Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI (Cử tri huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Can Lộc, Đức Thọ, thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh).
EmailPrintAa
16:31 06/06/2013

Câu hỏi: 

 

Đề nghị tỉnh cân đối ngân sách để chi trả cho các đối tượng, hộ gia đình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích trong kháng chiến. Xem xét xử lý việc các đối tượng được tặng thưởng Huân, Huy chương nhưng có sự sai sót về họ tên, tên lót và đã được Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh cấp giấy chứng nhận nay đã từ trần nhưng vẫn chưa nhận được chế độ mai táng phí.  Cử tri phản ánh hồ sơ về chế độ chính sách xã hội thực hiện chậm, đòi hỏi nhiều giấy tờ, thủ tục, nhất là hồ sơ chất độc da cam. Đề nghị Tỉnh tăng cường chỉ đạo, đảm bảo quyền lợi cho người có công; quan tâm hơn nữa đến gia đình thân nhân liệt sỹ

Trả lời:

 

Về nội dung đề nghị tỉnh cân đối ngân sách để chi trả cho các đối tượng, hộ gia đình được Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh tặng Bằng khen có thành tích tham gia trong Kháng chiến: Ban Thi đua - Khen thưởng đã tổng hợp số liệu các đối tượng có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trình Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (tại Công văn số 140/BTDKT-NV ngày 06/11/2012) đề nghị tham mưu cho Chính phủ giải quyết chế độ đối với các đối tượng nói trên.

- Về nội dung xem xét xử lý việc các đối tượng được tặng thưởng Huân, Huy chương nhưng có sự sai sót về họ tên, tên lót, đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận nay đã từ trần nhưng vẫn chưa nhận được chế độ mai táng phí: Các đối tượng được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến nhưng sai họ, tên hoặc tên đệm đã được địa phương xác nhận và Ban Thi đua - Khen thưởng trên cơ sở người thật, việc thật đã cấp lại Giấy chứng nhận.

Đối với đối tượng được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến nhưng sai họ, tên hoặc tên đệm, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chi trả chế độ cho số đối tượng đã được điều chỉnh họ, tên, tên đệm theo thực tế.

- Về hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ cho đối tượng bảo trợ xã hội:

Thực hiện theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, Nghị định số 13/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ, ngành Trung ương; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày 11/01/2008, Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND ngày 19/4/2010; Quyết định số 16/2011/QĐ- UBND ngày 01/7/2011 về quy định đối tượng trợ cấp thường xuyên, trợ cấp đột xuất và mức trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên ngành nhằm thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, việc giải quyết chế độ trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho các đối tượng bảo trợ xã hội được các địa phương thực hiện đúng quy định, đảm bảo công khai, dân chủ; tuy nhiên, quá trình thực hiện, một số huyện, thành phố, thị xã chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; cán bộ chính sách chưa kịp thời rà soát đối tượng; việc quản lý đối tượng thiếu chặt chẽ; việc lập hồ sơ, thẩm định, ban hành Quyết định hưởng trợ cấp một số nơi chưa thực hiện kịp thời, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng. Trước tình trạng đó, Sở LĐ-TB và XH thường xuyên phối hợp với Sở Tài chính và các sở ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách đến đến tận xã, phường, thị trấn, thôn, xóm để mọi người biết và thực hiện. Hàng năm tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác chính sách lao động xã hội của các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn về chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, hướng dẫn  thực hiện và quản lý chi trả chế độ chính sách, giúp đội ngũ cán bộ nắm rõ tiêu chí, xác định từng nhóm đối tượng gắn với từng mức trợ cấp, phương pháp, qui trình lập hồ sơ xét duyệt hưởng trợ cấp xã hội, thực hiện việc chi trả trợ cấp, quản lý hồ sơ, quản lý đối tượng chặt chẽ, chính xác và khách quan; tổ chức tổng kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội tại 12/12 huyện, thành phố, thị xã; kịp thời chấn chỉnh những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện.

- Về hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ cho đối tượng hưởng chất độc hoá học:

Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ và Thông tư 08/2009/TT- BLĐTBXH ngày 07/04/2009 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung mục VII Thông tư số 07/2006/BLĐ-TBXH ngày 26/7/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Thủ tục hồ sơ gồm:

+ Bản khai cá nhân (do đối tượng lập);

+ Kèm một trong các loại giấy tờ gốc chứng minh địa bàn hoạt động ở vùng Mỹ sử dụng chất độc hóa học, như: Lý lịch; quyết định phục viên, xuất ngũ, giấy XYZ; giấy chuyển thương, chuyển viện; giấy chứng nhận bị thương; huân huy chương chiến sỹ giải phóng hoặc các giấy tờ khác liên quan đến hoạt động ở chiến trường theo địa bàn quy định;

+ Bệnh án chi tiết của Trưởng trạm y tế cấp xã, phường xác nhận;

+ Hồ sơ bệnh án điều trị tại các bệnh viện huyện trở lên thời gian từ ngày 7/4/2009 trở về trước theo tiêu chí bệnh chất độc hóa học tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT;

+ Biên bản họp và đề nghị của Hội đồng xác nhận người có công cấp xã (Mẫu 03), thành phần gồm đại diện: Đảng ủy; HĐND; UBND; các tổ chức đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin (nếu có), Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Biên bản phải có chữ ký và dấu của: Đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc cấp xã;

+ Biên bản giám định bệnh tật của Hội đồng giám định y khoa tỉnh, kết luận mắc một trong những bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin;

+ Giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (Mẫu số 1 - HH) do Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã cấp.

