Trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVI (Cử tri huyện Lộc Hà)
EmailPrintAa
08:11 16/12/2014

Câu hỏi:Việc khai thác đá ở núi Nam Giới (thuộc địa phận huyện Thạch Hà) làm ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh. Vừa qua Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản trả lời giải quyết vấn đề trên nhưng cử tri vẫn còn băn khoăn, cho rằng chưa thỏa đáng và không phù hợp thực tế. Đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra và chấm dứt việc khai thác đá ở khu vực này 

Trả lời:

Về hồ sơ thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản:

- Về thủ tục cấp phép lần đầu:

 Mỏ đá tại xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà của Công ty Cổ phần xây dựng 1 Hà Tĩnh được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 3526/GP-UBND ngày 08/12/2008 với diện tích 7,3 ha, thời hạn khai thác là 5 năm. Việc cấp Giấy  phép khai thác khoáng sản được căn cứ vào Quyết định số 3360/QĐ-UBND ngày 08/12/2008 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng và ý kiến đề nghị bằng văn bản của các ngành: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Văn bản số 2180/SNN-LN ngày 04/11/2008; Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tại Văn bản số 531/SVHTTDL-DS ngày 27/10/2008; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh tại Văn bản số 1706/BCH-TaC ngày 04/11/2008; UBND huyện Thạch Hà tại Văn bản số Công văn số 640/UBND ngày 24/10/2008 và UBND xã Thạch Bàn tại Tờ trình số 47/CV-UBND ngày 20/10/2008.

Sau khi được cấp Giấy phép khai thác, xét đề nghị của Sở Nông nghiêp và phát triển Nông thôn tại Văn bản số 353/SNN-LN ngày 25/2/2009, UBND tỉnh có Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 02/3/2009, về việc chuyển mục đích sử dụng Rừng, nội dung Quyết định ghi rõ "Chuyển đổi mục đích sử dụng 7,3 ha rừng trồng tại khoảnh 1A, tiểu khu 297, xã Thạch Bàn do Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Hà quản lý, sử dụng để chuyển sang khai thác đá xây dựng; Đối tượng Rừng: Thuộc đối tượng quy hoạch rừng sản xuất; Loại cây trồng Keo; Vị trí ranh giới xác định theo bản đồ kèm theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 3526/GP-UBND ngày 08/12/2008". Công ty đã được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 24/3/2009, với diện tích 7,3 ha và đã ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường tại Hợp đồng số 21/2009/HĐTĐ ngày 06/4/2009.

Như vậy, toàn bộ diện tích 7,3 ha mỏ đá xây dựng nêu trên đã được UBND tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang khai thác đá xây dựng.

- Về thủ tục cấp phép phần mở rộng:

Ngày 05/7/2011, Công ty CP xây dựng 1 Hà Tĩnh có Tờ trình số 01/CTCP xin thăm dò và xin mở rộng mỏ đá núi Nam Giới, xã Thạch Bàn. Căn cứ kết quả thẩm định tại Biên bản cuộc họp ngày 08/7/2009 (giữa đại diện các ngành Sở TNMT, Sở NN &PTNT, Ban quản lý Rừng phòng hộ, UBND huyện Thạch Hà, UBND xã Thạch Bàn và Công ty CP xây dựng 1 Hà Tĩnh); ý kiến đề nghị của UBND huyện Thạch Hà tại Tờ trình số 691/UBND-TNMT ngày 11/8/2010 và UBND xã Thạch Bàn tại Tờ trình số 18/T.Tr-UBND ngày 21/7/2010. Xét đề nghị của Sở TNMT tại Văn bản số 45/STNMT-KS ngày 11/01/2011, kèm theo Biên bản thẩm định báo cáo thăm dò ngày 31/12/2011 của Hội đồng xét duyệt Báo cáo thăm dò khoáng sản, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 180/QĐ-UBND ngày 20/11/2011phê duyệt trữ lượng khoáng sản của mỏ đá xây dựng khu vực núi Nam Giới, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà.

