Tích cực thảo luận, bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023
EmailPrintAa
15:50 13/07/2023

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 13/7, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII tiếp tục tiến hành phiên thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) 6 tháng đầu năm 2023, phương hướng, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023 và các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ điều hành phiên thảo luận
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Quốc Hà - Giám đốc Sở Xây dựng

Mở đầu phiên làm việc buổi chiều, đại biểu nghe công bố kết quả bầu Ủy viên UBND tỉnh. Theo đó, trong phiên họp nội bộ cuối buổi sáng, HĐND tỉnh đã bầu ông Nguyễn Quốc Hà - Giám đốc Sở Xây dựng giữ chức danh Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong điều kiện còn nhiều khó khăn thách thức, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục tác động mạnh tới các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu; kinh tế trong nước có độ mở lớn, quy mô khiêm tốn, năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế và tiếp tục chịu tác động mạnh bởi các diễn biến của tình hình thế giới. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ động triển khai kịp thời nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế; Do đó, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi và đạt những kết quả tích cực.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp

Gợi mở thêm các giải pháp cho 6 tháng cuối năm, đại biểu cho rằng cần tập trung rà soát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo từng ngành, lĩnh vực; tập trung cao sản xuất vụ hè thu, vụ đông 2023; tổ chức đánh giá, nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; đẩy mạnh thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; tăng cường phát triển kinh tế nông thôn gắn với sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, sớm tổ chức chương trình giới thiệu du lịch các tỉnh Bắc Trung bộ với các tỉnh phía Bắc tại Hà Tĩnh nhằm kết nối phát triển thị trường. Tăng cường các biện pháp quản lý thu ngân sách; triển khai Quy hoạch tỉnh.

Chủ tịch LĐLD tỉnh Nguyễn Văn Danh (tổ đại biểu Nghi Xuân) phát biểu ý kiến

“Một trong những giải pháp quan trọng là khẩn trương triển khai các nội dung đã ký kết tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư; tiếp tục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn theo định hướng quy hoạch tỉnh”, đại biểu Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Đức Tới ( tổ đại biểu Cẩm Xuyên) tham gia ý kiến tại phiên thảo luận

Thảo luận tại hội trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nguyễn Đức Tới (Tổ đại biểu bầu tại huyện Cẩm Xuyên) đã đề xuất các giải pháp liên quan đến nhiều lĩnh vực. Theo đó, với lĩnh vực nông nghiệp, cần ban hành các chủ trương phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng được thương hiệu sản phẩm, quan tâm định hướng thị trường, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Góp ý giải pháp trong thu hút đầu tư, đại biểu nhấn mạnh cần xây dựng phương án, lộ trình triển khai thực hiện các dự án đã trao chứng nhận chấp thuận đầu tư tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh. Đồng thờim nhấn mạnh du lịch là 1 trong 4 ngành kinh tế trọng điểm, đại biểu Nguyễn Đức Tới đề nghị cần có giải pháp đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn lớn đầu tư kinh doanh mang tính chất bền vững và hiệu quả. Cần có giải pháp đối với một số dự án đầu tư không hiệu quả như tại Khu du lịch Thiên Cầm.

Đồng tình với các tờ trình, báo cáo được trình bày tại kỳ họp, Phó Bí thư Huyện ủy Hương Khê Từ Thị Hòa (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Hương Khê) nhấn mạnh những khó khăn, bất cập trong công tác quản ký, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp.

Đại biểu Từ Thị Hòa (tổ đại biểu Hương Khê) tham gia ý kiến tại phiên thảo luận

Đại biểu Từ Thị Hòa đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương để rà soát lại hiện trạng, hồ sơ quản lý rừng và đất lâm nghiệp, cắm mốc phân định ranh giới; tổ chức thanh tra công tác quản lý, bảo vệ rừng đối với các chủ rừng nhà nước. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo rà soát lại hiệu quả việc giao đất, giao rừng; có phương án xử lý đối với các trường hợp sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sai mục đích. Các cơ quan liên quan cần vào cuộc mạnh mẽ tiếp tục giải quyết dứt điểm việc chồng lấn đất lâm nghiệp.

