Những kinh nghiệm bước đầu thông qua hoạt động giám sát ngân sách ở Hà Tĩnh trong thời gian qua
EmailPrintAa
15:17 17/10/2011

( Tham luận của đồng chí Thiều Đình Duy, UVBTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung bộ)
Giám sát là chức năng quan trọng của HĐND và của đại biểu dân cử. Nội dung, chất lượng giám sát có vai trò và ý nghĩa quan trọng góp phần thể hiện chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò và nâng cao hiệu lực hoạt động HĐND. Hiệu quả giám sát được thể hiện qua chất lượng của các kiến nghị giám sát và hiệu quả thực hiện các kiến nghị giám sát.
NHỮNG KINH NGHIỆM BƯỚC ĐẦU THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT NGÂN SÁCH Ở HÀ TĨNH TRONG THỜI GIAN QUA
Đồng chí Thiều Đình Duy, UVBTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tham luận tại Hội nghị

Trong toàn bộ hoạt động của Nhà nước, nhất là hoạt động kinh tế - xã hội đều được thể hiện qua hoạt động tài chính, ngân sách. Đây là một lĩnh vực tổng hợp, nó thể hiện rất rõ hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng ngân sách trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để có căn cứ quyết định việc giao thu, nhiệm vụ chi, phê chuẩn quyết toán và điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương đúng luật NSNN, phù hợp với thực tiễn của địa phương cần phải có cơ chế giám sát, nội dung giám sát đối với công tác quản lí ngân sách trên địa bàn.

Trong khuôn khổ chủ đề hội thảo, nội dung tham luận này nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm về những vấn đề mà HĐND cần quan tâm trong hoạt động giám sát quản lý ngân sách tại địa phương.

Khái quát tình hình giám sát ngân sách ở Hà Tĩnh

Xác định giám sát việc thực hiện ngân sách địa phương là một trong những nội dung quan trọng trong triển khai kế hoạch giám sát hàng năm của HĐND tỉnh; chú trọng xem xét quản lý nhà nước gắn với các chủ trương đầu tư của tỉnh để đôn đốc thực hiện đúng pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách. Quá trình thẩm tra các báo cáo của UBND về thực hiện dự toán thu, chi ngân sách, nhất là việc chấp hành chính sách, pháp luật và sự vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của địa phương. Giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND, Ban KTNS HĐND tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan giám sát việc thực hiện tài chính, ngân sách tại các sở, ban, ngành, địa phương để Nghị quyết của HĐND về dự toán thu, chi ngân sách và bố trí vốn đầu tư phát triển được thực thi hiệu quả, đúng pháp luật.

Qua công tác giám sát kịp thời phát hiện những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh trong lĩnh vực kinh tế ngân sách. Thường trực HĐND, Ban KTNS HĐND tỉnh đã có ý kiến với UBND tỉnh và các ngành kinh tế tổng hợp về những vấn đề nảy sinh trong thực hiện thu, chi ngân sách: Tình trạng thất thu trên một số lĩnh vực xảy ra còn nhiều, nhất là trong xây dựng cơ bản; chỉ tiêu ngân sách tỉnh giao các ngành, lĩnh vực, các huyện, thị xã, thành phố chưa phù hợp; việc giải ngân chi đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Trên cơ sở đó đề xuất với HĐND tỉnh quyết định tỷ lệ phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách; quyết định việc thu phí, lệ phí, thu các khoản huy động đóng góp của nhân dân đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.

Những trọng tâm trong hoạt động giám sát quản lí ngân sách ở Hà Tĩnh

Về nguyên tắc, hoạt động giám sát quản lý ngân sách phải bao quát được tất cả các khâu trong quy trình ngân sách, từ lập kế hoạch đến hoạt động thu, chi, quyết toán ngân sách, các quy định của pháp luật về quản lý tài chính- ngân sách ở địa phương. Tuy nhiên, không cần thiết lúc nào, ở đâu cũng triển khai giám sát quản lý ngân sách trên tất cả các mặt như vậy. Để hoạt động giám sát ngân sách thực sự có hiệu quả, Thường trực HĐND, các Ban và tổ đại biểu HĐND tỉnh cần biết lựa chọn những trọng tâm, trọng điểm trong hoạt động giám sát ngân sách. Ở Hà Tĩnh, căn cứ vào thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, điều kiện nhân lực tham gia hoạt động giám sát, Thuờng trực HĐND tỉnh xác định các trọng tâm cần tập trung giám sát, đó là:

