Trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVI (Cử tri huyện Đức Thọ)
EmailPrintAa
08:13 16/12/2014

Câu hỏi:Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường cấp huyện và cơ sở ít nhất 1% chi ngân sách địa phương hàng năm theo Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị  về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Quyết định số 1294-QĐ/UB-NL­­­1 ngày 1/7/2005 của UBND tỉnh về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW 

 

Trả lời:

Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hàng năm các cơ quan có thẩm quyền đã bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đảm bảo sự nghiệp hoạt động môi trường một cách phù hợp;

         Tại Quyết định 1294-QĐ/UB-NL1 ngày 01/7/2005 của UBND tỉnh về việc ban hành chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW của Bộ Chính trị; giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch và đầu tư, nghiên cứu, đề xuất chủ trương, biện pháp để đảm bảo đến năm 2006 bố trí không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước, cho mục chi các hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng dần hành năm theo tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm qua việc bố trí nguồn lực không dưới 1% để chi cho hoạt động môi trường là quy định chung đối với tổng chi ngân sách nhà nước.

         Để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2011 (giai đoạn ổn định ngân sách 2011-2015) chi sự nghiệp môi trường 1%  tổng chi NSNN phải đảm bảo; theo đó ngân sách trung ương chi 15%, ngân sách địa phương 85%.

         Đối với ngân sách của từng địa phương căn cứ vào các tiêu chí sau để bố trí mức chi sự nghiệp môi trường:

          - Mật độ dân số;

          - Yếu tố tác động môi trường của sản xuất công nghiệp theo giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn từng địa phương;

          - Đảm bảo môi trường khu bảo tồn thiên nhiên;

          - Yếu tố tác động từ rừng tự nhiên đảm bảo môi trường thiên nhiên theo diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn từng địa phương.

Đối với tỉnh ta, trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2011-2015; trên cơ sở quy định của Trung ương và HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 29/2010/QĐ-UBND ngày 29/12/2010, quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2011-2015; định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011, trong đó chi sự nghiệp môi trường được bố trí theo đúng quy định của Trung ương, HĐND tỉnh và phù hợp với ngân sách địa phương, cụ thể:

+ Tập trung xử lý môi trường cho thành phố Hà Tĩnh 6.000 triệu đồng/năm, bằng 6,7% tổng chi thường xuyên ngân sách thành phố (88.790 triệu đồng), bằng 5,2% so với tổng chi thường xuyên ngân sách thành phố, xã, phường (116.207 triệu đồng); thị xã Hồng Lĩnh 3.000 triệu đồng/năm, bằng 5,4% tổng chi thường xuyên ngân sách thị xã (54.666 triệu đồng), bằng 4,4 % so với tổng chi thường xuyên ngân sách thị xã; xã, phường (67.126 triệu đồng);

+ Các huyện có khu công nghiệp, di tích lịch sử (Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Nghi Xuân): Mức 550 triệu đồng/huyện/năm; mức 530 triệu đồng/huyện/năm đối với các huyện có từ 19 đơn vị hành chính trở lên; mức 460 triệu đồng/huyện/năm các huyện còn lại; ngân sách tỉnh còn bố trí 200 triệu đồng/một thị trấn cho công tác kiến thiết thị chính.

+ Tổng chi sự nghiệp môi trường năm 2011 (thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015) chiếm 1,1% tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương (14.240 triệu đồng/1.290.508 triệu đồng ngân sách huyện), nếu tính trên tổng chi cả ngân sách xã thì kinh phí chi cho SNMT chiếm 0,7% tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương (14.204 triệu đồng/1.836.667 triệu đồng).

Ngoài ra, hàng năm ngân sách tỉnh còn bổ sung kinh phí sự nghiệp môi trường cho Thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, một số địa phương, khu công nghiệp, nhà máy xử lý chất thải rắn và một số lĩnh vực khác liên quan đến công tác bảo vệ môi trường với kinh phí tương đối lớn; Kinh phí bố trí cho sự nghiệp môi trường trong dự toán đầu năm và bổ sung có mục tiêu nhìn chung đã vượt so với quy định của TW; bên cạnh đó UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về thu phí rác thải, phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản được để lại một phần cho đơn vị, địa phương đã góp phần đưa công tác bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn.

        Công tác bảo vệ môi trường đang từng bước được xã hội hóa, ngoài nguồn lực hỗ trợ từ NSTW, Ngân sách tỉnh; các địa phương từng bước thực hiện xã hội hóa huy động từ sự đóng góp của Doanh nghiệp, nhà hảo tâm và trích một phần kinh phí từ sự nghiệp kinh tế, tăng thu hàng năm để chủ động bố trí cho sự nghiệp môi trường theo xu hướng ngày càng tăng.

          Như vậy, việc bố trí nguồn lực chi sự nghiệp môi trường của địa phương đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tình hình cụ thể của từng địa phương.

 

Đối với câu hỏi của cử tri huyện Đức Thọ thì kinh phí 1% bố trí cho sự nghiệp môi trường là quy định chung đối với tống chi ngân sách nhà nước, chứ không phải bố trí chi cho sự nghiệp môi trường cấp huyện như kiến nghị của cử tri. Thực tế UBND tỉnh đã bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường ngân sách địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết HĐND tỉnh theo mức đã quy định tại Quyết định số 29/2010/QĐ-UBND ngày 29/12/2010 của UBND tỉnh đã được phân tích trên.


    Ý kiến bạn đọc