Tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới
EmailPrintAa
14:47 15/12/2022

Từ ngày 06/10/2022 đến ngày 02/12/2022, cùng với việc giao Tổ tham mưu, giúp việc khảo sát thực tế, phát phiếu lấy ý kiến người dân; Đoàn giám sát chuyên đề “Thực trạng, hiệu quả và tính bền vững của các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và cơ chế hỗ trợ xi măng trên địa bàn tỉnh” đã tổ chức làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh, một số sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và khảo sát trực tiếp tại các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh

Hà Tĩnh triển khai xây dựng nông thôn mới từ một tỉnh nghèo, xuất phát điểm thấp, bắt đầu từ khi thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 12/6/2001 “Về tiếp tục lãnh đạo chương trình xóa đói, giảm nghèo giải quyết việc làm và tập trung xây dựng nông thôn mới” với quan điểm chỉ đạo “ dựa sức dân lo cuộc sống cho dân ”. Năm 2010, khi Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Hà Tĩnh đã có nhiều kinh nghiệm và kết quả xây dựng từ giai đoạn trước, song các tiêu chí nhìn chung còn thấp, bình quân mới đạt 3,5 tiêu chí/xã, có 183/235 xã đạt dưới 5 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo 23,8%; thu nhập bình quân đầu người 8,46 triệu đồng/năm. Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện... Toàn tỉnh hiện có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 07 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 177/182 xã đạt chuẩn NTM; đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo là 4,68%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 36,5 triệu đồng.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ báo cáo

Về công tác ban hành, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách: Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và cơ chế hỗ trợ xi măng được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2017-2022, Tỉnh ủy cho chủ trương, Hội đồng nhân dân ban hành các chính sách khuyến khích hỗ trợ xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và cơ chế hỗ trợ xi măng. Ngoài ra, 13/13 huyện, thành phố, thị xã cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và hỗ trợ kinh phí thực hiện.

Công tác tuyên truyền, tập huấn, vận động Nhân dân: Công tác tuyên truyền, tập huấn, vận động Nhân dân được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo tập huấn đã tác động, làm thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cán bộ và ý thức người dân về xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu; phát huy tính tự giác, chủ động, sáng tạo, lan tỏa các mô hình hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao, từ đó người dân ngày càng tích cực tham gia với nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực; đưa Chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh.

Đại biểu tham dự kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII

Công tác quản lý, điều hành, nghiệm thu, thanh quyết toán: Bộ máy chỉ đạo, quản lý, điều hành việc xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, cơ chế hỗ trợ xi măng từ tỉnh đến cơ sở được lồng ghép với nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Nhìn chung, công tác quản lý, điều hành, nghiệm thu, thanh quyết toán xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, cơ chế hỗ trợ xi măng từ tỉnh đến cơ sở được thực hiện nghiêm túc, cơ bản phù hợp với quy định đã ban hành, phân cấp, phân quyền tạo sự chủ động cho các địa phương trong tổ chức thực hiện.

Kết quả thực hiện và tính bền vững Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và cơ chế hỗ trợ xi măng: Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, hỗ trợ xi măng là tiêu chí, chính sách riêng của Hà Tĩnh trong xây dựng nông thôn mới, được tính là tiêu chí thứ 20 trong đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn. Kết quả thực tiễn đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của tỉnh, hợp lòng dân, có tính lan tỏa nhanh, đạt kết quả tích cực, là yếu tố quan trọng trong chỉnh trang, tạo cảnh quan môi trường khu dân cư xanh, sạch, đẹp và thân thiện. Hệ thống giao thông, rãnh thoát cơ bản được bê tông hóa, mở rộng thông thoáng, sạch đẹp, giải quyết cơ bản tình trạng lầy lội vào mùa mưa, đảm bảo đi lại thuận tiện cho Nhân dân trên địa bàn.

Đến nay, có 914 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và 8.239 vườn được công nhận đạt chuẩn vườn mẫu. So với khu dân cư trước đây, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu có hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, chỉnh trang, tạo ra diện mạo mới cho cộng đồng nông thôn, nhà ở dân cư có nhiều cải thiện, vườn hộ được quy hoạch, các giá trị văn hóa truyền thống được khôi phục, phát huy.

Với cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường giao thông trong giai đoạn 2017-2021, theo số liệu báo cáo, mỗi năm toàn tỉnh trung bình làm được khoảng 562km đường BTXM, với tổng kinh phí xi măng các cấp hỗ trợ trung bình mỗi năm khoảng 93,2 tỷ đồng, tổng kinh phí xây dựng công trình (bao gồm cả chi phí mua vật liệu cát, đá, thuê tổ đội thi công...) khoảng hơn 340 tỷ đồng; trong khi nếu đầu tư 562km đường BTXM theo đầu tư công, nguồn vốn đầu tư cần khoảng 1.685 tỷ đồng, gấp gần 5 lần kinh phí so với đầu tư theo cơ chế hỗ trợ xi măng.

Đối với kênh mương nội đồng nhà nước chỉ cần hỗ trợ kinh phí xi măng (chiếm từ 15-17% giá trị công trình), phần chi phí còn lại do người dân đóng góp (nhân công, vật liệu, ván khuôn, máy thi công); theo thống kê 1km kênh mương nếu thực hiện theo các dự án thì tổng mức đầu tư khoảng 1,0 - 1,2 tỷ đồng, trong khi đó nếu thực hiện theo cơ chế hỗ trợ xi măng thì tổng mức đầu tư khoảng 550 - 650 triệu đồng.

