Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh
EmailPrintAa
22:16 22/09/2018

Những năm qua, cùng với các địa phương trong khu vực, tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phát triển khá toàn diện về kinh tế - xã hội, có những lĩnh vực mang tính đột phá... Trong kết quả chung đó, có đóng góp quan trọng của HĐND các cấp thông qua hai chức năng chủ yếu là quyết định và giám sát.

Như quy định tại khoản 2, điều 113 của Hiến pháp, giám sát là một trong hai chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân nên không những chỉ được điều chỉnh tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương mà còn được cụ thể hóa thành một đạo luật riêng - Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.

Đồng chí Võ Hồng Hải báo cáo tham luận "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh" tại Hôị nghị giao ban 6 tình Bắc Trung bộ tại Nghệ An

Thông qua hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân phát hiện những bất cập, hạn chế trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương, từ đó đưa ra kiến nghị để bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách đã ban hành. Toàn bộ hoạt động giám sát đều hướng đến việc bảo đảm cho các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương được chấp hành và thực thi nghiêm minh, phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, có thể nói rằng hoạt động giám sát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một phương thức thể hiện quyền lực nhà nước của Hội đồng nhân dân ở địa phương.

Sau 2 năm thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, cùng với hơn 10 cuộc giám sát của Thường trực và các Ban, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành 2 cuộc giám sát chuyên đề: (1) Công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường; (2) Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2018. Mặc dù đây là nhiệm kỳ đầu tiên Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề song tất cả các khâu từ lấy ý kiến ban hành nghị quyết về chuyên đề giám sát, công tác chuẩn bị cho đến việc tổ chức triển khai đều luôn tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật và kết thúc giám sát bằng việc báo cáo kết quả tại kỳ họp, trình Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết...

Từ thực tiễn hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm và giải pháp để hoạt động giám sát trong thời gian tới thực sự đạt được chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Thứ nhất, khâu lựa chọn nội dung đưa vào chương trình giám sát giữ vai trò rất quan trọng đối với hiệu quả của giám sát. Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng nhân dân trên cơ sở đề nghị của các Ban Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và kiến nghị của cử tri ở địa phương để trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định. Vấn đề đặt ra là Thường trực Hội đồng nhân dân lựa chọn những nội dung nào nên đưa vào chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân? Đây là công việc khó khăn, nhất là phải xem xét để tham mưu trong một năm thì tiến hành bao nhiêu cuộc giám sát là hợp lý và nội dung giám sát đó là những vấn đề gì? Để gỡ khó vấn đề này, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh thường dựa trên một số cơ sở sau: Về nội dung, bám sát các văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách của cấp trên đang được tổ chức thực hiện trên địa bàn; chương trình hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đang còn hiệu lực; tình hình thực tiễn những thông tin được thu thập từ các nguồn: ý kiến của cử tri, đơn thư của công dân, dư luận xã hội, phương tiện thông tin đại chúng... Song trong rất nhiều nội dung được gửi đến và những thông tin thu nhận được từ nhiều nguồn khác nhau, việc lựa chọn nội dung nào đưa vào giám sát là hết sức quan trọng, làm sao để giám sát đúng trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả cao nhất. Đối với Hà Tĩnh, những năm qua, công tác quản lý đất đai, môi trường, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là những vấn đề thu hút được sự quan tâm của đại biểu và Nhân dân tỉnh nhà; phần lớn ý kiến cử tri, ý kiến chất vấn và đề xuất nội dung giám sát của các đại biểu Hội đồng nhân dân đều tập trung xoay quanh những vấn đề này. Cho nên, các nội dung mà Hà Tĩnh lựa chọn để đưa vào chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân trong 2 năm 2017, 2018 thực sự là những vấn đề nổi cộm, xuất phát từ thực tế cuộc sống, từ những yêu cầu bức xúc trong phát triển kinh tế - xã hội, được các đại biểu và cử tri đồng tình, đánh giá cao.

Thứ hai, cần xác định rõ đối tượng, phạm vi, nội dung, kế hoạch giám sát, thành phần Đoàn giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Trên cơ sở đó, xác định thành phần giám sát; ngoài thành phần chính là Thường trực thì nội dung giám sát thuộc lĩnh vực của Ban nào thì phân công lãnh đạo, thành viên của Ban đó tham gia là chủ yếu. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của lãnh đạo chuyên trách, thành viên các Ban còn lại và một số đại biểu có chuyên môn sâu về nội dung giám sát. Đối với giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, việc huy động được sự tham gia của càng nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân càng ý nghĩa, thể hiện đầy đủ quy mô, tính chất của cuộc giám sát. Để làm được điều này, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xem xét giao cho các Tổ đại biểu triển khai giám sát trên cơ sở đề cương, kế hoạch và có sự tham gia của các thành viên Đoàn giám sát; hoặc phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện với sự tham gia của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh bầu trên địa bàn để giám sát một cách toàn diện hơn.

