Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVI (cử tri Kỳ Anh, Đức Thọ)
EmailPrintAa
14:51 08/07/2014

Câu hỏi:Đề nghị tỉnh kiểm tra và có giải pháp, biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân:

- Doanh nghiệp khai thác quặng mangan tại xã Đức Lập, huyện Đức Thọ, trong sản xuất;

- Dự án nuôi lợn giống của Tổng Công ty Khoáng sản Mitraco tại xóm Cầu Đôi, xã Đức Long, huyện Đức Thọ;

- Nhà máy VEDAN tại xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh

Trả lời:

          - Đối với Doanh nghiệp khai thác quặng Mangan tại xã Đức Lập, huyện Đức Thọ:

          Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đức Thọ, UBND xã Đức Lập và Công ty Cổ phần khoáng sản Mangan đã tiến hành kiểm tra, làm việc, kết quả như sau:

          Công ty Cổ phần khoáng sản Mangan được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác số 1032/QĐ-UBND ngày 09/4/2012 để khai thác quặng Mangan xã Đức Lập, huyện Đức Thọ, hiện giấy phép đã hết thời hạn khai thác kể từ ngày 09/4/2014. Trong quá trình hoạt động (theo giấy phép cũ) Công ty đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường như: Làm các hồ lắng bùn, mương thoát nước, khai thác đến đâu thực hiện việc trồng cây tái tạo môi trường đến đó.

          Sau khi có ý kiến của cử tri, UBND huyện Đức Thọ đã kiểm tra thực địa, xác nhận trong quá trình khai thác Mangan, Công ty đã thực hiện khá tốt về công tác bảo vệ môi trường, môi sinh như làm hồ lắng, rãnh thoát nước, trồng cây phục hồi môi trường.

          Có 02 hộ Trần Văn Ước và Trần Văn Tuất có nhà cách khu mỏ khoảng 500m,  kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVI là vào mùa mưa có hiện tượng nước giếng bị nhiễm đục nguyên nhân do việc khai thác quặng mangan gây ra. Tuy vậy, UBND xã Đức Lập báo cáo việc nước giếng bị đục chỉ diễn ra một vài ngày và lắng trong trở lại.

          Như vậy, tại thời điểm kiểm tra không có ý kiến, kiến nghị của cử tri sau khi đơn vị đã khắc phục các tồn tại trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản gây ra. Công ty cũng đã tạm ngừng hoạt động khai thác kể từ tháng 05/2012, do hoạt động không có hiệu quả và giấy phép khai thác khoáng sản đã hết thời hạn khai thác kể từ ngày 09/4/2014. Sau khi kết thúc khai thác, đơn vị đã thực hiện công tác hoàn phục môi trường, trồng cây tái tạo môi trường; đã duy tu, bảo dưỡng lại đường cho người dân đi lại, khơi thông mương thoát nước.

          Đã yêu cầu Công ty khẩn trương thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, đất đai và bàn giao lại đất cho địa phương để quản lý, sử dụng.

          - Về Dự án nuôi lợn của Tổng công ty Khoáng sản Mitraco tại xóm Cầu Đôi, xã Đức Long, huyện Đức Thọ:

          UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND huyện Đức Thọ, UBND xã Đức Long và Công ty CP phát triển nông lâm, thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh kiểm tra Trung tâm lợn giống chất lượng cao quy mô 500 con nái, tại xóm Cầu Đôi, xã Đức Long, huyện Đức Thọ (kiểm tra vào ngày 28/5/2014), kết quả như sau:

