Không để có mặt cho... đủ
EmailPrintAa
09:23 04/02/2012

Nếu không để có mặt cho… đủ thì thành viên các ban HĐND phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi. Bên cạnh đó, cần tổ chức tập huấn chuyên sâu cho các thành viên. Có như vậy, các ban HĐND mới thực sự mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi đặt ra đối với cơ quan dân cử địa phương

Theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND thì HĐND cấp tỉnh có ba ban: Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Pháp chế. Có địa phương có thêm Ban Dân tộc; HĐND cấp huyện có hai ban: Ban Kinh tế - Xã hội, Ban Pháp chế. Các ban HĐND có nhiệm vụ, quyền hạn: tham gia chuẩn bị các kỳ họp của HĐND; thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết, đề án; giám sát hoạt động của UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, hoạt động của TAND, VKSND cùng cấp; giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và công dân trong việc thi hành Hiến pháp, luật và nghị quyết của HĐND. Như vậy, với việc thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng là thẩm tra và giám sát có thể khẳng định, các ban là những đội quân chủ lực của HĐND, hiệu quả hoạt động của các ban sẽ quyết định hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương.

Thẩm tra báo cáo là một hình thức giám sát, kiểm chứng những nội dung báo cáo của UBND, TAND, VKSND có đúng với tình hình thực tế hay không, được thể hiện bằng quan điểm, chính kiến độc lập của ban trên cơ sở các nguồn thông tin đa chiều. Hoạt động thẩm tra dự thảo nghị quyết, đề án là việc xem xét nội dung dự thảo nghị quyết, đề án có phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, với tình hình, điều kiện phát triển KT-XH của địa phương hay không; về tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật. Như vậy, thẩm tra là làm nhiệm vụ gác cổng, kiểm định chất lượng các dự thảo nghị quyết, đề án trước khi trình HĐND xem xét, quyết định; báo cáo thẩm tra của các ban HĐND là nguồn thông tin cần thiết, chính thống có tính chất định hướng cho các đại biểu xem xét, thảo luận và quyết định các vấn đề đặt ra tại các kỳ họp HĐND.

Khác với hoạt động của các đại biểu và tổ đại biểu, kết quả hoạt động, trong đó có hoạt động giám sát của các ban đều phải được thể hiện bằng văn bản báo cáo với HĐND tại các kỳ họp. Chính vì vậy, hoạt động giám sát của các ban phải bài bản, khoa học từ việc xác định vấn đề, đối tượng chịu sự giám sát, xây dựng kế hoạch và tiến hành giám sát; báo cáo phải nhận định, đánh giá sát đúng với thực tế, các kiến nghị phải phù hợp và có tính khả thi. Người ta ví rằng hoạt động giám sát cũng giống như bác sỹ khám bệnh vậy. Việc giám sát phải tìm ra, kết luận được việc tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ có vận hành bình thường khỏe mạnh hay lâm bệnh. Nếu không bình thường thì phải tìm ra được bệnh gì, nguyên nhân gây ra bệnh để từ đó tìm ra đơn thuốc đúng loại, để trị bệnh, giúp cho những cơ thể phát triển lành mạnh.

Đúng vậy, các kiến nghị qua giám sát của các ban HĐND phải là những liều thuốc đặc trị; thực hiện những kiến nghị đó sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, bảo đảm cho các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Để có những kiến nghị trúng, có tính khả thi thì những nhận định, đánh giá từ việc giám sát phải đúng. Sự thực thì việc khám bệnh đối với pháp nhân khó hơn nhiều so với khám bệnh cho thể nhân, bởi lẽ người bệnh thì luôn mong muốn bác sỹ tìm ra bệnh nên khai đủ các triệu chứng, còn đối với pháp nhân thì luôn giấu những tồn tại, hạn chế của mình. Do đó, để mỗi thành viên của ban biết việc, thạo việc và giỏi việc thì cần phải có trình độ chuyên môn, có kiến thức và am hiểu về lĩnh vực thuộc thẩm quyền giám sát của ban; phải nắm luật, hiểu đúng quy định của luật; phải thường xuyên theo dõi, cập nhật để có đầy đủ, chính xác thông tin về tình hình KT-XH, về hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Nhiệm kỳ của HĐND đã qua hai kỳ họp thường kỳ. Thành viên các ban HĐND hai cấp hầu hết ở độ tuổi trẻ và sung sức hơn, trình độ học vấn cao hơn, chức vụ, vị trí (nơi cơ quan, đơn vị công tác) chững chạc hơn so với nhiệm kỳ trước. Vào vị trí đại biểu dân cử và cao hơn nữa là thành viên các ban HĐND với bao điều lo âu, trăn trở, lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Quả đúng vậy, tại những cuộc giám sát, khảo sát phục vụ thẩm tra các báo cáo trình tại kỳ họp của HĐND các địa phương ít nhiều đã thể hiện điều đó. Khi làm việc với các cơ quan, tổ chức trước những báo cáo chải chuốt, trơn tru lẽ ra các thành viên của ban phải có phương pháp và nghệ thuật để khai thác, nắm bắt thông tin (ngay cả bác sỹ khám bệnh, ngoài phương tiện kỹ thuật còn phải khai thác triệt để thông tin về các triệu chứng từ bệnh nhân mới bắt đúng bệnh và nguyên nhân gây bệnh). Trong khi đó, nhiều người coi đây là cơ hội để trình bày, báo cáo lại những thành tích mà địa phương mình đạt được hoặc ngành mình phối hợp thực hiện trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan là đối tượng chịu sự giám sát. Cũng có vị “thẳng tay” chỉ đạo cần phải làm việc này, việc nọ. Ngược lại, có người không tiếc lời động viên, khen ngợi hoặc chỉ biết góp ý câu, chữ trong báo cáo. Có đại biểu hỏi những vấn đề không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đến giám sát; thậm chí sử dụng những thuật ngữ không hề có trong luật, chẳng hạn như khi hỏi về việc xóa án tích thì lại hỏi về tình hình “thanh lý án”...

Đó là một thực tế không thể phủ nhận, tuy nhiên không ai có quyền chê trách bởi họ còn phải dành thời gian làm tròn nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ nơi cơ quan công tác; vả lại họ đâu có qua sát hạch nghiệp vụ mà chỉ là những người được dân cử. Trong khi đó, lĩnh vực thuộc thẩm quyền giám sát của các ban HĐND lại quá rộng nên khó để chuyên sâu. Cái khó là vậy, tuy nhiên cũng có người cho rằng, có gì đâu rồi mọi việc cũng xong. Đúng, mọi việc cũng xong nhưng kết quả đó có đáp ứng kỳ vọng của người dân, có xứng đáng với niềm tin gửi gắm của cử tri hay không là điều phải trăn trở. Nếu không để có mặt cho... đủ thì thành viên các ban phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi. Trước hết hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, của các ban HĐND và đại biểu HĐND; biết phân biệt giữa các hoạt động giám sát, khảo sát với thanh tra, kiểm tra để nhập đúng vai. Tiếp đến là cần tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức và các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi giám sát của HĐND... Ngoài nỗ lực của các thành viên, HĐND cấp tỉnh và huyện cần tập huấn chuyên sâu cho các thành viên. Có như vậy, các ban HĐND mới thực sự mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi đặt ra đối với cơ quan dân cử địa phương.


    Ý kiến bạn đọc