- Về quy trình thực hiện:

+ Người hoạt động kháng chiến hoặc thân nhân của họ lập bản khai cá nhân kèm một trong các loại giấy tờ gốc (như đã nêu trên) chuyển đến UBND cấp xã.

+ UBND cấp xã căn cứ tình trạng bệnh tật và sức khỏe hiện tại của người hoạt động kháng chiến, các dị dạng, dị tật cụ thể và khả năng tự lực trong sinh hoạt của con đẻ của họ trên cơ sở ý kiến của y tế cấp xã hoặc tình trạng không có vợ (chồng) hoặc có vợ (chồng) nhưng không có con hoặc đã có con trước khi tham gia kháng chiến, sau khi trở về không sinh thêm con, nay đã hết tuổi lao động để xác nhận vào bản khai cá nhân.

+ Niêm yết công khai danh sách đề nghị xác nhận người hoạt động kháng chiến, con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học trước khi Hội đồng xác nhận người có công cấp xã họp 15 ngày. Hội đồng cấp xã họp để xem xét từng trường hợp và lập biên bản, danh sách đề nghị kèm các loại giấy tờ trên chuyển đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố, thị xã.

+ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội: Kiểm tra chứng lý, thủ tục hành chính, lập danh sách người bị mắc bệnh tật quy định tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT, trình UBND cấp huyện cấp giấy xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đối với người đủ điều kiện, chuyển danh sách kèm các giấy tờ quy định về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

 Căn cứ hồ sơ của Phòng LĐ - TB và XH chuyển đến kiểm tra tính pháp lý, thủ tục hồ sơ theo quy định, giới thiệu đối tượng đến Hội đồng giám định y khoa tỉnh khám, kết luận tình trạng bệnh tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.

Sau khi có biên bản giám định của Hội đồng giám định y khoa tỉnh kết luận đối tượng đúng tiêu chí bệnh nhiễm chất độc hóa học chuyển sang, Sở LĐ - TB và XH ban hành Quyết định trợ cấp và lập phiếu trợ cấp chi trả chế độ nếu đủ điều kiện; nếu đối tượng không đủ điều kiện thì trả hồ sơ về Phòng LĐ - TB và XH huyện để trả lời rõ cho đối tượng; đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ cho 7.032 đối tượng.

Hồ sơ, thủ tục và quy trình thẩm định hồ sơ để giải quyết chế độ, chính sách được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ theo đúng quy định; bên cạnh đó, Sở LĐ - TB và XH thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cụ thể cho các huyện, thành phố, thị xã; kiểm tra, giám sát cơ sở, chỉ đạo, bổ cứu kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tạo thuận lợi cho đối tượng trong quá trình giải quyết chế độ.

Tuy vậy, quá trình giải quyết hồ sơ chất độc hóa học do nhiều cấp, nhiều ngành tham gia xét duyệt, hồ sơ rách nát, mất mát, chứng lý không đầy đủ, của đối tượng hoạt động kháng chiến bệnh tật, trí nhớ kém,… dẫn đến việc lập hồ sơ không đầy đủ thông tin, chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn quy định về thời gian, địa bàn hoạt động kê khai không thống nhất, hồ sơ gốc không thể hiện địa bàn hoạt động ở vùng Mỹ sử dụng chất độc hóa học, sửa chữa, tẩy xóa, viết thêm địa bàn; trích sao bệnh án điều trị tại các bệnh viên không đúng với bệnh án điều trị ban đầu (thậm chí không điều trị tại bệnh viện vẫn trích sao bệnh án), nhiều trường hợp hồ sơ bệnh tật khi kiểm tra, đối chiếu tại các cơ sở điều trị không có hồ sơ gốc (Năm 2012 chuyển đi kiểm tra tại Bệnh viện Quân Y 4 với 192 hồ sơ bệnh án thì chỉ có 24 hồ sơ có điều trị; chuyển Sở Y tế kiểm tra 273 bệnh án thì chỉ có 126 người có bệnh án gốc điều trị, chuyển Bệnh viện Nội tiết Trung ương 17 hồ sơ điều trị chỉ có 01 hồ sơ có điều trị); kê khai con dị dạng, dị tật bẩm sinh thiếu chính xác, lẫn lộn giữa dị dạng dị tật bẩm sinh với bệnh phát sinh; việc xét duyệt hồ sơ cho đối tượng ở cấp cơ sở thiếu chặt chẽ, không thống nhất, mâu thuẫn về thời gian xác lập, chưa niêm yết công khai từ cơ sở, biên bản họp xét của Hội đồng chính sách cấp xã thiếu thành phần mời họp (quy định 8 thành phần mà biên bản họp được 3 thành phần, hoặc phó chủ tịch xã dự họp mà chủ tịch xã ký biên bản… nên hồ sơ phải trả bổ sung nhiều lần dẫn đến thời gian xét duyệt hồ sơ chất độc hóa học từ các cấp kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng.


    Ý kiến bạn đọc