Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVI (cử tri huyện Lộc Hà)
EmailPrintAa
11:23 10/07/2015

Câu hỏi:

Việc cấp mỏ và khai thác đá ở núi Nam Giới

Trả lời:

Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Tĩnh được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản 2 lần, lần thứ nhất cấp mới vào năm 2008 tại Giấy phép số 3526/GP-UBND ngày 08/12/2008 diện tích 7,3 ha, thời hạn 5 năm; lần thứ 2 cấp mở rộng vào năm 2010 tại Giấy phép số 1131/GP-UBND ngày 05/4/2011 với tổng diện tích là 14,3 ha (trong đó có 7,3 ha theo giấy phép cũ và 7 ha mở rộng), thời hạn sử dụng 20 năm,tại núi Nam Giới, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, chi tiết cụ thể như sau:

a. Về thủ tục cấp phép đợt 1 (Giấy phép khai thác số 3526/GP-UBND ngày 08/12/2008):

Thực hiện công văn số 2723/UBND-CN2 ngày 7/10/2008 của UBND tỉnh về việc khai thác mỏ đất xã Thạch Bàn của Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Tĩnh; Ngày 20/10/2008, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND huyện Thạch Hà, UBND xã Thạch Bàn và Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra thực địa. Qua kết quả kiểm tra, khu vực này nằm ngoài Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được UBND tỉnh phê duyệt, toàn bộ diện tích trên là thuộc rừng phòng hộ môi trường. Tuy nhiên, sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3360/QĐ-UBND về việc điều chỉnh kết quả rà soát quy hoạch 3 lại rừng, thì toàn bộ diện tích trên đã được chuyển sang quy hoạch rừng sản xuất. 

Về hồ sơ cấp phép đã được đơn vị thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản, hồ sơ bao gồm: Báo cáo nghiên cứu khả thi; Giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường của UBND huyện Thạch Hà; Bản đồ khu vực khai thác và có ý kiến bằng văn bản của UBND xã Thạch Bàn tại Tờ trình số 47/CV-UB ngày 20/10/2008, của UBND huyện Thạch Hà tại Văn bản số 640/UBND ngày 24/10/2008, của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 2180/SNN-LN ngày 04/11/2008, của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch  tại Văn bản số 531/SVHTTDL-DS ngày 27/10/2008 và của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tại Văn bản số 1706/BCH-TaC ngày 04/11/2008; Quyết định số 3360/QĐ-UBND ngày 25/11/2008 của UBND tỉnh điều chỉnh kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng. Ngày 08/12/2008 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3526/GP-UBND cho phép Công ty được khai thác đá tại mỏ đá núi Nam Giới, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà với diện tích 7,3 ha.

Sau khi được cấp phép khai thác, căn cứ đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 353/SNN-LN ngày 25/02/2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 02/3/2009 về việc chuyển mục đích sử dụng 7,3 ha rừng trồng tại khoảnh 1A, tiểu khu 297 thuộc địa bàn hành chính xã Thạch Bàn sang khai thác đá xây dựng. Vị trí ranh giới được xác định theo bản đồ kèm theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 3526/GP-UBND ngày 08/12/2008 của UBND tỉnh. Công ty đã ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường tại Hợp đồng số 21/2009/HĐTĐ ngày 06/4/2009 trên diện tích 7,3 ha, thời hạn sử dụng đến 24/3/2013.

          b. Về thủ tục cấp phép thăm dò, mở rộng (Giấy phép khai thác khoáng sản số 1131/GP-UBND ngày 05/4/2011):

- Về thủ tục cấp phép thăm dò:

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1748/UBND-CN ngày 04/6/2010 về việc thăm dò, mở rộng mỏ đá núi Nam Giới, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà; ngày 08/7/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý RPH Thạch Hà, UBND huyện Thạch Hà, UBND xã Thạch Bàn và Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra thực địa khu vực công ty xin thăm dò, mở rộng. Phần diện tích khảo sát ghi trong Biên bản kiểm tra khoảng 12,3 ha (trong đó diện tích đã cấp phép cũ là 7,3 ha, diện tích xin mở rộng khoảng 5,0 ha) và xác định khu vực này nằm trong Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1651/QĐ-UBND ngày 13/6/2008. Tại buổi kiểm tra ngày 08/7/2010, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý rừng Phòng hộ Thạch Hà đã xác định khu vực mỏ đá đơn vị xin thăm dò, mở rộng mà đoàn đã kiểm tra, khảo sát nằm thuộc khoảnh 1A, tiểu khu 279, đối tượng quy hoạch rừng sản xuất, hiện trạng phần lớn là rừng trồng keo thuộc dự án 661. Nội dung kết luận và kiến nghị của đoàn kiểm tra (có đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý rừng Phòng hộ Thạch Hà ký biên bản) đã đồng tình chủ trương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Tĩnh được làm thủ tục thăm dò, mở rộng mỏ đá.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra nêu trên và ý kiến của UBND xã Thạch Bàn tại Tờ trình số 18/TTr-UBND ngày 21/7/2010, UBND huyện Thạch Hà tại Tờ trình số 691/UBND-TNMT ngày 11/8/2010 gửi UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó đã nêu rõ thống nhất đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho phép đơn vị được lập hồ sơ thăm dò, mở rộng trên diện tích 14,3 ha tại núi Nam Giới. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 1264/STNMT-KS ngày 05/8/2010 báo cáo UBND tỉnh về kết quả kiểm tra và đề xuất UBND tỉnh cho phép công ty thăm dò diện tích 14,3 ha (trong đó diện tích đã cấp phép cũ là 7,3 ha và diện tích xin mở rộng là 7,0 ha).