          Về việc triển khai xây dựng Trung tâm lợn giống chất lượng cao quy mô 500 con: Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra hồ sơ của Công ty CP phát triển nông lâm Hà Tĩnh. Theo báo cáo và hồ sơ của Công ty cung cấp thì Trung tâm lợn giống tại xóm Cầu Đôi trước đây là Trạm truyền giống Đức Long được UBND tỉnh chuyển giao về UBND huyện Đức Thọ và một phần cho Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty CP phát triển Nông lâm Hà Tĩnh đã nhận bàn giao tài sản, lao động của Trạm truyền giống Đức Long cho Công ty quản lý sử dụng từ ngày 17/4/2013. Căn cứ  kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển giống lợn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 định hướng đến năm 2020, Công ty đã lập dự án Trung tâm sản xuất lợn giống chất lượng cao Đức Long với quy mô 500 con, lập hồ sơ quy hoạch mặt bằng sử dụng đất xây dựng công trình với diện tích 3,6 ha và được UBND tỉnh phê duyệt ngày 13/3/2014. Công ty cũng đã hợp đồng với đơn vị tư vấn để lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường trình các cấp phê duyệt. Tuy vậy, trong quá trình xin ý kiến tham vấn cộng đồng thì cán bộ, nhân dân xóm Cầu Đôi và chính quyền xã Đức Long không đồng tình với việc triển khai dự án ở khu vực xóm Cầu Đôi vì cho rằng khu vực xây dựng Trung tâm lợn giống nằm cận kề khu dân cư, di tích văn hóa tâm linh Đền Đồng Cài, Bệnh viện đa khoa Đức Thọ.

          Kiểm tra thực địa cho thấy vị trí quy hoạch Trung tâm lợn giống cách khu dân cư và các địa điểm khác cho thấy:

         + Phía Tây: cách  hộ ông Hoàng Xuân Thịnh, xóm Cầu Đôi là 30 m; phía Tây Bắc: cách Bệnh viện đa khoa Đức Thọ là 380m, cách đền Đồng Cài là 30 m; phía Tây Nam: cách xóm Thượng Long là 1,4km.

          + Phía Bắc: khoảng cách Nhà điều hành đến khu dân cư xóm Cầu Đôi là 20m, khu chuồng nuôi đến khu dân cư xóm Cầu Đôi là 110m.

          + Phía Đông Nam: cách  xóm Thịnh Cường là 1,0km.

          Ngày 12/6/2014, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương Mại Hà Tĩnh có Văn bản số 184/ CV-TCT về việc không tiếp tục thực hiện Trại nái Đức Long- Đức Thọ trong đó nêu rõ Công ty CP phát triển Nông lâm Hà Tĩnh không thể xây dựn quy mô Trại lợn nái dưới 500 con do không phù hợp với ngành nghề và đề xuất UBND tỉnh giao lại toàn bộ đất và tài sản cho UBND huyện Đức Thọ để UBND huyện Đức Thọ có định hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tổng công ty sẽ xem xét và mở Trại lơn vệ tinh lợn nái Phú Lộc và các địa điểm khác phù hợp.

          - Về nhà máy VEDAN tại xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh:

 UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối huyện Kỳ Anh, xã Kỳ Sơn tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy VEDAN tại xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh. Kết quả ngày 06/6/2014 cụ thể  như sau:

          -  Nhà máy chế biến tinh bột mỳ Hà Tĩnh xây dựng và đưa vào sản xuất từ năm 2009 với công suất 200 tấn tinh bột/ngày đêm (tương đương 800 tấn củ sắn tươi/ngày đêm), dự án đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thuê đất theo Quyết định số 115/QĐ-UBND ngày 15/01/2008 và cấp giấy CNQSD đất số BB 450985 ngày 05/4/2011 với diện tích 705.611,4 m2 và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Quyết  định số 1077/QĐ-UBND ngày 19/4/2007 và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung hạng mục hệ thống xử lý nước thải công suất 4800 m3/ngày kết hợp thu hồi  biogas theo Quyết định số 784/QĐ-UBND ngày 26/3/2008, dự án hoàn thành đi vào hoạt động từ năm 2009, thời gian sản xuất của nhà máy theo mùa vụ, bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Các giải pháp bảo vệ môi trường tại nhà máy như sau:

          + Nước thải sản xuất: Công ty đã xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải sản xuất (bao gồm: hệ thống hồ sinh học, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp 4.800m3/ngày đêm kết hợp thu hồi biogas, hệ thống xử lý nước thải bậc cao) để đảm bảo nước thải công nghiệp đạt cột A, CVN 40:2011/BTNMT trước khi thải ra môi trường.

