Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVI (cử tri toàn tỉnh)
EmailPrintAa
08:07 14/11/2013

 

 

 

 

Câu hỏi:

1. Thực hiện Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng cánh đồng mẫu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật…là phù hợp, được nhân dân đồng tình cao. Tuy nhiên hiện nay một số loại giống áp dụng trên địa bàn không ổn định, chất lượng còn thấp dẫn đến cung ứng cho người dân không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, năng suất không cao; cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng giá cả vật tư nông nghiệp cao, đặc biệt là giá của giống lúa (62.000/kg) và có sự độc quyền, trong lúc đó sản phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch còn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo quản và tiêu thụ, giá cả thấp.

Đề nghị tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực nông nghiệp, liên kết 4 nhà trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản (Cử tri toàn tỉnh).

Trả lời:

- Về nội dung, hiện nay một số loại giống áp dụng trên địa bàn không ổn định, chất lượng còn thấp dẫn đến cung ứng cho người dân không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, năng suất không cao.

Trong thời gian qua, bộ giống lúa chủ lực của tỉnh đều được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức là giống quốc gia. Nhóm giống này đã qua khảo nghiệm, sản xuất thử, khu vực hoá tại các vùng sản xuất trong tỉnh và cho năng suất ổn định, như: Xi23, NX30, P6, TH3-3, N98, HT1, PC6, VTNA2,... Các giống TH3-3, PC6, VTNA2,... đã trở thành nhóm giống chủ lực 2 vụ trong năm. Để chọn được nhóm giống chủ lực, trong những năm qua đã phải tiến hành khảo nghiệm, sản xuất thử để đưa vào sản xuất rất nhiều giống lúa để chọn lọc cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Hà Tĩnh.

Vụ Xuân năm 2013, qua kiểm tra Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Hà Tĩnh và Doanh nghiệp Vĩnh Hoà phối hợp với các địa phương Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Kỳ Anh... triển khai sản xuất thử giống lúa Gia Lộc 102 với diện tích 955 ha, DT68 với diện tích 347 ha, AC5 với diện tích 429 ha. Qua kiểm tra bước đầu năng suất giống Gia Lộc 102 và DT68 không ổn định giữa các vùng; giống AC5 vụ Xuân 2013 bị nhiễm đạo ôn cổ bông. Vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các doanh nghiệp, UBND các huyện, các địa phương liên quan chấp hành nghiêm túc quy định của Pháp luật đối với giống cây trồng giai đoạn sản xuất thử (Quyết định 95/2007/QĐ-BNN ngày 27/11/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công nhận giống cây trồng mới), đồng thời thực hiện nghiêm túc hợp đồng kinh tế đã được ký kết, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp.

- Về nội dung, tình trạng giá cả vật tư nông nghiệp cao, đặc biệt là giá của giống lúa (62.000đ/kg) và có sự độc quyền, trong lúc đó sản phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch còn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo quản và tiêu thụ, giá cả thấp.

Việc sản xuất, kinh doanh giống nói chung và giống lúa nói riêng theo cơ chế thị trường, thoả thuận giữa đơn vị cung ứng và người sử dụng, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước thông qua chính sách hỗ trợ tiền mua giống đối với các giống mới đưa vào sản xuất; hiện nay, một số giống lúa các công ty sản xuất, tiêu thụ theo bản quyền tác giả, như: Giống lúa RVT do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương sản xuất, cung ứng; giống TH3-3 của Công ty TNHH Cường Tân, giống VTNA2 của Tổng Công ty Cổ phần Vật tư Nghệ An,...  cho nên hiện tượng độc quyền trong sản xuất và cung ứng là không thể tránh khỏi.

- Về giá cả nông sản còn thấp, tiêu thụ khó khăn:Đây là vấn đề khó khăn chung của cả nước, trong đó có tỉnh ta. Trong sản xuất nông nghiệp, luôn xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc “được giá, mất mùa”. Nguyên nhân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chưa được chế biến, tiêu thụ theo chuổi giá trị, thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định. Mặt khác, trong những năm qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới sức mua giảm, một số sản phẩm hàng hoá nông nghiệp giá xuống thấp, tiêu thụ khó khăn, gây không ít khó khăn cho sản suất, ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân.

Giải pháp khắc phục:Để chủ động cung ứng giống, phục vụ quá trình sản xuất, từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế trên, UBND tỉnh đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án cơ cấu bộ giống lúa và tổ chức sản xuất giống lúa năng suất, chất lượng cao đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, trong đó chú trọng thực hiện nghiêm quy trình khảo nghiệm, sản xuất thử, khu vực hóa giống; chuyển Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh cho Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh để thành lập công ty con trực thuộc, liên kết với doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh lúa có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định 24/2011/QĐ-UBND, ngày 9/8/2011 về việc ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015; Quyết định 43/2012/QĐ-UBND về chính sách khuyến khích sản xuất giống phát triển một số sản phẩm chủ lực giai đoạn 2012-2015; từng bước tái cấu trúc ngành sản xuất giống của tỉnh, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh, nhằm đa dạng nguồn cung theo định hướng cơ cấu bộ giống lúa được xác định.

Chỉ đạo các địa phương lựa chọn nhà cung ứng giống đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và hài hoà giá cả cho nông dân theo đúng quy định của pháp luật.

Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển nhóm nông dân, hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị gia tăng, tổ chức sản xuất hiệu quả. Chỉ đạo nhân rộng mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến.

- Về nội dung, đề nghị tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực nông nghiệp, liên kết 4 nhà trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Hiện nay, ngoài các chính sách của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành  các chính sách, bố trí đảm bảo nguồn lực cho khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn (Quyết định 24/2011/QĐ-UBND ngày 09/8/2011, Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 14/3/2013, Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND ngày 11/6/2012, Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND ngày 18/02/2013...), đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của UBND tỉnh đã ban hành.

 

Thời gian tới, sau sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, 4 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, UBND tỉnh giao Ngành Nông nghiệp xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với liên kết vùng; đồng thời rà soát, tổng kết, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ đảm bảo thực hiện Đề án, trong đó có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

 

 


 

 

 


    Ý kiến bạn đọc