Cử tri phản ánh: Việc thu hồi đất nông nghiệp để làm các công trình, người dân không có đất để sản xuất, lao động dôi thừa không có việc làm, thu nhập không ổn định, cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn
EmailPrintAa
09:32 19/03/2012

Cử tri phản ánh: Việc thu hồi đất nông nghiệp để làm các công trình, người dân không có đất để sản xuất, lao động dôi thừa không có việc làm, thu nhập không ổn định, cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị UBND tỉnh xem xét để có chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho con em vùng bị thu hồi đất sản xuất để ổn định đời sống và phát triển sản xuất

Trả lời:

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 121.167,01 ha đất sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 20% tổng diện tích đất tự nhiên (trong đó; đất trồng lúa có 64.996 ha, chiếm hơn 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp).

Từ 2005 đến nay, để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tỉnh đã thu hồi 7.660 ha đất nông nghiệp để thực hiện một số dự án trọng điểm, như: Dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của tập đoàn Formosa, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, dự án công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang,...

Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho con em vùng bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để ổn định đời sống và phát triển sản xuất đã được tỉnh quan tâm và thực hiện theo quy định của pháp luật. Khi thu hồi đất, ngoài việc được bồi thường giá trị loại đất thu hồi tỉnh còn được áp dụng các chính sách hỗ trợ, như: hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm và các khoản hỗ trợ khác (hiện nay đang thực hiện theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ; Quyết định 07/2010/QĐ-UBND ngày 16/3/2010 và Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 16/6/2011 của UBND tỉnh về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Hà Tĩnh).

Về đào tạo nghề, giải quyết việc cho con em vùng bị thu hồi đất: UBND tỉnh đã giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 96/2008/NQ-HĐND ngày 10/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khoá XV về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực lao động kỷ thuật giai đoạn 2009-2015. Đến nay không những các trường đào tạo nghề mà các tổ chức chính trị, xã hội cũng tham gia đào tạo nghề gắn với các mô hình sản xuất, cụ thể như sau:

- Tại các xã trong Khu kinh tế Vũng Áng đã có 2.077 lao động đang được đào tạo nghề (cơ khí, hàn, điện, vận hành máy công trình, sữa chữa máy nông nghiệp,…), gần 4.000 lao động đã qua đào tạo làm việc cho các nhà đầu tư tại KKT Vũng Áng, ngoài ra còn có một bộ phận lớn lao động thời vụ tham gia xây dựng các dự án. Hiện nay một số doanh nghiệp tại KKT Vũng Áng có sử dụng số lượng lao động lớn, như Tập đoàn Formosa, LILAMA, Công ty XNK thủy sản Nam Hà Tĩnh,… đã có mức thu nhập bình quân từ 3.000.000 - 4.500.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra các Hội Nông dân, Hội LH Phụ nữ, Liên minh HTX cũng đã tham gia vào đào tạo nghề cho nông dân gắn với xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi.

- Tại các xã trên địa bàn tỉnh: Ngoài việc các trường dạy nghề, các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề đang phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai dạy nghề cho con em các vùng có đất bị thu hồi thực hiện dự án. Hiện nay UBND tỉnh đang chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp vào cuộc cùng với nông dân để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, như: Tổng công ty Khoáng sản trợ giúp nông dân về giống lợn, hướng dẫn quy trình chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm chăn nuôi; Công ty Đại Việt Mỹ phối hợp địa phương phát triển rau sạch và bao tiêu sản phẩm rau sạch; Hội Nông dân bao tiêu sản phẩm mây tre đan,…

Như vậy để đảm bảo cuộc sống cho con em các vùng bị thu hồi đất, ngoài việc triển khai thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ đầy đủ kịp thời, tỉnh đã và đang chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp với trường Đại học Hà Tĩnh, các Trung tâm đào tạo nghề, các Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề tập trung cao trong công tác đào tạo nghề phục vụ cho các doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư cam kết ưu tiên sử dụng lao động tại các địa phương có đất thu hồi; tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp trợ giúp cho nông dân về định hướng sản phẩm xuất và bao tiêu sản phẩm.


    Ý kiến bạn đọc