Phải bắt đầu từ những người đứng đầu
EmailPrintAa
07:41 06/12/2011

Để sự lãnh đạo của cấp ủy đối với HĐND ở địa phương cơ sở thực sự được tăng cường và có chiều sâu thì khâu then chốt nhất, vấn đề của mọi vấn đề phải bắt đầu từ những người đứng đầu: Bí thư cấp ủy và các cán bộ làm công tác chuyên trách của HĐND.

 

Đảng lãnh đạo Nhà nước. Không ngừng đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với toàn bộ hoạt động của chính quyền các cấp, trong đó có nội dung rất quan trọng là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, đồng thời bảo đảm cho tổ chức Đảng lãnh đạo HĐND một cách thường xuyên, toàn diện và thống nhất là một chủ trương lớn và là vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động của HĐND các cấp hiện nay.

Tổng kết hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, nhiệm kỳ 2004 - 2011 cho thấy: trong thực tiễn hoạt động đã có nhiều cấp ủy Đảng ở địa phương cơ sở đã thực sự phát huy được vai trò lãnh đạo của mình đối với hoạt động của HĐND ở đơn vị mình. Nhờ đó nội bộ đoàn kết tốt, trách nhiệm của đại biểu được phát huy, vai trò của HĐND được coi trọng, nghị quyết của HĐND được UBND cùng các ngành, các cấp triển khai thực hiện có kết quả, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT - XH ở địa phương.

Tuy nhiên hoạt động HĐND ở địa phương thời gian qua cũng cho thấy, không phải ở đâu, lúc nào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với HĐND cũng được thể hiện thường xuyên, rõ nét. Còn khá nhiều địa phương, nhất là ở cấp cơ sở sự lãnh đạo của cấp ủy đối với HĐND còn hình thức, mờ nhạt. Có nơi vai trò lãnh đạo của cấp ủy chỉ thể hiện khi bầu cử HĐND, kiện toàn bộ máy HĐND, UBND. Kết thúc kỳ họp thứ Nhất HĐND thì cũng coi như cấp ủy về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ. Ở một cơ sở khác “xuân thu nhị kỳ” mỗi năm hai kỳ họp HĐND, Bí thư cấp ủy phát biểu gọi là chỉ đạo một hai bài là xong. Giữa hai kỳ họp HĐND làm gì, hoạt động ra sao Bí thư không nắm được, cấp ủy không hay, Thường trực HĐND cũng không báo cáo. Đơn cử ở một đơn vị khác có tỷ lệ đại biểu HĐND là Đảng viên cao so với nhiều cơ sở khác cùng địa phương, nhưng qua 7 năm hoạt động, qua tổng hợp từ đoàn thư ký kỳ họp, có đến 1/3 đại biểu (trong số này chủ yếu lại là đảng viên) chưa một lần phát biểu thảo luận tại các kỳ họp, cho dù thảo luận tại tổ. Nhiệm vụ công tác hàng ngày của các đại biểu này cũng chỉ hoàn thành ở mức “thường thường, bậc trung”... Ở những đơn vị như vậy, nếu không sớm khắc phục thì rõ ràng vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND đang ngày càng mờ nhạt.

Nhiệm kỳ mới của HĐND, mục tiêu đã xác định, một số khó khăn hạn chế cũng đã thấy rõ. Để khắc phục được một số mặt hạn chế, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND ở địa phương, rõ ràng biện pháp hàng đầu là tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với HĐND ở từng địa phương cơ sở. Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để tăng cường được sự lãnh đạo của cấp ủy đối với HĐND. Có nhiều phương thức khác nhau để tổ chức Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo của mình đối với HĐND và hoạt động của HĐND. Ở góc độ địa phương cơ sở, trước hết sự lãnh đạo của cấp ủy cần được tập trung thể hiện ở các khía cạnh sau đây:

Một là: cấp ủy lãnh đạo bằng việc chọn cử đảng viên, cấp ủy viên ưu tú của mình ứng cử để tham gia làm đại biểu HĐND và giữ các chức danh chủ chốt trong bộ máy HĐND cấp mình. Biểu hiện tập trung nhất là phân công Bí thư hoặc Phó bí thư  thường trực cấp ủy kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND.

Hai là: cấp ủy lãnh đạo bằng chủ trương nghị quyết, bằng định hướng những vấn đề trọng tâm lớn cần HĐND ra nghị quyết thực hiện, cần tăng cường kiểm tra, giám sát của HĐND để thúc đẩy quá trình thực hiện nhiệm vụ hoặc tăng cường sự phối hợp thực hiện thật tốt. Trong cả nhiệm kỳ mới chủ trương lớn nhất, trọng tâm rõ nhất và cũng là bao quát nhất chính là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cùng cấp và các chương trình hành động của cấp ủy để thực hiện nghị quyết đại hội đã đề ra.

Ba là: lãnh đạo bằng việc thường xuyên nắm tình hình, kiểm tra, giám sát, của cấp ủy đối với các hoạt động của Thường trực, các ban và đại biểu HĐND, qua đó động viên, giúp đỡ, điều chỉnh uốn nắn kịp thời.

Bốn là: lãnh đạo bằng chính sự gương mẫu đi đầu thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, nghị quyết của cấp ủy, nghị quyết của HĐND của những đảng viên là đại biểu HĐND...

Phương thức lãnh đạo là vậy, những vấn đề mà cấp ủy Đảng cần quan tâm, tăng cường là vậy, có thể là chưa đủ, song cho dù có đầy đủ đến đâu thì các phương thức ấy không tự nó nâng cao được vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND. Từ thực tiễn hoạt động HĐND, để sự lãnh đạo của cấp ủy đối với HĐND ở địa phương cơ sở thực sự được tăng cường và có chiều sâu thì khâu then chốt nhất, vấn đề của mọi vấn đề phải bắt đầu từ những người đứng đầu: Bí thư cấp ủy và các cán bộ làm công tác chuyên trách của HĐND, đi từ hai phía, không phải là đơn phương một chiều. Trước hết, Bí thư cấp ủy phải quan tâm thường xuyên, thỏa đáng và vào cuộc tích cực với các hoạt động của HĐND. Thứ hai, Thường trực HĐND phải hết sức chủ động đề xuất, báo cáo công việc và xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy và Bí thư cấp ủy, đồng thời tích cực, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Được như vậy, chắc chắn các cấp ủy Đảng sẽ phát huy tốt vai trò lãnh đạo của mình đối với hoạt động của HĐND, nhân tố quyết định hàng đầu để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND ở địa phương cơ sở; góp phần quan trọng cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra trên địa bàn trong những năm tới.


    Ý kiến bạn đọc