Ngày 09/8/2010, UBND tỉnh có Văn bản số 2599/UBND-CN đồng ý chủ trương cho Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Tĩnh lập hồ sơ, thủ tục thăm dò và mở rộng diện tích khai thác mỏ đá nói trên. Sau khi Công ty đã lập hồ sơ xin thăm dò, xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại có Văn bản số 1406/STNMT-KS ngày 31/8/2010, UBND tỉnh cấp Giấy phép thăm dò số 2606/GP-UBND ngày 07/9/2010 cho Công ty; hiện nay Công ty đã hoàn thành công tác thăm dò.

- Về thủ tục cấp phép khai thác:

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng, Công ty đã lập hồ sơ xin cấp phép khai thác theo đúng quy định tại Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ. Để có cơ sở đề nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định cấp giấy phép khai thác cho Công ty, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 255/STNMT-KS ngày 24/02/2011 (gửi kèm tọa độ, diện tích khu vực xin khai thác) đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến bằng văn bản về vị trí, diện tích cấp phép. Văn bản này nêu diện tích 14,3 ha được UBND tỉnh cấp phép thăm dò và được UBND xã Thạch Bàn, UBND huyện Thạch Hà đề xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 599/SNN-LN ngày 07/3/2011, trong đó xác định khu vực xin mở rộng mỏ đá xây dựng thuộc khoảnh 1A, tiểu khu 279, đối tượng quy hoạch rừng sản xuất, nằm trên địa bàn hành chính xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà do Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Hà quản lý. Tại văn bản này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã viện dẫn khu vực xin mở rộng bằng các văn bản: “UBND tỉnh đã có Văn bản số 2606/GP-UBND ngày 07/9/2010 cho phép công ty thăm dò mỏ đá xây dựng tại núi Nam Giới, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, UBND huyện Thạch Hà có Văn bản số 691/UBND-TNMT ngày 11/8/2010, UBND xã Thạch Bàn có Tờ trình số 18/TTr-UBND ngày 21/7/2010, trong đó thống nhất chủ trương đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan liên quan cho phép Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Tĩnh mở rộng mỏ đá tại núi Nam Giới, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà”. Trong các văn bản này, đã đề xuất diện tích là 14,3 ha (không phải 12,3 ha như trong biên bản kiểm tra ngày 08/7/2010).

Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 599/SNN-LN ngày 07/3/2011, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 351/STNMT-KS ngày 10/3/2011 và Văn bản số 459/STNMT-KS ngày 21/3/2011 đề nghị UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ đá cho công ty và đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1131/GP-UBND ngày 05/4/2011, diện tích 14,3 ha, công suất 250.000 m3/năm, thời hạn khai thác 20 năm (trong đó 7,3 ha theo giấy phép cũ và 7,0 ha mở rộng).

Hiện Công ty đã được UBND tỉnh cho nâng công suất tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 546/GP-UBND ngày 27/02/2014, diện tích 14,3 ha, công suất 420.000 m3/năm, thời hạn 15 năm.

Sau khi cấp phép UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan kiểm tra lại phát hiện trên diện tích 7,0 ha (diện tích mở rộng) có 5,4 ha thuộc khoảnh 2 tiểu khu 279, đối tượng quy hoạch rừng phòng hộ.

c. Về tồn tại, nguyên nhân và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tham mưu cấp phép.

- Về việc chênh lệch giữa diện tích khảo sát và diện tích đề nghị cấp phép khai thác:

+ Tồn tại: Theo Biên bản kiểm tra thực địa ngày 08/7/2010 giữa đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (chủ trì), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý RPH Thạch Hà, UBND huyện Thạch Hà, UBND xã Thạch Bàn và Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Tĩnh thì việc xác định diện tích xin mở rộng ghi khoảng 5,0 ha, nhưng khi đề xuất UBND tỉnh cấp phép hoạt động khoáng sản là 7,0 ha (tăng 2,0 ha).

