Một số ý kiến tham gia tại Hội nghị toàn quốc của UBTVQH tổng kết công tác HĐND năm 2023, triển khai Kế hoạch năm 2024
EmailPrintAa
17:11 25/03/2024

Công thông tin "Đại biểu nhân dân Hà Tĩnh" trân trọng trích nguyên văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Nhuần, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân năm 2023, triển khai Kế hoạch năm 2024

Kính thưa các đồng chí chủ trì hội nghị

Kính thưa quý vị đại biểu!

Trước hết, tôi bày tỏ sự đồng tình nhất trí cao với báo cáo của Chủ trì Hội nghị về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các ý kiến tham luận của đại biểu đại diện các địa phương. Sau đây, tôi xin tham gia thảo luận một số nội dung như sau.

Chúng tôi hết sức trân trọng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã rất quan tâm, đồng hành với hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; Trong thời gian qua đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Hội đồng nhân dân như: Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết số 629/2019/NQ-UBTVQH14 ngày 30/01/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân; Văn bản số 289/UBTVQH15-CTĐB ngày 15/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện các quy định về thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ; Văn bản số 599/UBTVQH15-CTĐB  ngày 21/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai tổ chức lấy phiếu tín nhiệm…Những nội dung trong các hướng dẫn cụ thể nêu trên đã giúp các địa phương triển khai thực hiện thuận lợi.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có bài phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp vẫn còn những khó khăn, bất cập, cần tiếp tục đề ra các giải pháp tháo gỡ, với thời gian cho phép, thay mặt các đại biểu tỉnh Hà Tĩnh, tôi xin đề xuất UBTVQH quan tâm một số nội dung sau, đó là:

1. Đề nghị làm rõ và quy định cụ thể việc “phân cấp” giữa các cấp chính quyền địa phương .

Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật tổ chức chính phủ và luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 quy định về phân cấp cho chính quyền địa phương. Trên thực tế việc phân cấp trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, trong đó chủ yếu tập trung vào phân cấp, phân quyền giữa chính quyền Trung ương và cấp tỉnh; chưa quy định rõ ràng, rành mạch phạm vi phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền địa phương. Dẫn đến, quá trình thực hiện có những bất cập như: Theo Nghị định 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh quy định việc kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Quy định như vậy quá trình xây dựng, thẩm tra, ban hành và thực hiện sẽ không phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng nếu phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã quyết định thì không đúng thẩm quyền.

Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân năm 2023, triển khai Kế hoạch năm 2024

2. Cần sớm có quy định hoặc hướng dẫn về việc xây dựng Nghị quyết “không chứa quy phạm” (Nghị quyết cá biệt) để giải quyết một số tình huống cụ thể như:

Theo quy định của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 sửa đổi năm 2020, HĐND cấp huyện, cấp xã chỉ được ban hành nghị quyết để quy định những vẫn đề được luật giao, trong một số trường hợp nhất định một số đơn một số địa phương sẽ ban hành Nghị quyết hỗ trợ một việc cụ thể thì lại liên quan đến thủ tục hành chính (mà thủ tục hành chính chỉ được quy định trong văn bản có chứa quy phạm pháp luật).

3. Cần làm rõ vai trò, vị trí của các Ban Hội đồng nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan . Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định :

Ban của Hội đồng nhân dân là cơ quan của Hội đồng nhân dân, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình Hội đồng nhân dân, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân

Nhiệm vụ quyền hạn của các Ban hội đồng được quy định rõ trong luật. Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh gồm có Trưởng ban, Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Tuy nhiên, các Ban hội đồng chưa được điều chỉnh trong một số văn bản quy phạm pháp luật cũng như các quy định liên quan đến địa vị pháp lý, chính trị và điều kiện hoạt động của các Ban HĐND. Do vậy, điều kiệu để các Ban Hội đồng thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn. Ví dụ: Nghị định 72/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2023 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô không quy định cụ thể đối với các Ban Hội đồng nhân dân, hay việc dự thảo về chế độ tiền lương mới trong danh mục chưa có các Ban HĐND mà được điều chỉnh ở mục “cơ quan hành chính Nhà nước”…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

4. Cần sớm có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của bộ máy tham mưu, giúp việc cho Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã.

Điều 127 Luật tổ chức chính quyền địa phương quy định “Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; quy định việc tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã”. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ chưa quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của cấp huyện và cấp xã.

5. Đề nghị nghiên cứu, xem xét tăng đại biểu chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nhiệm kỳ tới là cán bộ chuyên trách từ cán bộ, công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để tăng số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu mà vẫn không làm tăng biên chế.

Kính thưa quý vị đại biểu

Thưa tất cả các đồng chí, còn một số nội dung liên quan đến Hội đồng nhân dân trong thực tiễn hoạt động còn khó khăn, vướng mắc như: giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, công tác tiếp dân của cá nhân đại biểu, chế độ thi đua, khen thưởng và chế tài xử lý đối với đại biểu ít tham gia vào hoạt động Hội đồng nhân dân… nhưng do thời lượng không cho phép nên tôi xin dừng tham luận tại đây. Xin kính chúc các đồng chí chủ trì hội nghị, quý vị đại biểu nhiều sức khỏe và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Thị Nhuần, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh

    Ý kiến bạn đọc