Thạch Hà thu hút nguồn lực xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp
EmailPrintAa
07:29 30/07/2018

Thực hiện Nghị quyết số 90/2014 /NQ-HĐND tỉnh, ngày 16/7 /2014 về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong 3 năm (2015 - 2017) huyện Thach Hà đã được tỉnh hỗ trợ 14.355 triệu đồng cho 174 mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện; 4.072 triệu đồng từ chương trình khuyến công của tỉnh để hỗ trợ xây dựng 10 chợ nông thôn và 2 nhà máy gạch không nung; 3.178 triệu từ các chương tình dự án khác để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Ngoài ra huyện đã trích ngân sách 2.861 triệu hỗ trợ cho 8 trang tại chăn nuôi 5 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Qua giám sát của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện thấy rằng: Trong những năm qua với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các đoàn thể quần chúng; huyện Thạch Hà đã tập trung cao cho việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; từ nguồn kinh phí được hỗ trợ, theo Nghị quyết số 90/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, các chủ mô hình đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất, nhằm tăng thu nhập và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ngành nông nghiệp huyện đã thực hiện vai trò cầu nối, hướng dẫn, chỉ đạo, trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất đến với người dân, tham mưu đề xuất UBND huyện ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Nhờ vậy, các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện ngày càng được đầu tư xây dựng, bước đầu đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, khai thác diện tích đất hoang hóa vào sản xuất, huy động được nguồn vốn đầu tư trong dân để phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và tạo việc làm tăng thu nhập cho nông dân.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải cùng Lãnh đạo huyện Thạch Hà khảo sát mô hình trồng Thanh Long của HTX Hương Thịnh, xã Ngọc Sơn

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số mô hình phát triển kinh tế còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát; việc lựa chọn một số loại cây trồng, vật nuôi vào sản xuất chưa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu; chất lượng giống cây, con không đồng đều và chưa ổn định; một số sản phẩm mất cân đối cung - cầu dẫn đến hiệu quả chưa cao. Công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, xây dựng chuỗi liên kết giá trị (sản xuất - xây dựng thương hiệu - tiêu thụ) còn lúng túng. Chất lượng sản phẩm không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Còn thiếu các mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu đang phụ thuộc thương lái nên còn nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế thấp.Ý thức chấp hành về bảo vệ môi trường của một số chủ trang trại, gia trại chưa tốt, việc xử lý chất thải chăn nuôi chưa được quan tâm. Đa số các mô hình chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tình trạng cho thuê đất xây dựng mô hình trái thẩm quyền còn diễn ra ở các xã. Một số chủ mô hình còn có tư tưởng xây dựng mô hình để hưởng chính sách hỗ trợ, không đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Lực lượng lao động và nguồn vốn phục vụ sản xuất chủ yếu của chủ mô hình, trang trại, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng và ngân hàng ít. Sản phẩm hàng hóa của chủ yếu tiêu thụ trực tiếp trong tỉnh, chưa có các hợp đồng với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ.

Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất nông nghiệp đang tiềm ẩn những rủi ro từ thiên tai, bão lụt, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đang là một khó khăn rất lớn cho sản xuất nông nghiệp; chưa gắn kết được chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp với việc quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất. Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của nông dân còn nhiều bất cập, chưa có sự liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đa số các doanh nghiệp còn ngần ngại đầu tư vào nông nghiệp vì rủi ro cao. Từ thực trạng trên, để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện đạt hiệu quả, Ban Kinh tế - Xã hội kiến nghị với UBND huyện, các phòng ngành cấp huyện và UBND các xã thị trấn một số giải pháp sau:

Một là: Đối với những mô hình mới, mô hình khảo nghiệm trước khi xây dựng cần khảo sát, xem xét và phân tích cụ thể điều kiện tác động như thời tiết, khí hậu, đất đai và các yếu tố khác; chọn hộ thực hiện mô hình phải tâm huyết, am hiểu về khoa học kỹ thuật, có điều kiện về kinh tế và các yếu tố đảm bảo khác. Phân công các đoàn thể thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, động viên, giúp đỡ các chủ mô hình trong xản xuất. Tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thay đổi tư duy trong sản xuất hàng hóa, sản xuất các sản phẩm sạch, bảo đảm chất lượng, chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Hai là: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung với quy mô phù hợp gắn với bảo vệ môi trường. Khuyến khích các hộ dân chuyển nhượng, dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho các hộ tích tụ ruộng đất để xây dựng mô hình phát triển kinh tế nhằm đưa lại hiệu quả cao. Tập huấn, tư vấn cho các chủ mô hình, trang trại về kỹ thuật sản xuất, kiến thức về hoạch toán kinh tế, xử lý môi trường; xúc tiến thương mại cho sản xuất trang trại; hướng dẫn chỉ đạo các mô hình trang trại từng bước đi vào sản xuất sản phẩm sạch, bảo đảm chất lượng, uy tín. Xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm sản suất trên địa bàn. Hướng dẫn chỉ đạo việc liên kết các mô hình, trang trại trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Làm tốt công tác dự báo thị trường, thực hiện vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với người dân trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ba là: Lồng ghép các chương trình dự án để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật thiết yếu nhất là hạ tầng vùng quy hoạch sản xuất, chăn nuôi tập trung; có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; sớm xây dựng và ban hành kế hoạch xây dựng và phát triển một số thương hiệu sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn huyện và kế hoạch bảo vệ môi trường chăn nuôi trong khu dân cư. Chỉ đạo thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các chủ trang trại nhằm tạo điều kiện cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư vào sản xuất. Tuyên dương, khuyến khích những trang trại điển hình để nhân rộng. Có chính sách hỗ trợ các mô hình xây dựng thương hiệu sản phẩm, làm giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và VietGAP cho một số sản phẩm nông sản.

 

 


    Ý kiến bạn đọc