Kết quả huy động nguồn lực thực hiện giai đoạn 2017 - 2022: Tổng nguồn lực xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu là 1.681.308 triệu đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 543.190 triệu đồng, chiếm 32,3 %; huy động xã hội hóa 1.138.118 triệu đồng, chiếm 67,7%. Tổng kinh phí ngân sách các cấp hỗ trợ xi măng giai đoạn 2017-2022 là 503.962 triệu đồng, trong đó: Ngân sách tỉnh 234.840 triệu đồng; Ngân sách huyện 160.597 triệu đồng; Ngân sách xã 108.587 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua giám sát thấy bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như sau: Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện của một số cấp uỷ, chính quyền địa phương có thời điểm thiếu quyết liệt; việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở thực hiện chưa thường xuyên. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu một số địa phương, cơ sở chưa cao; một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Công tác tuyên truyền, vận động tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa khơi dậy được vai trò chủ thể của người dân. Một số địa phương có chiều hướng chạy theo thành tích, làm theo phong trào nên thiếu thực chất, bền vững.

Tổ chức bộ máy của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chưa phù hợp theo quy định tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg, ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ máy Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện chất lượng hoạt động chưa cao, đội ngũ thiếu ổn định.

Công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các tiêu chí giai đoạn 2017-2022 chưa được quan tâm. Số cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn Chương trình nông thôn mới nói chung và Khu dân cư kiểu mẫu, chính sách xi măng nói riêng của các cấp, các ngành chưa đáng kể, cấp tỉnh giai đoạn 2011-2018 không tổ chức kiểm tra, giám sát.

Về Khu dân cư NTM kiểu mẫu: Bộ tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 28/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tạm thời thực hiện trong thời gian khá dài, không soát xét, điều chỉnh để ban hành bộ tiêu chí chính thức nên có nhiều nội dung, chỉ tiêu không còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025. Chất lượng đạt chuẩn các khu dân cư NTM kiểu mẫu còn thấp, chủ yếu chạm ngưỡng, thậm chí có nơi dưới mức so với quy định; việc duy trì, nâng cao mức độ đạt chuẩn sau khi được công nhận chưa được quan tâm.

Về Vườn mẫu: Tại thời điểm giám sát, hầu hết các vườn mẫu không còn đáp ứng tiêu chí quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-UBND ngày 24/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Việc xây dựng vườn mẫu còn tràn lan, không có tính mô hình mẫu đại diện, định hướng cho phát triển vườn hộ của địa phương, ngoại trừ một số vườn mẫu gắn với lợi thế đặc thù sẵn có của địa phương. Quy mô vườn mẫu còn nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu là các loại rau màu theo mùa vụ, chưa tạo được khối lượng hàng hoá, giá trị thu nhập mang lại không cao, nhất là những vùng không có lợi thế làm vườn mẫu như các vùng bãi ngang… do vậy, việc duy trì và phát triển vườn mẫu sau khi hưởng chính sách hầu như không được quan tâm thực hiện.

Về cơ chế hỗ trợ xi măng: Việc lựa chọn nhà thầu cung ứng xi măng hàng năm còn chậm, chưa tranh thủ được thời tiết thuận lợi và khoảng thời gian nông nhàn của người dân, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện của các địa phương.

Quy trình lập, nghiệm thu, thanh quyết toán các công trình sử dụng chính sách hỗ trợ xi măng và việc lồng ghép các nguồn vốn khác chưa đảm bảo theo hướng dẫn tại Quyết định số 868/QĐ-UBND ngày 26/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Chưa phân khai được các nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn lồng ghép từ các dự án khác…

Qua giám sát, Đoàn k iến nghị với Trung ương: Sớm phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 và các năm tiếp theo để Hà Tĩnh có cơ sở phân bổ kế hoạch vốn cho các địa phương thực hiện.

Xem xét, ban hành Quyết định hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2030 thay thế Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25/12/2014 của Bộ Giao thông Vận tải.

Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh: Thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn Chương trình nông thôn mới nói chung và Khu dân cư NTM kiểu mẫu, cơ chế hỗ trợ xi măng nói riêng; đánh giá đầy đủ chính xác việc bố trí, huy động, quản lý nguồn lực theo Nghị quyết số 114/2014/NQ-HĐND ngày 20/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Qua đó đánh giá tính hiệu quả, hạn chế của từng nội dung chương trình cụ thể để đưa ra giải pháp phù hợp cho giai đoạn mới.

Kiện toàn tổ chức bộ máy của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đảm bảo theo quy định tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung huy động, lồng ghép, quản lý và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện, đặc biệt chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa và nguồn Nhân dân đóng góp, xem đây là nguồn lực chủ yếu để tổ chức triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Nghiên cứu, xem xét, cân nhắc giữa việc tiếp tục đưa tiêu chí Khu dân cư NTM kiểu mẫu (tiêu chí thứ 20 của Hà Tĩnh) để đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới hay tập trung nguồn lực thực hiện đảm bảo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 (theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/02/2022  của Thủ tướng Chính phủ); Bộ tiêu chí quốc gia quốc gia về huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 . Hàng năm tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới sau đạt chuẩn trên địa bàn để đảm bảo phát triển nông thôn bền vững.

Cơ chế hỗ trợ xi măng là chính sách đặc thù của tỉnh, đã được duy trì trong thời gian dài (từ trước năm 2000), cần sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả đạt được để xem xét, cân nhắc việc tiếp tục thực hiện trong thời gian tới với phạm vi và đối tượng phù hợp; trong đó, xem xét theo hướng hỗ trợ đối với các địa bàn khó khăn, huyện phấn đấu về đích nông thôn mới…

(Trích báo cáo giám sát chuyên đề về “ Thực trạng, hiệu quả và tính bền vững của các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và cơ chế hỗ trợ xi măng trên địa bàn tỉnh” của HĐND tỉnh)

BBT

    Ý kiến bạn đọc