Suy nghĩ về hoạt động thẩm tra của các ban HĐND cấp huyện
EmailPrintAa
14:02 05/12/2011

Để nâng cao tính phản biện trong báo cáo thẩm tra của các ban HĐND cấp huyện, rất cần tập trung bồi dưỡng nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của đại biểu, các ban HĐND, tổ chức tập huấn kỹ năng hoạt động cho thành viên các ban HĐND; có chế tài cụ thể để ban HĐND thuận lợi hơn trong hoạt động

Theo quy định, Ban Kinh tế-Xã hội HĐND cấp huyện có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án liên quan đến kinh tế, ngân sách, giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, xã hội và đời sống, khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường, chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo... Ban Pháp chế HĐND cấp huyện có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, đề án liên quan đến thi hành pháp luật, quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công... Báo cáo thẩm tra của các ban HĐND định hướng cho đại biểu tiếp tục thảo luận để ban hành những nghị quyết phù hợp, có hiệu quả thực sự trong phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

 

Trong những năm gần đây, chất lượng báo cáo thẩm tra của các ban HĐND huyện Lục Nam, Bắc Giang từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao tính khả thi các quyết sách của HĐND huyện, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số báo cáo thẩm tra còn nặng tính hình thức, xuôi chiều, vì vậy có những nghị quyết sau khi ban hành một thời gian lại phải điều chỉnh, sửa đổi; có những đề án tính khả thi thấp vì chưa sát thực tế...

 

Nguyên nhân trước hết do trình độ thành viên các ban HĐND cấp huyện chưa cao, lại ít được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nhất là các kỹ năng thẩm tra... Các ban HĐND có vai trò quan trọng giúp HĐND chuẩn bị kỳ họp, thẩm tra các báo cáo, đề án, các dự thảo nghị quyết, giúp HĐND giám sát hoạt động của UBND, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức KT-XH, đơn vị vũ trang và công dân trong thực thi Hiến pháp, luật và nghị quyết của HĐND các cấp... Vì vậy, để ban HĐND cấp huyện hoạt động hiệu quả, thành viên các ban HĐND phải là những đại biểu tiêu biểu: có trình độ chuyên môn nhất định, có năng lực, tâm huyết, bản lĩnh, có những kỹ năng cơ bản như: kỹ năng đọc, phân tích, khái quát và tổng hợp vấn đề; kỹ năng đối chiếu, so sánh, đánh giá và lập luận trước đông người; kỹ năng phản biện hợp lý. Bởi vì: người viết dự thảo đề án, dự thảo nghị quyết, viết báo cáo... là người đang thực thi nhiệm vụ, nắm chắc các văn bản pháp luật liên quan... Thẩm tra các văn bản đó, ít nhất thành viên các ban HĐND cũng cần tương đương về trình độ, năng lực, hiểu thực tế, nhất là hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

 

Nguyên nhân nữa là do chất lượng giám sát, nhận thức về thực hiện trách nhiệm tiếp xúc cử tri của riêng đại biểu HĐND chưa đầy đủ. Muốn có một báo cáo thẩm tra thuyết phục, các ban HĐND cấp huyện cần thực hiện tốt chức năng giám sát. Cần đi vào những lĩnh vực cử tri quan tâm, đại biểu thấy cần thiết. Càng đi vào những lĩnh vực cụ thể, thành viên các ban HĐND càng hiểu sâu sắc vấn đề. Trên cơ sở đó mới có đầy đủ căn cứ thực tế, căn cứ pháp lý khi đối chiếu, so sánh với báo cáo của các ngành, với các dự thảo đề án... sẽ trình tại kỳ họp để thấy rõ tính trung thực, chính xác của báo cáo, cũng như sự cần thiết hay không cần thiết, hiệu quả hay không hiệu quả của những đề án, nghị quyết sẽ ban hành... Tác dụng của những nghị quyết, những đề án đã ban hành, cũng như những tồn tại, hạn chế phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ... Qua đó, phân tích, giúp đại biểu, HĐND nhận thức đầy đủ, toàn diện tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn. Trên cơ sở đó, có được những quyết sách hợp lòng dân, sớm đi vào cuộc sống.

 

Bên cạnh đó, thành viên các ban HĐND cấp huyện cũng chưa xây dựng được kế hoạch TXCT của riêng mình. Thành viên các ban HĐND có trách nhiệm TXCT như các đại biểu dân cử khác, nhưng có thể nói hoạt động tích cực, hiệu quả của các ban và thành viên ban HĐND có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND. Thành viên ban có kế hoạch TXCT của riêng mình, trong lĩnh vực địa phương phụ trách, sẽ có điều kiện hiểu sâu hơn tâm tư, nguyện vọng của cử tri; sẽ nắm chắc hơn việc thực thi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, trật tự... ở cơ sở. Khi đã nắm chắc, đã hiểu, thành viên các ban sẽ có những đóng góp thiết thực vào các báo cáo, đề án, các dự thảo nghị quyết... trước khi trình HĐND quyết định.  

 

Một nguyên nhân nữa dẫn đến chất lượng báo cáo thẩm tra của các ban HĐND cấp huyện chưa cao là do điều kiện hoạt động còn hạn chế: không có trụ sở làm việc và các phương tiện phục vụ hoạt động. Tài liệu cần thiết cho hoạt động của ban HĐND cấp huyện cũng chỉ mới được cung cấp cho Trưởng, Phó ban. Phụ cấp trách nhiệm thấp. Thành viên các ban đều hoạt động kiêm nhiệm. Họ là những người đang đảm đương những chức trách quan trọng như trưởng các ban Đảng, đoàn thể, lãnh đạo chủ chốt của địa phương, ít có thời gian dành cho hoạt động của các ban HĐND, không thường xuyên tham gia được đầy đủ các cuộc giám sát theo kế hoạch, không có kế hoạch TXCT của riêng mình, có ít tài liệu, thời gian nghiên cứu báo cáo và các văn bản liên quan đến lĩnh vực được phân công... Điều này đã làm giảm sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của các ban HĐND cấp huyện.

 

Chất lượng báo cáo thẩm tra góp phần quan trọng nâng cao tính khả thi các quyết sách của HĐND, qua đó, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương được khẳng định. Vì vậy, rất cần có sự tập trung bồi dưỡng nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của đại biểu, các ban HĐND, tổ chức tập huấn kỹ năng hoạt động cho thành viên các ban HĐND; có cơ chế, chính sách phù hợp đối với thành viên các ban. Đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc để các ban chủ động thực hiện nhiệm vụ. Cũng cần có các chế tài cụ thể để các ban HĐND cấp huyện có đầy đủ cơ sở pháp lý, thuận lợi hơn trong hoạt động.


    Ý kiến bạn đọc