Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVI (cử tri toàn tỉnh)
EmailPrintAa
11:25 10/07/2015

Câu hỏi:

Xử lý những vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện Đề án Phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2012-2020 tỉnh Hà Tĩnh theo Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh. 

Trả lời:

Phát triển quỹ đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương lớn của tỉnh. Đây là điểm đột phá nhằm từng bước chuyển hoạt động quản lý hành chính sang quản lý tổng hợp đối với tài nguyên đất theo chủ trương của nhà nước.

a.     Kết quả thực hiện

Để thực hiện Đề án phát triển quỹ đất theo Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 16/01/2012 về tổ chức thực hiện Đề án phát triển quỹ đất; Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Hướng dẫn số 280/HD-STNMT ngày 29/02/2012 và thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện. Đến cuối năm 2012 tất cả 14/14 đơn vị đều đã được UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển quỹ đất.

 Về tổ chức thực hiện Đề án, các địa phương, đơn vị đã căn cứ vào đề án phát triển quỹ đất đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt và căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất được duyệt để xây dựng kế hoạch cho từng năm đặc biệt đã tập trung cao cho xây dựng kết cấu hạ tầng để nâng cao giá trị các khu đất , xây dựng các khu đất tái định cư cho các dự án, tạo quỹ đất ở cho các đối tượng thu nhập thấp,…

Tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu đề ra, nguyên nhân là chưa giải quyết tốt mối quan hệ cung, cầu trong việc sử dụng đất, cụ thể:

- Năm 2013, toàn tỉnh đã thực hiện giao đất cho các đối tượng được 598/1.950,25ha, đạt 30,66% so với kế hoạch được duyệt. Tổng tiền sử dụng đất trên toàn tỉnh thu được 982,24 tỷ đồng, đạt 18,58 % so với dự kiến tiền sử dụng đất thu được theo Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển quỹ đất năm 2013 (Kế hoạch lập năm 2012) và đạt 130,96% so với chỉ tiêu HĐND tỉnh giao năm 2013.

- Năm 2014, toàn tỉnh thực hiện giao đất cho các đối tượng được 664,83 ha (trong đó: đất ở 88,62 ha, giao đất không thu tiền sử dụng đất 423,61 ha, giao đất có thu tiền sử dụng đất 14,62 ha, cho thuê đất 137,98 ha) đạt 40,3% so với kế hoạch được duyệt (kế hoạch được duyệt 1.650,65 ha). Tổng tiền sử dụng đất thu được 959,9 tỷ đồng (trong đó tiền sử dụng đất 855 tỷ đồng) đạt 137,1% so với chỉ tiêu HĐND tỉnh giao (năm 2014 HĐND tỉnh giao 700 tỷ đồng và đạt 35,6% so với dự kiến tiền sử dụng đất thu được theo kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển quỹ đất của năm 2014 (Đề án dự kiến 2.693,53 tỷ đồng).

- Tính đến 31/5/2015, toàn tỉnh thực hiện giao đất cho các đối tượng được 83,99 ha (trong đó: đất ở 10,69 ha, giao đất không thu tiền sử dụng đất 42,12 ha, giao đất có thu tiền sử dụng đất 0,27 ha, cho thuê đất 30,91 ha) đạt 3,6% so với kế hoạch được duyệt (kế hoạch được duyệt 2.362 ha). Tổng tiền  thu từ đất được 200 tỷ đồng (trong đó tiền sử dụng đất 165 tỷ đồng) đạt 26,7% so với chỉ tiêu HĐND tỉnh giao (năm 2015 HĐND tỉnh giao 750 tỷ đồng) và đạt 4,3%  so với dự kiến tiền sử dụng đất thu được theo kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển quỹ đất (Đề án dự kiến 4.674,5 tỷ đồng)

b. Tồn tại, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân:

Mặc dù hàng năm các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan đều xây dựng kế hoạch thực hiện nhưng kết quả đạt được còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của tỉnh, chủ yếu do các nguyên nhân sau:

- Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển quỹ đất của các đơn vị được chuẩn bị từ năm 2011, phê duyệt năm 2012. Thời điểm này bối cảnh kinh tế, thị trường bất động sản đang sôi động; dự báo nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội rất lớn nên quỹ đất để thực hiện giai đoạn 2012-2015 được bố trí quy mô lớn. Tuy nhiên, sau khi phê duyệt kế hoạch, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã tác động trực tiếp đến nhu cầu sử dụng đất, gây mất cân bằng cung, cầu (Thành phố Hà Tĩnh  giai đoạn 2010 - 2011 có hơn 10 doanh nghiệp kinh doanh BĐS; giai đoạn 2013  -2014, không có dự án nào được cấp phép đầu tư, một số dự án kinh doanh BĐS được cấp đã bị thu hồi Giấy phép đầu tư).

