Trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVII (Cử tri huyện Vũ Quang, Hồng Lĩnh)
EmailPrintAa
11:02 13/07/2017

Câu hỏi 6.Đề nghị tỉnh chỉ đạo thực hiện việc đấu giá mỏ cát tại xã Ân Phú, huyện Vũ Quang để đảm bảo việc khai thác tài nguyên đúng quy định của pháp luật; sớm có quy hoạch các điểm mỏ mới khi thực hiện di dời, đóng cửa các mỏ đá 

 

Trả lời:

- Về kiến nghị tỉnh chỉ đạo thực hiện việc đấu giá mỏ cát tại xã Ân Phú, huyện Vũ Quang để đảm bảo việc khai thác tài nguyên đúng quy định của pháp luật:

Qua kiểm tra, rà soát, mỏ cát xây dựng Bãi Boong, xã Ân Phú có diện tích 15,0 ha, trữ lượng tài nguyên là 600.000 m3 nằm trong Quy hoạch khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 431/QĐ- UBND ngày 06/02/2014. Khu vực mỏ nằm giáp ranh giữa địa bàn huyện Vũ Quang, huyện Hương Sơn và huyện Đức Thọ nên thời gian qua thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác trái phép, gây mất an ninh trên địa bàn, khó khăn trong công tác quản lý. Nếu cấp phép khai thác tại khu vực này sẽ góp phần ngăn chặn được tình trạng khai thác cát trái phép.

Căn cứ Quy hoạch khoáng sản đã được tỉnh phê duyệt và tình hình thực tế, ngày 03/8/2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo: Sở Tài nguyên và Môi trường  phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Vũ Quang, UBND xã Ân Phú, Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Sông La, Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Hoàn Vũ tiến hành kiểm tra thực tế làm cơ sở đưa khu vực mỏ vào Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định. Qua kiểm tra khu vực mỏ nằm cách khu dân cư của thôn 5 khoảng 300m, cách khu dân cư của thôn 3 khoảng 270m, cách kè của xã Đức Hòa thuộc bờ hữu sông Ngàn Sâu khoảng 150m.

UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3176/UBND-NL­2 ngày 26/5/2017 chỉ đạoUBND huyện Vũ Quang soát xét, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (đã được UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 431/QĐ-UBND ngày 06/02/2014), khẩn trương thực hiện các quy trình và đề xuất đấu giá (hoặc cấp phép các mỏ) đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu trên địa bàn huyện và toàn tỉnh, giải quyết tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hiện nay; trường hợp các mỏ không đủ điều kiện đấu giá sẽ đưa ra khỏi quy hoạch và bổ sung quy hoạch các mỏ đủ điều kiện để đấu giá.

        - Về kiến nghị sớm có quy hoạch các điểm mỏ mới khi thực hiện di dời, đóng cửa mỏ đá (Cử tri TX Hồng Lĩnh):

        Thực hiện chủ trương của tỉnh, Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh đã có Thông báo kết luận số 305/KL-UBND ngày 19/8/2013 về kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản dọc hai bên Quốc lộ 8B (nay là Quốc lộ 1A). Theo đó, trong tổng số 29 mỏ nằm dọc hai bên đường Quốc lộ có: 02 mỏ thu hồi Giấy phép khai thác, 08 mỏ phải chấm dứt hoạt động, đóng cửa mỏ sau khi hết hạn giấy phép, 04 mỏ được phép khai thác đến hết thời hạn ghi trong giấy phép (thời hạn dài nhất đến ngày 11/9/2015) và có 15 mỏ được tiếp tục hoạt động khai thác đến hết ngày 30/12/2015.

        Ngày 04/8/2016, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3700/UBND-NL2 về việc phương án xử lý các điểm mỏ khoáng sản dọc Quốc lộ 1A khu vực huyện Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh, cụ thể là chấm dứt hoạt động, yêu cầu thực hiện việc đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, đất đai đối với 15 mỏ đá xây dựng trên địa bàn huyện Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh. Theo lộ trình được tiếp tục khai thác đến hết ngày 30/12/2015 cho thực hiện đóng cửa mỏ trong thời gian 1 năm và điều chỉnh thời gian khai thác từ năm 2027 xuống đến hết năm 2018 cho Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh. Trong quá trình xây dựng lộ trình dừng hoạt động của các mỏ đá xây dựng dọc hai bên Quốc lộ 8B (nay là Quốc lộ 1A), UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương liên quan tiến hành khảo sát thực địa tại các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà để đề xuất bổ sung vào quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi vị trí khai thác. Qua rà soát cho thấy tiềm năng về đá xây dựng tại các xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (03 khu vực), xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà (01 khu vực) là có. Tuy nhiên, cả 04 khu vực này không đủ điều kiện để bổ sung quy hoạch vì lý do: Khu vực 1 (xã Cương Gián): thuộc đất quy hoạch khu trang trại tập trung dành cho người tàn tật; khu vực 2 (xã Cương Gián) cách hồ Cao Sơn, đền Cao Sơn khoảng 420 m và cách đền Nam Phong khoảng 510 m, các đền này đã được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh, nếu khai thác tại khu vực này sẽ làm phá vỡ cảnh quan; khu vực 3 (xã Cương Gián) thuộc đối tượng đất quy hoạch rừng phòng hộ và gần đền Cao Sơn; khu vực 4 (xã Hồng Lộc) thuộc đất an ninh, quốc phòng (khu vực cấm hoạt động khoáng sản).

        Như vậy, việc rà soát, bổ sung quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại các vùng lân cận đã được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện, nhưng các khu vực rà soát không đủ điều kiện để bổ sung quy hoạch.

        Hiện nay, theo quy định việc cấp phép khoáng sản qua đấu gia rộng rãi trên địa bàn toàn quốc; đầu năm 2017, UBND tỉnh tổ chức đấu giá mỏ đá tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, đã thông báo rộng rãi trong đó có các chủ mỏ thuộc đối tượng phải dừng hoạt động nêu trên nhưng các đơn vị không tham gia đấu giá; điều đó phản ánh nhu cầu tiếp tục khai thác mỏ của các doanh nghiệp không cao.

 

 


    Ý kiến bạn đọc