Trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVII. (Cử tri huyện Hương Khê, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh)
EmailPrintAa
11:05 13/07/2017

Câu hỏi 1.Đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho đội ngũ bán chuyên trách cấp xã theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ này; quan tâm hỗ trợ cho giáo viên bậc học mầm non, nhất là cô nuôi, cán bộ y tế, kế toán.

 

Trả lời:

1.1. Về  hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho đội ngũ bán chuyên trách cấp xã theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

Đội ngũ bán chuyên trách cấp xã gọi chung là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; trước ngày 01/01/2016, đội ngũ này không thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, chỉ được tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng kể từ ngày 01/01/2016 (theo quy định tại Điểm i, Khoản 1 Điều 2 và mục 4, 5 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014), đội ngũ này thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Về mức đóng Bảo hiểm xã hội: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 85 và Khoản 3, Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội: Người lao động đóng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất; người sử dụng lao động đóng 14% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Việc hỗ trợ kinh phí đóng Bảo hiểm xã hội cho người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn phụ thuộc vào khả năng cân đối của ngân sách địa phương.

1.2. Về chính sách hỗ trợ:

Đối với các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 15/01/2016 quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ; theo đó, cán bộ không chuyên trách cấp xã được hưởng hệ số phụ cấp 1,3 mức lương cơ sở/người/tháng (bao gồm 3% bảo hiểm y tế).

1.3. Về hỗ trợ cho giáo viên bậc học mầm non, nhất là cô nuôi, cán bộ y tế, kế toán:

Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, trong những năm qua, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015 quy định: Giáo viên (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập được Nhà nước hỗ trợ ngân sách để các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện trả lương theo thang bảng lương giáo viên mầm non. Giáo viên được nâng lương theo định kỳ, được tham gia đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác như giáo viên có cùng trình độ đào tạo đang hợp đồng làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Giáo viên mầm non công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục được Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Việc thực hiện chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập đã góp phần nâng cao đời sống, nâng cao vị thế, giúp giáo viên yên tâm gắn bó, tâm huyết với nghề. Để tiếp tục đảm bảo chính sách này, ngày 31/12/2015, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 2417/TTg-KGVX về việc kéo dài việc thực hiện một số chính sách đối với trẻ em và giáo viên mầm non cho đến khi có văn bản chính sách mới, thay thế.

Đối với chính sách về cô nuôi: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Văn bản hướng dẫn công tác nuôi dưỡng tại các trường mầm non công lập, bán công có tổ chức bán trú (Văn bản số hướng dẫn 887/HD-SGDĐT ngày 31/7/201. Số lượng cô nuôi và nguồn kinh phí chi trả được trích từ nguồn đóng góp của cha, mẹ học sinh và các nguồn thu hợp pháp khác. Quyền lợi của cô nuôi được trả tiền công lao động theo thoả thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu chung theo quy định hiện hành của Nhà nước. Hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo là phù hợp với chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Đối với chính sách về nhân viên y tế, kế toán được giao biên chế: Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 35/2012/QĐ-UBND ngày 13/7/2012 quy định một số chính sách đối với ngành giáo dục - đào tạo trong đó có quy định hỗ trợ thêm 20% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng đối với nhân viên y tế học đường trong các cơ sở giáo dục; áp dụng phụ cấp trách nhiệm kế toán theo quy định tại Thông tư liên tịch số 163/2013/TTLT-BTC-BNV ngày 15/11/2013 hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bố trí, miễn nhiệm, thay thế và xếp phụ cấp trách nhiệm công việc kế toán trưởng, phụ trách kế toán trong các đơn vị  kế toán thuộc lĩnh vực kế toán nhà nước.

Đối với nhân viên y tế, kế toán các trường mầm non còn lại đang Hợp đồng lao động theo Quyết định số 240/QĐ-UBND ngày 18/01/2013 của UBND tỉnh, mức thu nhập thực hiện theo Nghị quyết số 46/2012/NQ-HĐND ngày 20/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh (hỗ trợ theo hệ số 1.0, trong đó ngân sách tỉnh hộ trợ 80%) với mức thu nhập này còn  thấp so với thang bảng lương hiện hành. Tuy nhiên hiện tại, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 2378/VPCP-KGVX ngày 08/4/2015 chỉ đạo tạm thời dừng tuyển viên chức chuyên trách làm công tác y tế, tài chính kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 6044/BGDDT-NGCBQLCSGD ngày 08/12/2016 chỉ đạo rà soát sử dụng đội ngũ nhân viên trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu sắp xếp lại đội ngũ nhân viên hành chính các trường học.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, sau khi có quy định mới của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng chính sách sửa đổi, bổ sung một số chế độ chính sách đối với giáo viên, nhân viên trường học làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

 


    Ý kiến bạn đọc