Trên cơ sở kết quả phê duyệt trữ lượng, xét đề nghị của UBND huyện Thạch Hà, đề nghị của UBND xã Thạch Bàn, ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Văn bản số 599/SNN-LN ngày 27/3/2011 và đề nghị của Sở TNMT tại 02 Văn bản số 351/STNMT-KS ngày 10/3/2011 và số 459/STNMT-KS ngày 21/3/2011, UBND tỉnh đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1131/GP-UBND ngày 05/4/2011 cho Công ty với diện tích 14,3 ha, trong đó diện tích đã cấp 7,3ha và diện tích mở rộng 7,0ha, thời hạn khai thác 20 năm, công suất khai thác 250.000 m3/năm. Ngày 08/11/2013, Công ty CP xây dựng 1 Hà Tĩnh có Đơn xin nâng công suất khai thác và được UBND tỉnh cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản số 546/GP-UBND ngày 27/02/2014, nâng công suất khai thác từ 250.000 m3/năm lên 420.000 m3/năm, thời hạn 5 năm. Diện tích, vị trí khai thác theo Giấy phép đã cấp từ năm 2011.

Tuy nhiên, qua đối chiếu hồ sơ cấp phép khai thác, hồ sơ quy hoạch 3 loại rừng và kết quả kiểm tra hiện trạng khu vực khai thác thấy rằng. Diện tích khu vực mỏ đã cấp cho Công ty phần mở rộng 7,0 ha tại khu vực núi Nam Giới có 5,4 ha đất thuộc khoảnh II, tiểu khu 297 là đất rừng phòng hộ môi trường.

 Về công tác bảo vệ môi trường và an toàn lao động:

 - Về công tác bảo vệ môi trường:Công ty Cổ phần xây dựng 1 Hà Tĩnh đã lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), trình Hội đồng thẩm định của tỉnh vào ngày 07/5/2013 (thành lập theo Quyết định số 1149/QĐ-UBND ngày 20/8/2013 với thành phần tham gia của Đại diện phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh,Sở Công Thương, Chi cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, UBND huyện Thạch Hà). Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua tại Văn bản số 251/TB-TNMT ngày 10/5/2010 và UBND tỉnh đã phê duyệt ĐTM tại Quyết định số 2747/QĐ-UBND ngày 04/9/2013.

Theo kết quả phân tích quan trắc môi trường định kỳ 6 tháng đầu năm 2014 tại mỏ đá thì các chỉ tiêu về nồng độ bụi và khí thải trong không khí, tiếng ồn, nước thải sinh hoạt (đo tại khu vực khai thác và khu vực chế biến) đều nằm trong giới hạn cho phép so với QCVN 05:2013/BTNMT về nồng dộ các thông số trong không khí xung quanh, QCVN 26:2010/BTNMT quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn, áp dụng với khu vực thông thường, TCVN 3985:1999 âm học - mức ồn cho phép tại vị trí làm việc, QCVN 14:2008/BTNMT quy chuẩn quốc gia về nước thải sinh hoạt (các Quy chuẩn nêu trên được thể hiện trong báo cáo ĐTM được Hội đồng thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt và yêu cầu chủ Dự án phải thực hiện); Tại khu vực chế biến và khu khai thác, qua kiểm tra nhận thấy Công ty đã thực hiện việc thu gom các chất thải rắn để xử lý, trồng thêm cây xanh nhằm tạo cảnh quan môi trường, giảm khả năng lan truyền bụi, khí thải, hạn chế rửa trôi, xói mòn đất....

- Về an toàn lao động:Qua kiểm tra, đo vẽ trên thực tế cho thấy: khoảng cách từ ranh giới mỏ được cấp đến khu dân cư là 1.000 m, đến đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi là 782,7m; đối chiếu với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp (ban hành theo Quyết định số 51/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ Công Thương) thì đảm bảo khoảng cách an toàn về chấn động, khoảng cách an toàn sóng không khí, khoảng cách an toàn do đá văng khi nổ mìn.

 

Như vậy, đến tại thời điểm kiểm tra việc khai thác đá đảm bảo an toàn cho công trình và con người xung quanh. Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế, còn một số tồn tại đơn vị chưa thực hiện đầy đủ đó là: chưa thực hiện đổ thải tập kết sản phẩm theo báo cáo ĐTM đã được duyệt, sử dụng bãi chế biến vượt quá diện tích quy hoạch đã được phê duyệt, việc khai thác không thực hiện cắt tầng khai thác theo đúng thiết kế mỏ.

 


    Ý kiến bạn đọc