+ Nguyên nhân: Khi khảo sát thực địa, đơn vị chưa cung cấp được bản đồ, vị trí, ranh giới, tọa độ khu vực xin khảo sát nên đoàn kiểm tra chỉ xác định sơ bộ; sau khi công ty đo đạc lập hồ sơ chi tiết, cụ thể diện tích được xác định lại chính xác là 7,0 ha. Khi trình UBND tỉnh cấp giấy phép thăm dò, Sở Tài nguyên và Môi trường không nêu rõ việc chênh lệch này mà chỉ căn cứ vào đề xuất của UBND xã Thạch Bàn, UBND huyện Thạch Hà.

+ Trách nhiệm: Việc sai sót nêu trên thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Về xác định quy hoạch khoáng sản:

+ Tồn tại: Theo Biên bản làm việc ngày 08/7/2010 xác định khu vực mỏ đá hiện nằm trong quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1651/QĐ-UBND ngày 13/6/2008. Nhưng khi báo cáo, trình UBND tỉnh thì xác định khu vực mỏ nằm ngoài quy hoạch khoáng sản.

+ Nguyên nhân: Do nội dung xác định quy hoạch khoáng sản trong Biên bản được in sẵn, khi kiểm tra thực tế biết nằm ngoài quy hoạch nhưng lại không rà soát để chỉnh sửa.

+ Trách nhiệm: Việc sai sót nêu trên thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Về xác định khoảnh, tiểu khu khu vực mở rộng:

+ Tồn tại: Trong diện tích 7,0 ha cấp phép mở rộng mỏ có 5,4 ha đất rừng phòng hộ thuộc khoảnh 2 tiểu khu 279.

+ Nguyên nhân: Do khi khảo sát thực địa, các thành phần tham gia và đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản rừng phòng hộ Thạch Hà là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quy hoạch, quản lý đất lâm nghiệp đã xác định khu vực xin mở rộng thuộc khoảnh 1A, tiểu khu 279, đối tượng quy hoạch rừng sản xuất, hiện trạng phần lớn là rừng trồng keo thuộc dự án 661. Trước khi tham mưu cấp phép, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 255/STNMT-KS ngày 24/02/2011 xin ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phúc đáp tại Văn bản số 599/SNN-LN ngày 07/3/2011, trong đó đã khẳng định lại là khu vực xin mở rộng mỏ đá xây dựng thuộc khoảnh 1A, tiểu khu 279, đối tượng quy hoạch rừng sản xuất, nằm trên địa bàn hành chính xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà do Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Hà quản lý.

+ Trách nhiệm: Sai sót này thuộc trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản rừng phòng hộ Thạch Hà.

- Việc triển khai khai thác trên diện tích mở rộng khi chưa có Hợp đồng thuê đất:

+ Tồn tại: Trong phạm vi được cấp phép 14,3 ha, công ty đã Ký hợp đồng thuê đất trên diện tích 7,3 ha (diện tích mỏ cũ), còn 7,0 ha (diện tích mở rộng) đơn vị chưa ký Hợp đồng thuê đất nhưng đã để xảy ra tình trạng công ty tiến hành khai thác trên phần diện tích này khoảng 0,63 ha, đã bóc đất tầng phủ khoảng 1,8 ha.

+ Nguyên nhân: Do UBND huyện Thạch Hà, UBND xã Thạch Bàn không kịp thời phát hiện, kiểm tra để ngăn chặn và có biện pháp xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý. Khi nắm bắt được tình hình, Sở cũng chưa kiên quyết tham mưu UBND tỉnh để xử lý tình trạng trên.

+ Trách nhiệm: Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm này trước hết thuộc về UBND huyện Thạch Hà, UBND xã Thạch Bàn và trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường.

d. Hướng xử lý trong thời gian tới.

UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1743/UBND-NL2 ngày 23/4/2015 chỉ đạo dừng hoạt động khai thác khoáng sản trên phần diện tích chưa ký Hợp đồng thuê đất, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu thu hồi phần diện tích đất rừng phòng hộ nằm trong diện tích đã cấp phép phép khai thác khoáng sản và điều chỉnh lại diện tích trong Giấy phép khai thác khoáng sản số 546/GP-UBND ngày 27/02/2014. Tổ chức kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai sót, vi phạm trong việc tham mưu cấp phép hoạt động mỏ đá cho Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Tĩnh.


    Ý kiến bạn đọc