Cũng theo đại biểu Hòa, tỉnh cần xem xét điều chỉnh, bổ sung một số chính sách phát triển lâm nghiệp; đồng thời sớm làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong toàn tỉnh nói chung, Hương Khê nói riêng trong việc thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy (tổ đại biểu Hương Sơn) tham gia ý kiến tại phiên thảo luận

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Hương Sơn) nhấn mạnh nhiều giải pháp đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng xây dựng kế hoạch tiêm phòng kịp thời, đảm bảo việc cung ứng vắc-xin tiêm phòng cho đàn gia súc phù hợp với thời tiết của địa phương. Các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo đúng quy định, nhất là đối với danh mục thuốc bảo vệ thực vật đã cấm sử dụng.

Các ngành chuyên môn cần quan tâm tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho người nông dân, có cơ chế hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý gốc rạ trên đồng ruộng nhằm hạn chế tình trạng đốt rơm rạ trên các cánh đồng, gây lãng phí nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm tra việc chấp hành công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở trên các lĩnh vực, các khâu sản xuất, chế biến

Đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân (tổ đại biểu Can Lộc) tham gia ý kiến tại phiên thảo luận

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Hà Tân (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Can Lộc) bày tỏ sự đồng tình cao với các dự thảo nghị quyết được trình tại kỳ họp.

Đại biểu cũng đề xuất cần ưu tiên nguồn lực trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; có chỉ đạo mới đối với các huyện đã đăng ký, phấn đấu năm 2025 về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, cần có chính sách cụ thể hơn trong xây dựng đô thị văn minh. Đại biểu nêu thực tế, thời gian qua, Hà Tĩnh đã chỉ đạo thí điểm triển khai mô hình sản xuất hữu cơ, tuần hoàn, 9/13 đơn vị đã có kết quả khả quan. Tuy nhiên, tỉnh cần đánh giá kết quả bước đầu và kịp thời có đề án, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đảm bảo thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững.

Đại biểu Đinh Thị Hồng Vân (tổ đại biểu Thành phố) tham gia ý kiến tại phiên thảo luận

Đại biểu Đinh Thị Hồng Vân ( tổ đại biểu Thành phố) cho rằng, cần tập trung thêm vào một số giải pháp để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường công tác quyết toán vốn đầu tư trong 6 tháng cuối năm.

Đại biểu Đặng Thị Bình (tổ đại biểu thị xã Kỳ Anh) tham gia ý kiến tại phiên thảo luận

Tham gia thảo luận, đại biểu Đặng Thị Bình - Phó Giám đốc Hợp tác xã Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại TX Kỳ Anh) làm rõ thêm một số nội dung về thực trạng và giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP. Đại biểu cũng mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ về nguồn vốn vay, giảm lãi suất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (đường, điện) để các HTX phát triển sản phẩm; hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất để các HTX có năng lực mở rộng quy mô; tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh đánh giá nội dung thảo luận

Kết thúc phần thảo luận tại hội trường, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh đã phát biểu đánh giá.

Trong nội dung thảo luận tại hội trường, đã có 7 đại biểu đại diện cho các Tổ đại biểu tham gia phát biểu trực tiếp, 6 tổ đại biểu tham gia góp ý bằng văn bản. Các đại biểu đã thể hiện trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết; kịp thời phản ánh trung thực các ý kiến cử tri, những vấn đề thực tiễn tại địa phương; đánh giá, phân tích toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Đại biểu cũng đã đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo; kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một số quy định tại các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh khẳng định, đối với các kiến nghị liên quan trực tiếp đến nội dung trình kỳ họp, chủ tọa đã giao Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh xem xét cụ thể từng nội dung trong quá trình hoàn thiện các nghị quyết.

BBT

    Ý kiến bạn đọc