Cử tri Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê hỏi
EmailPrintAa
13:57 30/03/2012

Câu hỏi: Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trong nông nghiệp còn khó khăn; hiệu quả của chủ trương hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động vùng nông thôn chưa cao. Tỉnh cần có chiến lược ưu tiên đào tạo nghề và không ngừng nâng cao tay nghề cho con em Hà Tĩnh có đủ điều kiện về trình độ kỹ thuật để tiếp nhận vào làm ở các khu công nghiệp nhằm giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân; có chính sách hỗ trợ và kế hoạch đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần đối với nhân dân vùng dự án gắn với các biện pháp hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất để xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

Trả lời:

* Về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn:

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, các Ban chỉ đạo cấp huyện; xây dựng và ban hành Đề án cấp tỉnh; ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, triển khai đồng bộ các hoạt động và giải pháp thực hiện cụ thể; chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động; tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề; đặc biệt tăng cường giám sát hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Năm 2010, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là 4.163 người; trong đó, nhóm nghề nông lâm ngư nghiệp chiếm 53,04%, nhóm nghề công nghiệp và xây dựng chiếm 41,53%, nhóm nghề thương mại và dịch vụ chiếm 5,43%. Trong 9 tháng đầu năm 2011, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là 5.689 người, tăng trên 63% so với cùng kỳ năm 2010; trong đó nghề nông lâm ngư nghiệp chiếm 58,44%, nhóm nghề công nghiệp và xây dựng chiếm 32,04%, nhóm nghề thương mại và dịch vụ chiếm 9,51%. Ngoài ra trong năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011, Dự án IMPP và các dự án khác trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 4.606 người theo các chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg.

Số lao động nông thôn tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm chiếm gần 70%, phần lớn là giải quyết việc làm tại địa phương. Hiệu quả của việc triển khai Đề án bước đầu có những chuyển biến tích cực.

Tuy vậy, hiện nay việc triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn một số khó khăn, tồn tại:

- Nhận thức của người lao động về vai trò của việc học nghề chưa cao; chưa biết lựa chọn các nghề phù hợp với điều kiện, nhu cầu của bản thân để đăng ký học nghề.

- Lực lượng lao động trẻ đang sinh sống, làm việc tại các địa bàn dân cư còn ít, đa số lao động trong độ tuổi thanh niên đi làm việc tại các khu công nghiệp, lao động theo thời vụ tại các tỉnh phía nam.

- Đa số lao động nông thôn, ngoài mùa vụ, phải làm nhiều công việc khác nhau để đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày; bên cạnh đó, ý thức về học nghề của người lao động chưa cao, nhất là với lao động thuộc diện hộ nghèo nên công tác tuyển sinh học nghề gặp nhiều khó khăn

- Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ; các dự án lớn đang trong giai triển khai đầu tư xây dựng, chưa có nhu cầu lớn trong việc sử dụng lao động. Việc tổ chức sản xuất và hiệu quả giải quyết việc làm sau đào tạo nghề còn hạn chế.

- Đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề tại các Phòng LĐTBXH cấp huyện chưa được bổ sung theo quy định tại Quyết định 1956/QĐ- TTg; vai trò quản lý Nhà nước về dạy nghề của chính quyền cấp huyện, thành phố, thị xã, đặc biệt tại các xã, phường, thị trấn chưa được chú trọng.

- Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, một số cơ sở dạy nghề dự kiến thành lập và triển khai đầu tư theo kế hoạch trong năm 2010 triển khai chậm; hệ thống mạng lưới cơ sở dạy nghề chưa hoàn thiện, một số cơ sở dạy nghề sau khi thành lập hoạt động kém hiệu quả.

- Việc tuyển dụng giáo viên dạy nghề gặp nhiều khó khăn; đội ngũ giáo viên dạy nghề, nhất là tại các trung tâm KTTH-HN-DN còn thiếu và chưa có kinh nghiệm trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

*Về chiến lược và chính sách ưu tiên đào tạo nghề và không ngừng nâng cao tay nghề, trình độ kỹ thuật cho người lao động Hà Tĩnh; chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống cho nhân dân vùng dự án:

Thực hiện Văn bản số 248/TB-VPCP ngày 16/9/2010 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị về công tác đào tạo và đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các khu kinh tế, dự án lớn trên địa bàn tỉnh; trong đó nêu rõ: Các trường đại học có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ Trường đại học Hà Tĩnh thực hiện đào tạo nhân lực trình độ cao; ưu tiên chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành nghề phù hợp với nhu cầu nhân lực của tỉnh; ưu tiên tuyển sinh con em người Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận… Ngày 06/10/2010 UBND tỉnh đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo số 3434/UBND-VX. Đến nay, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã tiến hành triển khai những nội dung sau:

 - Lập quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề;

- Xây dựng dự thảo các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp về đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao;

- Xây dựng các cơ chế, chính sách về nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp và thực hiện thí điểm tại Khu kinh tế Vũng Áng;

- Trường Đại học Hà Tĩnh làm việc với các bộ, ngành liên  quan để huy động nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tại địa điểm mới;

- Thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư và cung ứng nhân lực thuộc BQL Khu kinh tế Vũng Áng (Quyết định số 3031/QĐ-UBND ngày 15/10/2010);

- Triển khai đầu tư, xây dựng cơ sở dạy nghề tại Khu kinh tế Vũng Áng (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh);

- Chính sách ưu tiên đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được UBND tỉnh, các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 19/7/2011 thành lập Qũy hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân các vùng tái định cư, bị thu hồi đất đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh; theo đó, người lao động tham gia học nghề các trình độ được hỗ trợ học phí, cấp thẻ học nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm và hỗ trợ lương thực đối với những người hết tuổi lao động. Đến nay đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để năm 2012 đưa Quỹ vào hoạt động.


    Ý kiến bạn đọc