Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh khóa XVIII
EmailPrintAa
15:09 09/08/2021

Câu hỏi 1. Đề nghị tỉnh nghiên cứu tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế trên địa bàn tỉnh; có các giải pháp cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và giá trị hàng hóa cao đưa vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ, quản lý về các loại giống và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trả lời:

1.1. Về kiến nghị nghiên cứu tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành và ưu tiên nguồn lực cho thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các nội dung chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, như: Nghị quyết số  32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016, Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018; Nghị quyết số 194/2020/NQ-HĐND ngày 23/3/2020 và hiện nay đang thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 255/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của HĐND tỉnh và Quyết định số 20/2021/QĐ-UBND ngày 10/5/2021 của UBND tỉnh về ban hành định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình để thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ. Tổng nguồn lực thực hiện các cơ chế, chính sách trong giai đoạn 2017-2020 đạt trên 5.122 tỷ đồng (bao gồm: Nguồn NSNN 1.045 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa 4.077 tỷ đồng); năm 2021 dự kiến đạt khoảng 310 tỷ đồng.

Thực hiện Kết luận số 23-KL/TU ngày 21/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh về đánh giá thực hiện cơ chế, chính sách giai đoạn 2017-2020, phương hướng xây dựng chính sách giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng các sở ngành liên quan tham mưu rà soát, xây dựng, tham mưu ban hành mới các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025, gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (tại Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 12/3/2021, Văn bản số 4068/UBND-TH ngày 28/6/2021) và dự kiến hoàn thành trình HĐND tỉnh (khóa XVIII) xem xét, thông qua tại Kỳ họp cuối năm 2021.

Theo đó, quan điểm, định hướng cơ chế, chính sách mới giai đoạn 2021-2025 sẽ tiếp tục lồng ghép các chính sách của Trung ương (như Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo Nghị định số 57, số 98, …) và ưu tiên hỗ trợ khâu thực sự cần thiết cho sản xuất hàng hóa, tích hợp cả các chính sách thực hiện Đề án tích tụ, tập trung ruộng đất, Đề án phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn và Đề án một xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025.  Chính sách tập trung một số lĩnh vực, khâu thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực theo chuỗi liên kết giá trị, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong quản lý nhà nước, xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng nông nghiệp công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến như VietGAP, VietGAHP, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; ngành nghề, làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống; hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến tại chỗ, hướng đến cơ bản các nông sản, sản phẩm OCOP được sơ chế, bảo quản, một số được chế biến thành hàng hoá thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có giá trị cao.

1.2. Về kiến nghị có các giải pháp cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và giá trị hàng hóa cao đưa vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.

a. Thực trạng việc cung ứng giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn

Thời gian qua, thực hiện chủ trương Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả các đề án, quy hoạch, cơ chế chính sách, qua đó thu hút khá nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh cung ứng giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, nhất là giống mới có năng suất, chất lượng cao, các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, như: Giống lúa, cam, bưởi Phúc Trạch, rau củ quả, lợn siêu nạc, bò thịt chất lượng cao, hươu…

- Đối với giống cây trồng: Hàng năm các doanh nghiệp cung ứng 2.000 – 2.500 tấn giống lúa (đạt khoảng 35% nhu cầu); gần 200 tấn giống ngô, 72 tấn rau các loại đảm bảo đủ nhu cầu người sản xuất; trên 30% nhu cầu giống lạc (khoảng 2.000 tấn/năm); sản xuất, cung ứng trên 300.000 giống cây ăn quả các loại (cam, bưởi, …), đáp ứng nhu cầu trồng mới trên 500 ha/năm; có 09 cơ sở sản xuất, cung ứng hơn 12 triệu cây giống keo nguyên liệu, cây bản địa, cây xanh bóng mát.

- Đối với giống vật nuôi: Đến nay, đã có 38 cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại (quy mô 300 con trở lên), tổng đàn nái đạt trên 43.744 con, cơ bản đáp ứng được nhu cầu số lượng con giống cho chăn nuôi lợn trong tỉnh và bình quân mỗi tháng xuất 7.000 con lợn giống đi thị trường ngoại tỉnh. Thực hiện chương trình Zê bu hóa, sử dụng tinh các giống bò thịt chất lượng cao, đến nay tỷ lệ bò lai đạt trên 55% tổng đàn. Trên lĩnh vực thủy sản, đã có 02 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống (sản lượng đạt 500 triệu con giống/năm) và 03 cơ sở sản xuất ương dưỡng cá nước ngọt (sản lượng đạt 50 triệu con giống/năm.

