tượng chịu sự giám sát; những nguyên tắc cơ bản trong quản lý, điều hành; các quy định của pháp luật và thông tin, dư luận từ nhân dân; phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến nội dung giám sát; báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát, gửi trước để các thành viên đoàn giám sát nghiên cứu, rút ra những vấn đề cần được làm rõ trong quá trình giám sát trực tiếp, những vấn đề phải xem xét thực tế hoặc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để nắm tình hình... Thông tin thu nhận được trong giai đoạn này giúp HĐND xác định được những vấn đề cần làm rõ để có phương thức giám sát phù hợp.

Quá trình giám sát, phương pháp thu thập, xử lý thông tin được tiến hành theo cách thức: đoàn giám sát nghe đại diện chủ thể được giám sát báo cáo các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát, nhất là những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành và những kiến nghị, đề xuất đối với các cơ quan thẩm quyền; tổ chức xem xét thực tế để lắng nghe ý kiến cử tri và nhân dân về những tồn tại, hạn chế liên quan đến nội dung giám sát. Sau đó, đoàn giám sát làm việc với cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát và các cơ quan liên quan về những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế và các kiến nghị, đề xuất về nội dung giám sát. Tại buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét và trả lời ngay những kiến nghị của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát thuộc thẩm quyền giải quyết; đồng thời kết luận những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát; tiếp thu các ý kiến, kiến nghị. Trong giai đoạn này, những thông tin, số liệu thu thập được sẽ phản ánh trung thực nhất thực tế hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát, nhất là những bất cập, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, hay những khó khăn khi triển khai thực hiện một chủ trương, chính sách nào đó và thường gắn liền với những đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Trên cơ sở báo cáo kết quả giám sát, Thường trực, các ban HĐND tổ chức họp đánh giá kết quả giám sát, yêu cầu UBND và các cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kiến nghị của Đoàn giám sát; đồng thời giao các ban, Văn phòng giúp việc HĐND thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin để đôn đốc việc thực hiện. Báo cáo kết quả giám sát cũng được gửi cho các cơ quan thông tin đại chúng, Thường trực HĐND cấp dưới trực tiếp và báo cáo cho cử tri (nơi có cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát) thông qua các đợt tiếp xúc của đại biểu HĐND để có thông tin, phối hợp theo dõi việc thực hiện. Những thông tin đoàn giám sát thu thập được là cơ sở cho việc hoạch định các chính sách phát triển KT-XH phù hợp với thực tế của địa phương, hay điều chỉnh những quy định bất hợp lý trong phạm vi thẩm quyền của HĐND; đồng thời, đối chiếu, so sánh với nguồn thông tin được cung cấp (tại các kỳ họp, qua các báo cáo) để có những ý kiến phản biện làm rõ vấn đề.

Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nên trong những năm qua, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Thái Bình đã góp phần quan trọng kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình thể chế và thực hiện nghị quyết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo bước đột phá về phát triển KT-XH của địa phương. Đơn cử, quá trình xây dựng, ban hành và giám sát việc thực hiện nghị quyết số 51/2010/NQ-HĐND, ngày 16.7.2010 của HĐND tỉnh về tuyển dụng, quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp năm 2011, Thường trực và các ban HĐND tổ chức nhiều cuộc giám sát, thu thập thông tin về thực trạng và nhu cầu tuyển dụng biên chế sự nghiệp làm căn cứ xây dựng và ban hành nghị quyết bảo đảm tính khả thi. Để nghị quyết được thực hiện đúng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, ngoài tổ chức nhiều cuộc giám sát việc thực hiện, Thường trực HĐND còn phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri, đăng tải nghị quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bản tin hoạt động HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh để bảo đảm tính công khai, minh bạch và cũng là để tăng cường giám sát việc thực hiện.

Bằng các hình thức thông tin, tuyên truyền đa dạng, HĐND tỉnh đã nhận được rất nhiều phản ánh, kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và của đông đảo cử tri, nhân dân về những tồn tại và bất cập trong việc triển khai nghị quyết như: một số đơn vị tự đặt ra các tiêu chí tuyển dụng chưa bảo đảm tiêu chuẩn, chưa đủ số lượng và cơ cấu được giao; chưa bảo đảm công khai, công bằng nên gây bức xúc trong nhân dân...

Trên cơ sở những thông tin đa chiều từ cử tri và các tầng lớp nhân dân, Thường trực HĐND đã tổ chức Đoàn giám sát tại Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Y tế; UBND các huyện, thành phố và một số trường học, bệnh viện trong tỉnh. Qua đó đã phát hiện những vi phạm, vướng mắc và bất cập trong quá trình tuyển dụng biên chế sự nghiệp của tỉnh, kiến nghị kịp thời để UBND tỉnh chỉ đạo các ngành hữu quan giải quyết. Kết quả giám sát được báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh; đồng thời gửi tới các cơ quan truyền thông của tỉnh để cử tri, các tầng lớp nhân dân và các ban, ngành, đoàn thể giám giát việc thực hiện. Nhờ tác động từ nhiều chiều, những vi phạm về việc thực hiện quy chế tuyển dụng đã được Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo khắc phục kịp thời; tình trạng thừa trên 1.000 giáo viên môn văn, toán bậc THCS đã được các ngành Giáo dục - Đào tạo, Nội vụ, Tài chính tham mưu đề xuất giải pháp khắc phục. Qua đó, công tác tuyển dụng biên chế sự nghiệp được thực hiện theo đúng quy định, đủ số lượng, bảo đảm cơ cấu theo nghị quyết HĐND tỉnh đã giao.

Thực tế, để có được nguồn thông tin phong phú, đa dạng, phản ánh khách quan, sát thực cuộc sống đòi hỏi phải có hình thức và cơ chế linh hoạt để duy trì mối quan hệ thường xuyên giữa đại biểu HĐND với cử tri, với các cơ quan, tổ chức hữu quan và các phương tiện thông tin đại chúng... Đặc biệt phải đổi mới căn bản chế độ cung cấp và xử lý thông tin cho đại biểu HĐND, nhất là trong điều kiện hiện nay hầu hết đại biểu HĐND hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Một khi chưa rõ vấn đề, thông tin chưa đủ sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng các cuộc giám sát và các quyết định của HĐND sẽ hình thức, mang tính chủ quan và có thể dẫn đến chất lượng, tính khả thi không cao. Mặt khác, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần định hướng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đa dạng các hình thức tuyên truyền, mở rộng xây dựng đội ngũ cộng tác viên là đại biểu HĐND; xây dựng chuyên mục đại biểu dân cử với cử tri trên các phương tiện thông tin; đồng thời thiết lập kênh thông tin để nhân dân tham gia, đóng góp trí tuệ vào những vấn đề HĐND sẽ thảo luận và quyết định tại kỳ họp.


    Ý kiến bạn đọc