Giám sát về lĩnh vực XDCB; giám sát tình hình chuyển đổi và quy hoạch sử dụng đất; giám sát tình hình thu, chi ngân sách ở một số địa phương và đơn vị; kết quả thực hiện các dự án đầu tư cho giao thông nông thôn từ nguồn vốn vay WB, ADB; Tiến độ và kết quả thực hiện các dự án trọng điểm; Kết quả thực hiện công tác bồi thường, tái định cư, GPMB phục vụ Dự án khu liên hợp gang thép Formosa và cảng Sơn Dương; Tiến độ triển khai, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư các dự án từ nguồn trái phiếu Chính phủ; Giám sát kết quả thực hiện các dự án ODA trên địa bàn; Giám sát tiến độ và kết quả thực hiện nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; Giám sát kết quả thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Giám sát công tác quản lý, sử dụng đất giao hoặc cho các doanh nghiệp thuê sử dụng; Giám sát kết quả thực hiện nguồn vốn chương trình du lịch; Phối hợp với các Ban HĐND tỉnh giám sát kết quả thu và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân; Giám sát kết quả thực hiện công tác phòng chống lụt bão, quản lý đê điều và đầu tư các dự án thuỷ lợi…

Trong quá trình giám sát, các Đoàn giám sát đã phát hiện được những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện của các cấp, các ngành, nêu lên những ý kiến xác đáng, được đối tượng giám sát tiếp thu một cách nghiêm túc, nhiều kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh từng bước được triển khai, thực hiện có hiệu quả hơn.

Từ hoạt động thực tiễn, sau đây chúng tôi xin được nêu một số ví dụ điển hình về hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua để cùng nhau tham khảo và chia sẻ :

- Qua giám sát các công trình dự án trọng điểm trên địa bàn và các dự án chương trình mục tiêu quốc gia, các kiến nghị của HĐND đã được UBND tỉnh và các ngành liên quan tiếp thu thể hiện ở việc ra quyết định điều chuyển vốn đầu tư từ những công trình không có hiệu quả cho các công trình, dự án cấp thiết khác. Tạm hoãn thi công một số công trình không đảm bảo chất lượng để xem xét, xử lý kịp thời. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, đặc biệt tại các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh.

- Các kiến nghị sau giám sát công tác phòng, chống lụt bão, việc sử dụng kinh phí hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão lụt và xây dựng các công trình đê điều, thuỷ lợi hàng năm đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư của các công trình thuỷ lợi, chủ động hơn trong công tác phòng chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai.

- Qua giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện các dự án đầu tư cho lĩnh vực giao thông nông thôn và giám sát thường xuyên về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, HĐND đã đề xuất kiến nghị, thẩm tra các đề án của UBND tỉnh để HĐND ban hành Nghị quyết phê chuẩn Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong duy tu, bảo dưỡng và bảo trì công trình giao thông nông thôn Hà Tĩnh, Nghị quyết thông qua Đề án quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015 và những năm tiếp theo.

- Sau khi có kiến nghị của Đoàn giám sát công tác quản lý và sử dụng đất giao hoặc cho các doanh nghiệp thuê, sử dụng, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý sử dụng đất của các tổ chức trên địa bàn tỉnh. Đến nay UBND tỉnh đã có kết luận kiểm tra và xử lý những tồn tại liên quan.

Có thể nói, quá trình tổ chức giám sát ngân sách của Thường trực HĐND tỉnh trong thời gian qua có những thuận lợi nhất định, đó là: hoạt động giám sát của HĐND đã được Tỉnh ủy hết sức quan tâm, thể hiện qua việc ban hành một số Nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết về công tác GPMB tái định cư, Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ v.v…; hàng năm việc lựa chọn chuyên đề giám sát đã được HĐND tỉnh thảo luận kĩ và được sự nhất trí cao của các đại biểu HĐND tỉnh trước khi thông qua Nghị quyết.

Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện giám sát công tác quản lý ngân sách:

a. Trong quá trình lập dự toán Ngân sách Hội đồng nhân dân chưa tham gia ngay từ đầu các phiên thảo luận về phân bổ dự toán của Ủy ban nhân dân, cơ quan tài chính, kế hoạch và đầu tư với các đơn vị dự toán cấp 1 và ngân sách cấp dưới trực tiếp. Để nâng cao chất lượng giám sát của HĐND về việc thực hiện dự toán ngân sách, nhất là trong năm đầu của thời kỳ ổn định theo Luật Ngân sách Nhà nước, HĐND cần tham dự ngay từ đầu các buổi họp thảo luận về phân bổ dự toán ngân sách.

b. Những khó khăn về lực lượng và năng lực chuyên môn của thành viên tham gia giám sát: Cán bộ làm công tác chuyên môn giúp Hội đồng nhân dân ít, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách về Tài chính-Ngân sách còn rất mỏng so với khối lượng công việc phải thẩm tra, giám sát; Nội dung giám sát thuờng liên quan đến nhiều cơ chế chính sách và các quy định pháp luật.