Tuy vậy, việc sản xuất, kinh doanh cung ứng một số giống cây trồng, vật nuôi có thời điểm còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ số lượng, sản lượng các giống có năng suất, chất lượng cao trên một số lĩnh vực còn thấp; một số loại giống đang chủ yếu do tập quán người dân tự sản xuất (như giống lạc trên 70%, lúa trên 60%,…); giống gia cầm chưa có cơ sở sản xuất giống quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, đang chủ yếu mua con giống từ các cơ sở sản xuất giống ngoài tỉnh,…

b. Giải pháp cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và giá trị hàng hóa cao đưa vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh

- Tiếp tục duy trì, phát triển, nâng cấp các cơ sở giống hiện có; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống xây dựng vùng sản xuất giống phù hợp với yêu cầu sinh thái của từng loại cây trồng, vật nuôi đảm bảo chất lượng, sử dụng có hiệu quả đất đai và lao động.

- Chỉ đạo triển khai tốt các chính sách hỗ trợ công tác giống cây trồng, vật nuôi như: Thu thập, lưu giữ, duy trì phát triển các nguồn gen cây trồng bản địa, quý hiếm, có giá trị khoa học, kinh tế; hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh mua bản quyền giống; khuyến khích đưa các giống mới có chất lượng cao, khả năng kháng bệnh tốt vào sản xuất thử trên địa bàn để từ đó lựa chọn ra các bộ giống phù hợp, đáp ứng với yêu cầu sản xuất và xu hướng phát triển của thị trường;

- Chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người sản xuất đầu tư áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình tiến tiến vào sản xuất giống và sử dụng giống mới, an toàn dịch bệnh cho sản xuất. Tổ chức công bố rộng rãi danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh cung ứng giống đảm bảo chất lượng trên các phương tiện đại chúng để người dân biết, lựa chọn.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh và chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; ban hành các quy chế, quy định phân công, phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng giống; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

1.3. Về kiến nghị t ăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ, quản lý về các loại giống và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

a. Tình hình, kết quả thực hiện:

Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về sản xuất nông nghiệp, chất lượng giống, phân bón, vật tư nông ngiệp được tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả tốt, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành các chương trình, kế hoạch hành động, phân công, phân cấp cụ thể cho các ngành, các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống, vật tư nông nghiệp. Trước mỗi vụ sản xuất, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời thành lập các Đoàn kiểm tra, phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan quản lý chất lượng các lô giống, trong đó kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, bao bì nhãn mác, hồ sơ chất lượng và lấy mẫu 100% các lô giống cây trồng đưa về cung ứng trên địa bàn tỉnh, 100% giống vật nuôi được thực hiện đầy đủ quy trình kiểm dịch theo quy định; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh giống không đảm bảo chất lượng.

Một số kết quả quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 như sau:

- UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 37/KH-UBND ngày 09/02/2021 về bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021. Hiện nay, 498/498 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, 502/502 cơ sở kinh doanh phân bón, 249/249 cơ sở kinh doanh thuốc thú y được giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về chất lượng đối với 370 lượt cơ sở sản xuất kinh, kinh doanh vật tư nông nghiệp, lấy 125 mẫu vật tư nông nghiệp các loại để kiểm nghiệm chất lượng (gồm: 89 mẫu giống cây trồng, 12 mẫu thức ăn chăn nuôi, 24 mẫu phân bón), tỷ lệ mẫu không đạt là 0,8% (1/125 mẫu). Qua quá trình thanh, kiểm tra đã phát hiện và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 18 cơ sở số tiền 37,1 triệu đồng các lỗi chủ yếu về điều kiện kinh doanh VTNN, trong đó bao gồm 01 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có mẫu không đảm bảo chất lượng, buộc thu hồi 500kg thức ăn chăn nuôi vi phạm để tái chế hoặc tiêu hủy theo quy định.

b. Nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với vật tư nông nghiệp trong thời gian tới.

Tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ theo phân công phân cấp tại Quyết định số 58/2015/QĐ-UBND ngày 23/11/2015 và Kế hoạch hành động số 37/KH-UBND ngày 09/02/2021 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực năm 2021 của UBND tỉnh, với một số giải pháp trọng tâm:

- Triển khai tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức các phòng, ban, đơn vị liên quan cấp tỉnh, huyện, xã; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, hàng hóa vật tư nông nghiệp khác  đến các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid19 (bằng hình thức trực tuyến, hệ thống truyền thanh cơ sở)

- Phối hợp với các đơn vị có nguồn lực sản xuất hàng hóa lớn, có uy tín thương hiệu để tổ chức khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn để lựa chọn, định hướng cho người dân các loại giống, phân bón, thuốc BVTV phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Phối hợp các cấp chính quyền địa phương, đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, các loại hàng hóa VTNN phục vụ sản xuất; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở sai phạm, chủng loại giống, vật tư kém chất lượng để cảnh báo cho nông dân biết.

- Lựa chọn, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín đầu tư xây dựng hệ thống đại lý, cửa hàng cung ứng trên địa bàn tỉnh, nhằm cung cấp trực tiếp hàng hóa vật tư nông nghiệp giá cả phù hợp, đảm bảo chất lượng cho người dân.


    Ý kiến bạn đọc