Kế hoạch, chương trình giám sát phải rõ ràng, cụ thể về nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát, trên cơ sở đó, xây dựng đề cương báo cáo, các mẫu, biểu thống kê số liệu chi tiết bảo đảm thu thập đủ các thông tin phục vụ nội dung giám sát. Cần tính toán kỹ khi đưa ra giới hạn thời gian thích hợp để cơ quan, đơn vị chuẩn bị và hoàn thành báo cáo đầy đủ, chất lượng. Trong khâu này, vai trò của Tổ tham mưu giúp việc rất quan trọng. Chỉ khi tham mưu xây dựng đề cương giám sát có chất lượng, đúng trọng tâm thì quá trình triển khai mới đảm bảo yêu cầu đề ra cũng như xác định đúng cái đích mà cuộc giám sát hướng tới. Tổ giúp việc có nhiệm vụ nghiên cứu kỹ để chuẩn bị nội dung làm việc cho Đoàn, trong đó chú trọng những vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần xử lý; có thể tham mưu khảo sát một số nội dung để thu thập thông tin, làm rõ vấn đề trước khi tiến hành giám sát chính thức.

Thứ ba, tiến hành giám sát là khâu quan trọng nhất, tập trung những nhiệm vụ chủ yếu, quyết định thành công của cuộc giám sát. Vì vậy, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ tham mưu nội dung đến công tác phục vụ hành chính và phải đảm bảo quy trình theo quy định của Luật. Để thu thập nhiều thông tin, sát thực tiễn, tiết kiệm thời gian, Đoàn giám sát có thể chia thành 2-3 tổ khi giám sát tại các địa phương, đơn vị liên quan. Đồng thời, cùng với việc nghiên cứu báo cáo, trực tiếp giám sát tại các cuộc làm việc, cần có thêm các phương pháp hỗ trợ như sử dụng phiếu điều tra tham vấn ý kiến Nhân dân, các thiết bị hỗ trợ như máy ảnh, ghi âm nhằm thu thập được nhiều thông tin. Vai trò của người chủ trì (Trưởng, Phó đoàn giám sát) hết sức quan trọng trong việc gợi mở, dẫn dắt, yêu cầu diễn giải và thâu tóm vấn đề các đại biểu đã nêu một cách trọng tâm, linh hoạt. Muốn được như vậy, ngoài vai trò tác nghiệp của Tổ giúp việc trong công tác chuẩn bị, đòi hỏi người chủ trì phải nghiên cứu kỹ tài liệu, chủ động trước các tình huống cần xử lý. Ngoài ra, thành viên của đoàn giám sát phải được cung cấp đầy đủ thông tin, đầu tư nghiên cứu kỹ báo cáo của cơ quan chịu sự giám sát và các văn bản pháp luật liên quan đến nội dung giám sát để có thể đưa ra các nhận định, đánh giá phù hợp, khách quan.

Thứ tư, hiệu lực, hiệu quả giám sát chính là khâu thực hiện kiến nghị giám sát của đối tượng chịu sự giám sát. Hiện nay chúng ta chưa quan tâm nhiều đến việc thực hiện kết luận giám sát của Đoàn giám sát, việc thực hiện các kết luận giám sát chuyên đề có khi còn thiếu nghiêm túc. Đối với giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh, sản phẩm sau cùng là việc Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết về vấn đề giám sát, thể hiện “sức nặng” trong việc yêu cầu, buộc các tổ chức, cá nhân liên quan phải thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Luật giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 chưa có chế tài cụ thể trong việc xử lý trách nhiệm khi đối tượng giám sát không chấp hành hoặc thực hiện chưa đầy đủ kiến nghị giám sát, do đó việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, giải quyết các kiến nghị là hết sức quan trọng. Khắc phục hạn chế này, kinh nghiệm của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đối với những nội dung chưa được quan tâm xử lý, có thể làm văn bản đôn đốc hoặc tiếp tục chất vấn tại kỳ họp gần nhất của Hội đồng nhân dân, yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu và giải pháp khắc phục. Trong quá trình tổ chức giám sát chuyên đề, những bất cập phát hiện qua giám sát được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành có liên quan giải trình, làm rõ ngay tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân thường kỳ hàng tháng. Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, trong đó có hoạt động giám sát, vừa qua Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị “về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp”. Một trong những nội dung của chỉ thị nhấn mạnh đến việc xây dựng cơ chế và thực hiện đánh giá, xếp loại hàng năm đối với các đối tượng chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực và các ban Hội đồng nhân dân. Đây được xem như một hình thức hậu giám sát hữu hiệu, là chế tài đủ sức nặng buộc các đối tượng chịu sự giám sát phải thực hiện nghiêm túc các kiến nghị giám sát. Hiện nay, Thường trực HĐND tỉnh đang khẩn trương tiến hành cụ thể hóa chỉ thị của cấp ủy thành các quy định có tính quy phạm để xây dựng thành nghị quyết “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân” trình HĐND tỉnh ban hành vào kỳ họp cuối năm 2018.


    Ý kiến bạn đọc