Trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVII. (Cử tri toàn tỉnh)
EmailPrintAa
11:07 13/07/2017

Câu hỏi 2.Đề nghị tăng mức hỗ trợ xây dựng mới nhà văn hoá thôn đối với địa bàn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 18/2015/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ cải tạo đối với nhà văn hóa thôn để tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện thực tế. Xem xét lại tiêu chí trường học đạt chuẩn, nhất là trường mầm non, tiểu học vì quy định như hiện nay là quá lãng phí, yêu cầu nguồn đầu tư lớn.

 

Trả lời:

2.1. Về tăng mức hỗ trợ xây dựng mới nhà văn hoá thôn đối với địa bàn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 18/2015/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ cải tạo đối với nhà văn hóa thôn để tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện thực tế

Thực hiện Nghị quyết số 55/2013/NQ-HĐND ngày 13/7/2013 về việc thông qua Đề án “Tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020”, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2926/QĐ-UBND ngày 20/9/2013 phê duyệt Đề án. Sau 02 năm triển khai Nghị quyết có một số vướng mắc trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 18/2015/QĐ-UBND ngày 9/4/2015 quy định một số chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2015-2020. Những chính sách này đã tạo nên một sự đổi mới mạnh mẽ trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Từ năm 2014 đến 2016, tổng nguồn lực đã huy động được để thực hiện Đề án là 240.962 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh là 21.000 triệu đồng, ngân sách huyện 38.966 triệu đồng, ngân sách xã 122.679 tỷ đồng, các nguồn hợp pháp khác 58.317 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc thực hiện Quyết định số 18/2015/QĐ-UBND ngày 9/4/2015 của UBND tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế như:

- Hiện nay các xã đang tập trung để xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, thể thao đòi hỏi phải có nguồn kinh phí tương đối lớn mới có thể hoàn thành, đến đầu năm 2016, có 55 xã/262 xã (chiếm 21%) đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, đây là một tiêu chí có tỷ lệ đạt thấp so với các tiêu chí khác. 

- Do ngân sách hỗ trợ hàng năm còn hạn chế nên một số nội dung đã được phê duyệt trong đề án nhưng chưa có kinh phí thực hiện (VD: hỗ trợ các hoạt động văn hóa thể thao, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ).

- Mức hỗ trợ từ ngân sách cho xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao xã còn quá thấp so với mức của Đề án quy định. Theo Đề án mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách nhà nước là 70% tổng dự toán công trình đối với các xã đặc biệt khó khăn ở miền núi, nhưng thực tế mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 500 triệu đến 900 triệu cho 01 nhà văn hóa...

Để khắc phục những hạn chế nói trên, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ngành liên quan xem xét tham mưu đề xuất tăng mức hỗ trợ xây dựng mới nhà hóa thôn đối với địa bàn đặc biệt khó khăn đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ cải tạo đối với nhà văn hóa thôn để tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện thực tế.

2.2. Về việc xem xét lại tiêu chí trường học đạt chuẩn, nhất là trường mầm non, tiểu học vì quy định như hiện nay là quá lãng phí, yêu cầu nguồn đầu tư lớn

Tiêu chuẩn trường mầm non đạt chuẩn quốc gia được quy định tại Thông tư 02/2014/TT- BGDĐT, ngày 08/02/ 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; tiêu chuẩn trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia được quy định tại Thông tư 59/2012/TT- BGDĐT ngày 28/12/2012 Ban hành quy định đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Tiêu chuẩn trong các Thông tư này là các quy định, yêu cầu tối thiểu cho những trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia áp dụng chung trong toàn quốc (cho cả vùng khó khăn và vùng thuận lợi).

Khi chỉ đạo các trường phấn đấu trường đạt chuẩn quốc gia, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị bám sát vào các tiêu chuẩn quy định tại các Thông tư  nói trên để tham mưu xây dựng và tự đánh giá thẩm định.

Tiêu chí số 5 trong bộ tiêu chí công nhận xã về đích Nông thôn mới, yêu cầu về trường học có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia, chỉ là một trong năm tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia. Như vậy, có thể xã về đích nông thôn mới nhưng trường  học không đạt chuẩn quốc gia.

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, những trường có đầy đủ cơ sở vật chất theo quy định của trường chuẩn quốc gia đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện điều kiện dạy - học của giáo viên, học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Qua kiểm tra, giám sát, cũng như trong thực tế khai thác sử dụng chưa xảy ra tình trạng lãng phí các phòng chức năng và cơ sở vật chất của các trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia. 

 


    Ý kiến bạn đọc