- Các địa phương, đơn vị chưa thực sự tập trung cao cho việc tổ chức thực hiện, chưa thực sự tập trung nguồn lực, bố trí nguồn vốn để thực hiện, chủ yếu đang làm theo kiểu truyền thống, chưa chủ động tích cực trong áp dụng cơ chế và thực hiện theo định hướng chỉ đạo của tỉnh; việc xúc tiến đầu tư và giải quyết các thủ tục về đầu tư còn nhiều hạn chế.

- Các chủ đầu tư thiếu vốn nhất là vốn cho giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng, đơn vị thực hiện thiếu năng lực nên nhiều dự án có trong Kế hoạch được duyệt nhưng chậm hoặc chưa triển khai, triển khai không đảm bảo tiến độ cam kết, gây ảnh hưởng đến tình hình đầu tư phát triển trên địa bàn (Khu đô thị và Công viên hồ Ràng Ràng tại huyện Kỳ Anh; khu TĐC kết hợp đấu giá Đông Vịnh tại huyện Cẩm Xuyên; các khu QH Bàu Cựa, Ruộng Ran, Bàu Dài tại huyện Hương Sơn).

 - Quỹ phát triển đất được trích theo Nghị quyết HĐND tỉnh còn ở mức thấp nên chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn cho việc thực hiện Đề án theo kế hoạch.

- Cơ chế tài chính đối với các dự án phát triển quỹ đất thời gian qua thực hiện còn thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, đặc biệt là việc khấu trừ chi phí đầu tư dự án theo tinh thần Nghị quyết 22 đối với quỹ đất do UBND các xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư chưa thực hiện được;

Trình tự, thủ tục đầu tư, việc phân cấp thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất,… còn vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung.

Ngày 01/10/2014 UBND tỉnh đã có Văn bản số 4261/UBND-NL về việc rà soát, đề xuất xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện Đề án phát triển quỹ đất. Yêu cầu UBND cấp huyện và Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh tổ chức rà soát lại toàn bộ Kế hoạch thực hiện Đề án của đơn vị mình và đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung phù hợp. Xây dựng cơ chế khấu trừ các chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các chủ đầu tư là UBND các xã, phường, thị trấn thuộc địa phương mình trình Sở Tài chính để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. 

Ngoài các vướng mắc, khó khăn và nguyên nhân khách quan nêu trên thì trách nhiệm chính vẫn thuộc về các địa phương thiếu tập trung chỉ đạo quyết liệt để tổ chức thực hiện; bên cạnh đó, một số sở, ngành chuyên môn như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đã đôn đốc, chỉ đạo thực hiện nhưng vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao.

c. Các giải pháp thực hiện thời gian tới:

- Tiếp tục đôn đốc UBND các huyện, thành phố, thị xã, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh và các ngành liên quan nghiêm túc thực hiện các nội dung tạiVăn bản số 4261/UBND-NL ngày 01/10/2014 của UBND tỉnh về việc rà soát, đề xuất xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh việc thực hiện Đề án phát triển quỹ đất, cụ thể:

+ Sở Tài chính có trách nhiệm đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố và Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh xây dựng cơ chế khấu trừ các chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các chủ đầu tư là UBND các xã, phường, thị trấn thuộc địa phương mình để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, phê duyệt (trong thời gian chưa điều chỉnh được Nghị quyết số 136/2010/NQ-HĐND của HĐND tỉnh); chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu để tham mưu HĐND tỉnh điều chỉnh nội dung Nghị Quyết 136/NQ-HĐND để giải quyết vấn đề khấu trừ chi phí đầu tư cho các chủ đầu tư là UBND cấp xã theo hướng nâng tỷ lệ  phần trăm (%) được hưởng của cấp xã khi thu tiền sử dụng đất thuộc Đề án phát triển quỹ đất.

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Dự thảo, trình UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định số 53/2012/QĐ-UBND ngày 18/9/2012 của UBND tỉnh ban hành quy định một số chính sách khai thác, sử dụng quỹ đất thuộc Đề án phát triển quỹ đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2020 để các chủ đầu tư  làm căn cứ thực hiện;

+ Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo UBND cấp huyện và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thực hiện việc rà soát lại toàn bộ Kế hoạch thực hiện Đề án của từng đơn vị và đề xuất điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

- UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành tham mưu để trình HĐND tỉnh điều chỉnh tăng mức trích Quỹ phát triển đất từ mức 20% (Nghị quyết 136 HĐND tỉnh) đối với khu vực các xã (trừ các xã thuộc thành phố Hà Tĩnh) lên 40% và từ 10% đối với khu vực các xã, phường, thị trấn còn lại lên 30% nguồn thu hàng năm từ tiền sử dụng đất thu được để đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn cho việc thực hiện Đề án theo kế hoạch.


    Ý kiến bạn đọc