Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVI (Cử tri huyện Đức Thọ, Hương Khê, Kỳ Anh, Thạch Hà, Can Lộc).
EmailPrintAa
08:40 14/11/2013

 

 

Câu hỏi:

8. Hiện nay cơ bản điện nông thôn đã bàn giao sang ngành điện quản lý, nhưng tại một số địa phương hệ thống điện đã xuống cấp, chất lượng kém, nguy cơ mất an toàn cao. Đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành điện đầu tư nâng cấp, đồng thời sớm triển khai việc hoàn trả lại nguồn vốn của nhân dân, ngân sách xã đã đầu tư xây dựng trước đây 

 

Trả lời:

*, Về vấn đề bàn giao và đầu tư, cải tạo, nâng cấp lưới điện:

Trong những năm qua, việc bàn giao, cải tạo, nâng cấp lưới hạ áp đã có những kết quả tích cực, như chất lượng điện thương phẩm được nâng cao ở nhiều địa phương, tổn thất điện năng giảm xuống còn 14% (trước khi bàn giao là trên 30%), giá bán điện đúng theo quy định, quản lý điện chuyên nghiệp hơn… nhưng thực tế, lưới điện hạ áp ở một số địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo vẫn chậm, nên chất lượng điện tại một số địa phương chưa đảm bảo yêu cầu, như ở xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên), Kỳ Hợp (Kỳ Anh), Phú Gia (Hương Khê), Liên Minh (Đức Thọ), Thạch Trị (Thạch Hà), Xuân Hồng (Nghi Xuân)…

Thực hiện Chủ trương của Chính phủ về việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, đến nay toàn tỉnh đã bàn giao cho Công ty Điện lực Hà Tĩnh tiếp nhận, quản lý 195/262 xã, phường, thị trấn. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn tại Văn bản số 1673/UBND-TM ngày 24/5/2013, trong đó năm 2013 bàn giao 38 xã, số còn lại tiếp tục bàn giao trong năm 2014.

Sau bàn giao, việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo lưới hạ áp đòi hỏi phải huy động một lượng vốn rất lớn, nên phải thực hiện dần từng năm và qua nhiều giai đoạn đầu tư. Qua thanh tra của ngành Công Thương trong những năm qua cho thấy, nếu để các HTX quản lý dịch vụ Điện năng tiếp tục quản lý lưới điện hạ áp thì chắc chắn không đủ điều kiện để thực hiện các công việc như trên, chưa kể đến việc phải trả nợ vốn đầu tư từ Dự án REII. Hiện nay, đầu tư còn phụ thuộc vào khả năng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc phân bổ hoặc thông qua các chương trình, các dự án.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty Điện lực Hà Tĩnh lập các dự án, trình Tổng công ty Điện lực miền Bắc để nâng cấp, từng bước hoàn thiện lưới điện trên phạm vi cả tỉnh. UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã làm việc cụ thể với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc để tranh thủ nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoàn trả vốn lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận.

Sau khi bàn giao, đến nay ngành điện đã thay toàn bộ công tơ đo đếm điện; ưu tiên cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường dây xuống cấp nghiêm trọng. Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã lập các dự án đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lưới điện toàn tỉnh Hà Tĩnh, với tổng mức đầu tư từ khi tiếp nhận đến nay là 822,77tỷ đồng.

Kế hoạch đầu tư trong thời gian tới:

- Công ty  Điện lực Hà Tĩnh đã lập phương án đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ thế nông thôn tại 60 xã trên 12 huyện thị bằng nguồn vốn vay Ngân hàng tái thiết Đức, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng và đã được Tổng công ty Điện lực miền Bắc phê duyệt, nay đang tiến hành thiết kế kỹ thuật thi công.

- Ngoài ra Công ty điện lực Hà Tĩnh đang lập phương án xóa bỏ các trạm trung gian 35/10/6.3kV, nâng cấp lưới điện 10 kV lên vận hành cấp điện áp 22kV, 35kV bằng vốn vay Nhật Bản, với tổng mức đầu tư dự kiến 393 tỷ đồng, nay đang trình Tổng công ty Điện lực miền Bắc phê duyệt.

Mặc dù đã tranh thủ được một lượng lớn vốn qua các kênh để đầu tư, nâng cấp, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn, nhưng do các xã đã bàn giao phần lớn có lưới điện cũ nát, yếu, kém, đầu tư xây dựng từ lâu, xuống cấp nghiêm trọng, khối lượng cần đầu tư, cải tạo rất lớn (theo tính toán sơ bộ cần từ 10 tỷ đến 15 tỷ đồng/xã) nên đầu tư tại một số địa phương chưa thể đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và do đó chất lượng điện năng nhiều nơi vẫn chưa đảm bảo đúng quy định như cử tri đã phản ảnh.

Để triển khai thực hiện tốt các dự án đầu tư lưới điện nông thôn cần phải có sự đồng tình ủng hộ của các hộ dân và sự chỉ đạo của các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

*, Về hoàn trả vốn lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận:

Liên sở Tài chính và Công Thương đã phối hợp ban hành Hướng dẫn số 1133/HD/LN/CT-TC ngày 24/6/2010 về việc giao nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn. UBND các huyện đã chỉ đạo các HTX điện tiến hành bàn giao và thành lập các Hội đồng định giá tài sản lưới điện.

Theo quy trình, Hội đồng định giá lưới điện hạ áp nông thôn các huyện thẩm định (xác định giá, xác định cơ cấu vốn đầu tư…), trình UBND tỉnh ban hành quyết định. Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, Công ty Điện lực Hà Tĩnh sẽ trình Tổng công ty Điện lực miền Bắc hoàn trả vốn theo qui định.

Hiện nay, bên giao và bên nhận đã lập, ký hồ sơ giao nhận xác định giá trị còn lại của tài sản lưới điện hạ áp nông thôn bàn giao sang Công ty Điện lực Hà Tĩnh quản lý bán điện. Tổng giá trị tài sản tạm tính khi tiếp nhận là 199.378.480.000 đồng.

Đến thời điểm hiện tại, Công ty đã bàn giao cho Hội đồng định giá tài sản lưới điện hạ áp nông thôn các huyện, thị xã 88 bộ hồ sơ/161 xã tiếp nhận mới (huyện Cẩm Xuyên 04 bộ, Đức Thọ 21 bộ, Hương Sơn 11 bộ, Lộc Hà 04 bộ, Thạch Hà 11 bộ, Can Lộc 03 bộ, Hương Khê 08 bộ, Kỳ Anh 10 bộ, Nghi Xuân 02 bộ, Vũ Quang 09 bộ và thị xã Hồng Lĩnh 05 bộ) để thẩm định.

Mặc dù vậy, cho đến thời điểm này, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan (do các huyện đang tập trung để hoàn thành về số lượng bàn giao nên chưa chú trọng đến công tác định giá tài sản), Hội đồng định giá tài sản lưới điện hạ áp nông thôn các huyện chưa thể tiến hành thẩm định và báo cáo UBND tỉnh theo tiến độ và kế hoạch (Văn bản số 1673/UBND-TM ngày 24/5/2013).

UBND tỉnh đã có Văn bản số 3949/UBND-TM ngày 25/10/2013 chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nội dung đẩy nhanh tiến độ giao nhận và hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn.

 

 


    Ý kiến bạn đọc