Để hạn chế khó khăn này cần phải tăng thêm đại biểu chuyên trách và chuyên viên giúp việc cho HĐND tỉnh về lĩnh vực tài chính ngân sách. Lựa chọn những đại biểu có trình độ năng lực, am hiểu sâu về lĩnh vực chuyên môn để giúp HĐND tỉnh hoạt động chuyên sâu hơn, HĐND quyết định chính xác về tài chính, ngân sách. Chuyên viên giúp việc cho HĐND tỉnh trong giám sát ngân sách phải có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực kinh tế - ngân sách để có thể tham mưu cho HĐND phân tích những mặt được, chưa được trong quá trình thực hiện các khâu của chu trình ngân sách và kiến nghị UBND, đơn vị được giám sát xem xét, chấn chỉnh sai phạm kịp thời.

Ngoài ra, còn phải tăng cường sự phối hợp giữa HĐND với Kiểm toán Nhà nước; cơ quan Kiểm toán Nhà nước có quy trình, thời gian kiểm toán ngân sách các địa phương phù hợp hơn, giúp HĐND trong quá trình giám sát, thẩm tra việc thu, chi và quyết toán ngân sách tại các địa phương. HĐND cần quan tâm, giám sát việc thực hiện các kiến nghị của kiểm toán.

c. Qua giám sát nếu phát hiện những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau cần kịp thời báo cáo rõ với Thường trực HĐND và các cơ quan có thẩm quyền về những bất đồng quan điểm và đề nghị có ý kiến chỉ đạo.

d. Các kết luận, kiến nghị giám sát thường không được quan tâm thực hiện:

Đây cũng là khó khăn rất hay gặp trong giám sát của HĐND. Từ trước đến nay, vấn đề hiệu quả “ hậu giám sát” luôn là khâu yếu của HĐND các cấp do chưa có quy định của pháp luật về các chế tài cụ thể trong việc xử lý sau giám sát. Thường trực HĐND cần nghiên cứu cơ chế đảm bảo mỗi kết luận giám sát đều có người chịu trách nhiệm cụ thể; phân công lãnh đạo các Ban và chuyên viên văn phòng theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận theo đúng yêu cầu về tiến độ; có hình thức biểu dương đối với các đơn vị làm tốt cũng như cần phải làm rõ trách nhiệm với từng cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện các kết luận giám sát.

Các kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát quản lý ngân sách:

Qua tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi rút ra được một số kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát như sau:

Thứ nhất, tăng cường việc nắm thông tin tại các địa phương, đơn vị, đối chiếu với các báo cáo của UBND tỉnh, các ngành chuyên môn, để có cơ sở đánh giá đúng tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm trước, đề nghị HĐND tỉnh quyết định phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm sau, đồng thời đề xuất các giải pháp quản lí tài chính ngân sách, đảm bảo công bằng đối với từng lĩnh vực, vùng miền và minh bạch, hạn chế thấp nhất tình trạng xin cho.

Thứ hai, thu thập thông tin qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là ý kiến của cử tri để lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát phù hợp. Nội dung giám sát là những vấn đề có tính thời sự, đang được sự quan tâm của các đại biểu và cử tri, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm và những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Phân công trách nhiệm rõ ràng trong quá trình tổ chức giám sát; giám sát đến nơi đến chốn để đưa ra được những kiến nghị, giải pháp cần thiết.

Thứ ba, do hoạt động giám sát ngân sách thường mang tính chất chuyên môn nghiệp vụ sâu nên công tác chuẩn bị, nghiên cứu tài liệu, những thông tin thu thập được trước giám sát phải được các thành viên quan tâm, nghiên cứu kĩ.

Thứ tư, thành phần tham gia giám sát là những đại biểu có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn sâu trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, đồng thời có tinh thần trách nhiệm cao. Tăng cường sự phối hợp Ủy ban MTTQ, các đoàn thể quần chúng trong quá trình giám sát.

Thứ năm, các thông báo kết luận sau giám sát phải kịp thời và khách quan. Trong đó cần khẳng định những ưu điểm và kết quả đạt được, chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân, đề xuất hướng khắc phục và kiến nghị với các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc.

Thứ sáu, trong báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh phải phản ánh đầy đủ thực trạng về quản lí ngân sách để cung cấp thông tin, tạo điều kiện để các đại biểu Hội đồng nhân dân phát huy thẩm quyền, trách nhiệm của mình trong vịêc xem xét, thảo luận và biểu quyết Nghị quyết HĐND về ngân sách.

Thứ bảy, khi mà các kết luận và kiến nghị giám sát không được quan tâm thực hiện thì trước hết phải kiểm tra, rà soát lại các kết luận và kiến nghị giám sát đó. Nếu khẳng định tính đúng đắn của nó thì tiếp tục đôn đốc thực hiện, báo cáo cấp trên chỉ đạo thực hiện hoặc đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi về hoạt động giám sát quản lý ngân sách của HĐND tỉnh Hà Tĩnh. Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu về vấn đề này nhằm thực hiện ngày một tốt hơn việc giám sát quản lý ngân sách./.


    Ý kiến bạn đọc