           + Chất thải rắn sinh hoạt: Công ty đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh thu gom và vận chuyển đi xử lý từ năm 2010 đến nay.

          + Chất thải rắn sản xuất: Công ty đã ký hợp đồng với Công ty TNHH thương mại tổng hợp và vận tải Phúc Thịnh thu gom toàn bộ lượng bã sắn phát sinh hàng ngày, không lưu giữ tại nhà máy.

          + Chất thải nguy hại: Chất thải nguy hại phát sinh công ty đã đăng ký quản lý tại Sở Tài nguyên và môi trường, xây dựng kho chứa CTNH và lưu giữ, quản lý theo đúng quy định, và đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần cơ điện môi trường Lilama thu gom, vận chuyển đi xử lý.

          + Về bụi, khí thải: đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013 hệ thống thu hồi bụi tại khu vực xưởng sản xuất.

          Qua kiểm tra thực tế cho thấy hiện tại Nhà máy đang ngừng sản xuất và đang tiến hành cải tạo các hồ sinh học xử lý nước thải (sửa chữa thay thế các tấm lót HDPE bị rách tại hồ số 2).

  Về thủ tục, hồ sơ: Công ty đang hoàn thiện hồ sơ xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án trình Sở TN và MT thẩm tra và cấp Giấy xác nhận; chưa có Giấy phép xả nước thải và nguồn nước, chưa bố trí vị trí phù hợp để thu gom, lưu giữ bã sắn, vỏ sắn tươi.

 

 Theo ý kiến của UBND xã Kỳ Sơn, trong giai đoạn đầu từ năm 2009 - 2010 hoạt động sản xuất của nhà máy do chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, hệ thống xử lý bụi, khí thải quá trình hoạt động của nhà máy có phát sinh mùi hôi, thối ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân các xóm Mỹ Tân và xóm Mỹ Lạc và năm 2012 người dân đã phản ánh trực tiếp tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Riêng đối với nước thải, hiện tại chưa có phản ánh nào của người dân về nước thải của nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Từ khi công ty đầu tư thêm hệ thống xử lý nước thải bậc cao, xây dựng hệ thống xử lý bụi khí thải thì công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy được cải thiện đáng kể mùi phát sinh từ quá trình sản xuất được hạn chế hơn, tuy nhiên quá trình sản xuất của nhà máy do chưa quy hoạch và xây dựng bãi chứa chất thải rắn đảm bảo theo quy định, chưa xây dựng sân phơi bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải, xử lý nhằm giảm thiểu phát sinh mùi hôi, do đó hoạt động sản xuất của nhà máy phát sinh mùi người dân phản ánh là có cơ sở đã được đoàn thanh tra theo quyết định 169/QĐ-UBND ngày 14/01/2013 kết luận và yêu cầu công ty khắc phục các tồn tại trên. Hiện nay công ty đang từng bước hoàn thiện các tồn tại theo Kết luận thanh tra số 231/KL-UBND ngày 28/6/2013 của UBND tỉnh: Hoàn thiện hồ sơ cấp phép xả thải, sửa chữa kịp thời các vị trí vải địa kỹ thuật HDPE bị rách, thực hiện các thủ tục hồ sơ để bổ sung quy hoạch xây dựng khu quản lý và lưu giữ chất thải rắn (bã sắn, vỏ sắn tươi), có biện pháp phun các chế phẩm sinh học tại vị trí lưu giữ bã sắn tạm thời tại nhà máy khi chưa vận chuyển đi xử lý để giảm thiểu tối đa việc phát sinh mùi gây ảnh hưởng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt khu dân cư xung quanh xóm Mỹ Tân và xóm Mỹ Lạc xã Kỳ Sơn huyện Kỳ Anh, phối hợp tốt với địa phương về công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy.


    Ý kiến bạn đọc