Sửa đổi luật để bảo đảm thực quyền của Hội đồng nhân dân
EmailPrintAa
21:58 05/07/2013

Bước vào giai đoạn mới với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân và thực tiễn cuộc sống, cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Đã đến lúc cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND các cấp và cơ chế chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND cho phù hợp hơn với thực tế.

Thời gian qua, trên cơ sở các quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Quy chế hoạt động HĐND năm 2005, hoạt động của HĐND các cấp đã có bước chuyển biến tích cực, hiệu lực và hiệu quả hơn trước. Chất lượng quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương của HĐND ngày càng cao và thực quyền hơn. Các nghị quyết được HĐND thông qua nhìn chung đạt được sự thống nhất cao, sát với tình hình thực tế ở địa phương nên có tính khả thi cao, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định chính trị, phát triển KT-XH, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Chức năng quyết định của HĐND bảo đảm cho quá trình cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, làm cho đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước sớm đi vào cuộc sống, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong việc đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân được khẳng định.

Hoạt động giám sát đã góp phần to lớn trong kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ lợi ích của nhân dân; xây dựng bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh; phòng chống tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri, khiếu nại tố cáo của công dân được tăng cường và đem lại hiệu quả tích cực. Quan hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri được cải thiện, niềm tin của cử tri vào bản chất nhà nước pháp quyền XHCN được nâng lên.

Tuy nhiên bước vào giai đoạn mới với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân và thực tiễn cuộc sống cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập trong quy định pháp luật hiện hành về tổ chức và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Đã đến lúc cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND các cấp và cơ chế chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND cho phù hợp hơn với thực tế hoạt động.

Trước hết cần quan tâm đến công tác lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan dân cử, nhất là tổ chức và hoạt động của HĐND. Có quy hoạch cán bộ đối với nhân sự Thường trực và các ban HĐND, hướng dẫn quản lý cán bộ đối với chức danh Ủy viên Thường trực HĐND. Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức HĐND theo hướng quy định bổ sung chức danh Ủy viên Thường trực HĐND xã, tạo sự thống nhất về tổ chức Thường trực ở cả ba cấp. Bố trí chức danh trong Thường trực HĐND cấp tỉnh và huyện đều hoạt động chuyên trách. Tách Ban Kinh tế-Xã hội HĐND huyện thành hai ban: Kinh tế - Ngân sách và Văn hóa – Xã hội; thành lập các ban HĐND ở cấp xã; đồng thời tăng thêm số thành viên hoạt động chuyên trách ở các ban HĐND tỉnh, huyện.

Một vấn đề cấp thiết nữa là sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, đưa nội dung hoạt động giám sát của HĐND các cấp ra khỏi Luật Tổ chức HĐND và UBND để ban hành riêng Luật Giám sát của HĐND. Vì thực tế nội dung hoạt động giám sát của HĐND đòi hỏi chi tiết cụ thể, nhất là chế tài xử lý. Bên cạnh việc nêu ra nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình cần xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan như UBND, các cơ quan chuyên môn trong việc chuẩn bị nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND; trách nhiệm chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của HĐND, trách nhiệm xử lý, chịu trách nhiệm của tổ chức và cán bộ thuộc quyền khi thực hiện các kiến nghị của HĐND. Cũng cần quy định về việc tổ chức chất vấn chuyên đề của HĐND đối với UBND, các cơ quan chuyên môn, cơ quan tư pháp về những vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm giữa hai kỳ họp. Đây là nội dung rất quan trọng, bảo đảm cho hoạt động giám sát của HĐND được thường xuyên hơn và đi vào chiều sâu.

Cần bổ sung chế định bỏ phiếu tín nhiệm công tác đối với UBND, các cơ quan chuyên môn, những người do HĐND bầu thành chế độ thường xuyên hàng năm (hoặc 2 năm một lần). Đây là cách làm thể hiện trách nhiệm giám sát thường xuyên của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Bổ sung chế tài đủ mạnh để ràng buộc cả về chính trị và hành chính đối với những người giữ chức vụ, quyền hạn do HĐND bầu.

Cần nâng cao tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách ở các cấp, bởi hiện tại phần lớn đại biểu HĐND các cấp đều hoạt động kiêm nhiệm (nhất là hai cấp huyện, xã), chỉ một số rất ít đại biểu hoạt động chuyên trách. Chính vì vậy, nhiều đại biểu còn xem nhẹ hoạt động của HĐND. Nhiều cơ quan, tổ chức chưa quan tâm tạo điều kiện để đại biểu tham gia tích cực các hoạt động của HĐND. Mặt khác, cần có chính sách, chế độ thỏa đáng, tạo điều kiện giúp đại biểu hoạt động tích cực và hiệu quả hơn.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, cần đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương; quy định rõ ngay trong luật những nội dung Chính phủ phân cấp cho HĐND, UBND cấp tỉnh để không xảy ra tình trạng chồng chéo, không nhất quán trong việc xác định thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND ở địa phương. Lượng hóa và tăng thẩm quyền quyết định, giảm các nội dung quyết định biện pháp của HĐND để tăng thẩm quyền của UBND trong việc triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước ở địa phương. Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HĐND, UBND địa phương. Giao đủ thẩm quyền và tạo cơ chế bảo đảm thực quyền của HĐND, UBND các cấp. Thực tiễn cho thấy mọi nguồn lực nếu được phân cấp mạnh, công khai minh bạch, phát huy dân chủ cao độ thì sẽ giảm thiểu tiêu cực, bảo đảm công bằng xã hội trong phân phối lại nguồn lực của đất nước.


    Ý kiến bạn đọc